Gần đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết Bình Dương phát hành 12 triệu tờ vé số ký hiệu 05K18, mở ngày 5/5/2023, trên mỗi tờ vé số có in hình ảnh và dòng chữ: "69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, 07/5/1954-07/5/2023”. Có thể thấy dòng chữ "Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” là không chính xác.
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là chiến thắng lịch sử của nhân dân ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp; Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là chiến thắng trong 12 ngày đêm, từ 18-30/12/1972, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại của quân đội Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52, tại Hà Nội và một số tỉnh miền bắc.
Với mục đích tuyên truyền kỷ niệm 69 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2023), nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết Bình Dương đã in sai nội dung thông tin, nhầm lẫn hai sự kiện lịch sử hoàn toàn khác nhau.
Mặc dù Ban lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết Bình Dương có văn bản thừa nhận sai sót và nhận trách nhiệm, chấn chỉnh lại quy trình tạo mẫu, in vé số nhưng 12 triệu tờ vé số đã phát hành, cùng với thông tin sai trong tờ vé số được lan truyền trên mạng xã hội đã tác động xấu đến dư luận xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc in sai thông tin, nhầm lẫn các sự kiện lịch sử khác nhau đã thể hiện những người làm và kiểm duyệt việc in ấn, phát hành tờ vé số thiếu kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc, thiếu trách nhiệm và cẩu thả trong công việc.
Trước đó, mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh chụp những tấm pa-nô, áp-phích đăng sai nội dung thông tin các sự kiện lịch sử. Đơn cử, tại hai xã: Suối Cát và Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai xuất hiện các tấm áp-phích tuyên truyền kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng sai về thời gian.
Cụ thể là, các tấm áp-phích này đều in nội dung: "Kỷ niệm 42 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1975-7/5/2017” (Chiến thắng Điện Biên Phủ là ngày 7/5/1954 và dấu mốc kỷ niệm là 63 năm).
Hay tại một cây xăng ở tỉnh Bắc Giang treo băng-rôn in nội dung: "Chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô 30/4 và Ngày quốc tế Lao động 1/5”, trong khi ngày 30/4 là Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Những thông tin cổ động, tuyên truyền sai như vậy có thể khiến công chúng hiểu lầm về sự kiện lịch sử, làm mất đi giá trị lịch sử của những ngày lễ quan trọng.
Hiện nay, với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, thông tin sai sót càng trở nên phổ biến hơn khi mỗi người đều có thể trở thành một người đăng tin và chia sẻ thông tin trên mạng, gây tác động tiêu cực công tác tuyên truyền lịch sử đến người dân.
Theo kết quả nghiên cứu của "Đề án Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh-Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020” của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh thì tại thời điểm tháng 9/2020, trên địa bàn thành phố có gần 40 tên đường sai tên, họ tên nhân vật lịch sử.
Đáng nói là họ, tên, tên đệm các nhân vật lịch sử bị ghi sai ngay trong quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hoặc quyết định của Ủy ban nhân dân các quận, huyện.
Đơn cử các đường: Dương Tự Quán (tên đúng là Dương Tụ Quán); Phan Khiêm Ích (tên đúng là Phạm Khiêm Ích); Lê Đình Quản (tên đúng là Nguyễn Đình Quản); Hoàng Xuân Hoành (tên đúng là Hoàng Xuân Hành)…
Thậm chí trong một quyển vở in chữ dành cho học sinh tiểu học luyện chính tả còn có đoạn: "Lý Thường Kiệt dùng kế chôn cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn dưới sông Bạch Đằng”. Theo sử liệu, người dùng kế chôn cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn dưới lòng sông Bạch Đằng để tiêu diệt quân Nam Hán là Ngô Quyền.
Đặt biển tên đường phố các nhân vật lịch sử hay giới thiệu nhân vật lịch sử trong sách, vở, tranh ảnh là một việc tốt để giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc.
Khi sự kiện được tuyên truyền với thông tin sai lệch, thiếu chính xác, có thể gây tác hại đến nhận thức, hiểu biết, quan điểm của công chúng về lịch sử, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Theo Báo NDĐT (NQ)