Nhớ về vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đầu tiên

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/2/2022 | 8:57:55 AM

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025 thành công rất tốt đẹp. Nhớ về những đóng góp của các bậc tiền bối, “ôn cố tri tân”, giới báo chí và các cấp Hội Nhà báo cả nước luôn khắc cốt ghi tâm những đóng góp to lớn của nhà báo sáng lập và đặt nền móng xây dựng tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay. Nhà báo Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đầu tiên - nhà hoạt động chính trị, xã hội, ngoại giao lỗi lạc của nước ta nửa sau thế kỷ XX.


Nhà báo Xuân Thủy. Ảnh: TL

 

Nhà báo, nhà lãnh đạo xuất sắc

Nhà báo Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại thôn Hòe Thị, xã Phương Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Phương Canh, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Bố ông là nhà nho yêu nước, đã theo phong trào cách mạng của Phan Châu Trinh, được bố rèn giũa từ nhỏ, do đó đã làm nên tài năng và ý chí cách mạng của Xuân Thủy.

Ông bắt đầu giác ngộ cách mạng từ năm 1932. Đến năm 1935, ông lên Phúc Yên hoạt động cách mạng để tránh sự theo dõi gắt gao của bọn hào lý ở quê nhà. Từ đây, Xuân Thủy bắt đầu làm báo. Ông dùng báo chí để tuyên truyền cách mạng. Ông nhiều lần bị đế quốc bắt giam nhưng vẫn kiên trung, là tấm gương sáng về tinh thần bất khuất và lạc quan cách mạng: Đế quốc tù ta, ta chẳng tù/ Ta còn bộ óc, ta không lo/ Giam người, khoá cả chân tay lại/ Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do (Thơ Xuân Thủy, Không giam được trí óc)

Nhà báo Xuân Thủy (người quàng khăn ngồi giữa) và đồng nghiệp tại Chiến khu Việt Bắc_Ảnh: TL

Ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng có những đóng góp xuất sắc và suốt đời gìn giữ, tỏa sáng một nhân cách của người cộng sản chân chính.

Đồng chí Trường Chinh khẳng định: "Đồng chí Xuân Thủy là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có đức, có tài, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta... Trên tất cả các mặt công tác, anh đều có những cống hiến xuất sắc” (Tuyển tập Xuân Thủy, NXB Văn học, 1999). Bút danh Xuân Thủy của ông ra đời vào năm 1935 và trở thành tên gọi của ông cho đến khi ông qua đời.

Ông là người sáng lập và là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đầu tiên. Tháng 6 năm 1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 21 tháng 6 hằng năm, ngày xuất bản số đầu báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập sáu mươi năm trước, làm Ngày báo chí Việt Nam, nay là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Sáng 19/6/1985, Ban lãnh đạo Hội đang họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hoàng Tùng bàn về cuộc mít tinh sẽ được tổ chức vào sáng hôm sau để lần đầu tiên mừng Ngày Báo chí Việt Nam, mọi người sửng sốt được tin, người sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của Hội, nhà báo Xuân Thủy, vừa đột ngột ra đi.

Ông từ trần lúc đang viết dở Lịch sử Báo Cứu quốc, đến đoạn tòa soạn báo từ một địa điểm thuộc huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên chuyển lên huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, năm 1948. Vậy là ông sẽ không có mặt để chứng kiến sự kiện đầy ý nghĩa mang dấu ấn nhiều công lao của ông đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, tên ông được đặt cho một tuyến đường lớn ở Hà Nội. Đường Xuân Thủy, giao cắt với các con đường lớn như Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu và Phạm Hùng. Đường Xuân Thủy cũng là nơi có Đại học Quốc gia Hà Nội – trường Đại học lớn nhất Việt Nam và nơi đào tạo báo chí truyền thông hàng đầu đất nước là Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Đồng chí Xuân Thủy, Trưởng Đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris_Ảnh: TL

Người sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam

Nhà báo Xuân Thủy là người sáng lập và chỉ đạo hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam - kể cả các tổ chức tiền thân của Hội.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Thuyết nay đã quá cố, Chủ nhiệm báo Vì nước - một tờ báo xuất bản hằng ngày tại Hà Nội những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám: Cuối năm 1945, trong tình hình đất nước mới giành lại được độc lập đang phải đối phó với thù trong giặc ngoài, theo lời mời của Xuân Thủy, ông đã cùng nhà báo Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm Tạp chí Tri tân, đến trụ sở Báo Cứu quốc, bàn việc chuẩn bị thành lập tổ chức của những người làm báo Việt Nam.

Tại cuộc họp trù bị có mặt đại diện nhiều báo chí quan trọng ở Hà Nội và Hải Phòng, Chủ nhiệm báo Cứu quốc Xuân Thủy nêu vấn đề: "Tình hình đất nước đang diễn ra cực kỳ phức tạp... Nay đã đến lúc các nhà báo chúng ta cần tập hợp lại vào một tổ chức, không phân biệt báo đoàn thể hay báo tư nhân... Tôi đã xin ý kiến cụ Chủ tịch (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Cụ rất hoan nghênh và nói: Người làm báo cũng là chiến sĩ, người cầm bút, cầm súng cầm gươm phải đoàn kết trong một mặt trận để cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc...”.

Cuối năm 1945, Đại hội báo giới với sự tham dự của hơn hai trăm nhà báo thuộc nhiều xu hướng chính trị xã hội khác nhau họp tại Hà Nội, quyết định thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam. Nhà báo Xuân Thủy là người tổ chức và chỉ đạo đại hội. Thấm nhuần chủ trương đại đoàn kết toàn dân, ông đề cử nhà báo Nguyễn Tường Phượng giữ chức Chủ tịch của Đoàn, còn mình lại về tuyến sau.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Các vị trong Ban Chấp hành Đoàn Báo chí tản mát về các địa bàn khác nhau. Năm 1950, tại Hội trường Báo Cứu Quốc ở chiến khu Việt Bắc, Nhà báo Xuân Thủy lại đứng ra triệu tập các nhà báo, mở Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (từ năm 1959 đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam). Ông được bầu làm Chủ tịch. Mặc dù bận nhiều trọng trách ở Ban thường trực Quốc hội và Mặt trận Liên Việt (Mặt trận Tổ quốc ngày nay), ông chủ trì công việc của Hội Nhà báo suốt hai nhiệm kỳ, cho đến tháng 9 năm 1962.

Nhà báo Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đầu tiên_Ảnh: TL

Cả cuộc đời làm báo

Xuân Thủy có bài đăng trên báo chí Hà Nội từ đầu những năm 1935. Trong thời gian bị thực dân Pháp bắt và đày lên nhà tù Sơn La cùng nhiều nhà cách mạng khác, Xuân Thủy cùng Trần Huy Liệu phụ trách biên tập và xuất bản trong nhà tù Báo Suối reo.

Khi Trần Huy Liệu bị thực dân Pháp chuyển đi nơi khác, ông là người chịu trách nhiệm toàn bộ. Nếu Báo Suối reo chưa hẳn là nơi tập dượt nghề báo, ít ra cũng là cơ hội để các đồng chí nhận ra tài năng báo chí của Xuân Thủy. Khi Báo Cứu quốc, vốn do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách tờ báo của Mặt trận Việt Minh, được chuyển giao cho Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo (1944), các vị lãnh đạo Xứ ủy hồi ấy là Lê Quang Đạo và Nguyễn Khang liền giao phó công việc tổ chức, điều hành tờ báo cho Xuân Thủy ngay sau khi mới ra tù.

Báo Cứu quốc mang danh nghĩa là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, song trên thực tế là tiếng nói của Đảng và của nhân dân ta. Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: "Anh Xuân Thủy được Đảng phân công trực tiếp phụ trách Báo Cứu quốc từ thời kỳ hoạt động bí mật và suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chúng ta có Báo Cứu quốc Trung ương, lại có Báo Cứu quốc địa phương ở khắp các Liên khu kháng chiến. Đó là tờ báo hằng ngày của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng báo ra đều đặn suốt gần ba nghìn ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, cũng có thể nói đó là một kỳ tích của nhân dân ta. Báo Cứu quốc là niềm tự hào chung của báo chí cách mạng nước ta”.

Theo nhà báo Nguyễn Thành Lê, từng nhiều năm làm Chủ bút Báo Cứu quốc"Xuân Thủy là linh hồn của Báo Cứu quốc. Điều đó đúng với thời kỳ anh trực tiếp phụ trách tờ báo từ năm 1944 đến năm 1954 cũng như đúng với thời kỳ anh không trực tiếp phụ trách tờ báo, từ sau khi ký hiệp định Genève (1954) đến đầu năm 1977”.

Nhà báo Léo Figuères (Chủ nhiệm báo L’Avant Garde, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Pháp) với lãnh đạo Hội những người viết báo Việt Nam, tại Thái Nguyên, năm 1950_Ảnh: TL

Mở trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Sau ngày 2/9/1945 đến 1947, nhà báo Xuân Thủy là Trưởng ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, chịu trách nhiệm thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam vào đầu năm 1946. Theo phong cách Bác Hồ là cử người ngoài Đảng có uy tín về nghề nghiệp làm trưởng. Ông đã đề nghị và tiến cử cụ Nguyễn Tường Phượng làm chủ tịch. Khi bắt đầu kháng chiến phải đi tản cư, cụ Phượng tản cư về vùng Nam Định, Thái Bình mà không tản cư lên Việt Bắc.

Để kịp thời tập hợp lực lượng báo chí phục vụ kháng chiến, ông đề nghị đổi tên Đoàn Báo chí Việt Nam thành Đoàn Báo chí Kháng chiến và ông được bầu làm chủ tịch vào năm 1948. Trong quyển sách ảnh Thông tấn xã Việt Nam và Báo ảnh Việt Nam (2000), có đoạn viết "Trong những điều kiện khó khăn của những ngày đầu kháng chiến, Đoàn Báo chí chưa có hoạt động gì đáng kể. Nhưng đến tháng 4 năm 1949, với sự giúp đỡ của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí Kháng chiến đã có thành tích là mở được lớp đào tạo cán bộ viết báo Huỳnh Thúc Kháng…”.

Lúc này, nhà báo Xuân Thủy vừa là Chủ tịch Đoàn Báo chí Kháng chiến vừa là Thường trực của Ban thường vụ Tổng bộ Việt Minh, nên việc Tổng Bộ Việt Minh giúp đỡ Đoàn Báo chí Kháng chiến đều là việc của Ông. Do đó, nhà báo Xuân Thủy đứng ra mở trường, mời các nhà báo hàng đầu ở các lĩnh vực báo chí về giảng dạy, đề nghị các ngành, đoàn thể cử người đi học.

Trong bài "Nhà báo cộng sản Xuân Thủy” của ông Nguyễn Thành Lê có viết: "Chỉ ít lâu sau ngày cả nước kháng chiến, anh Xuân Thủy đã nghĩ ngay đến việc đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ viết báo cách mạng”. Trong bài "Nhớ một nhà báo của Hà Nội” nói về nhà báo Xuân Thủy, nhà báo Hoàng Phong đã viết: "Cùng với lò đào tạo "là cơ quan Báo Cứu Quốc, anh đã đề xuất và phụ trách Lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng của Tổng bộ Việt Minh…”.

Ông lo thành lập ban giám hiệu và người quản lý trường. Ông cử các lãnh đạo chủ chốt của Báo Cứu Quốc sang phục vụ trường như Nhà báo Như Phong đang là chủ nhiệm Báo Cứu Quốc liên khu X sang tham gia ban giám đốc. Hai người đang phụ trách hậu cần cho Báo Cứu Quốc Trung ương (gồm nhà in và trị sự), ông Nguyễn Văn Hải được điều động sang trường làm tổ chức và quản lý, còn ông Lê Viên ở lại phụ trách phần việc của ông Hải và khi nhà trường cần gì thì đáp ứng ngay. Trong bài làm Báo Cứu Quốc của ông Nguyễn Văn Hải viết: "Cơ quan Báo Cứu Quốc trung ương lo tổ chức cơ sở vật chất và mọi điều kiện hoạt động… Nhà in Báo Cứu Quốc còn cho chuyển đến gần trường một bộ phận in nhỏ bé để lớp học có cơ sở thực tế về nghề nghiệp”.

Trường Huỳnh Thúc Kháng – Trường đầu tiên đào tạo cán bộ viết báo. Ảnh: TL

Ông đã tổ chức thành công Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - cơ sở đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên của nước ta. Trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn của kháng chiến, Báo Cứu Quốc do ông phụ trách đã gánh vác việc xây dựng nhà cửa, bảo đảm mọi điều kiện vật chất, phần lớn giảng viên cho lớp học.

Lớp học đầu tiên khai giảng ngày 4/4/1949, bế giảng ngày 6/7/1949. Tuy chỉ đào tạo được một lớp duy nhất, nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Xuân Thủy sáng lập, phụ trách và là giảng viên đã đào tạo được nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng như Trần Kiên, Hải Như, Hữu Mai, Vương Như Chiêm, Từ Bích Hoàng, Trần Vũ, Phương Lâm, Lý Thị Trung, Phạm Thị Mai Cương... và để lại những kinh nghiệm quý báu cho các trường đào tạo báo chí sau này.

Tháng 4/1950, nhà báo Xuân Thủy chủ trì thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam tại chính hội trường của Tòa soạn Báo Cứu Quốc. Ông được bầu làm Hội trưởng, Nhà báo Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Hòa bình lập lại, Đại hội lần thứ II vào năm 1959, đã đổi thành Hội Nhà báo Việt Nam, ông vẫn được bầu làm Chủ tịch. Sau khi thống nhất đất nước, với cương vị là Bí Thư Trung ương Đảng, vào ngày 7/7/1976, nhà báo Xuân Thủy đã chỉ đạo thống nhất Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam, thành Hội Nhà báo Việt Nam hoạt động trên cả nước như hiện nay.

Năm 2019, địa điểm của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 2019 theo Quyết định số 182/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Có thể thấy, nhà báo Xuân Thủy không bao giờ xa rời nghề báo! Ông tham gia cách mạng bằng nghề báo và ra đi đang lúc làm báo. Ông gục trên bàn làm việc do tim ngừng đột ngột với những trang báo viết dở "Những chặng đường Báo Cứu Quốc”. Xuân Thủy sẽ mãi mãi được nhớ đến như một nhà báo tài năng, một người đặt nền móng cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam!

Theo Người làm báo(NT)

Các tin khác
Tác giả Trần Việt Hoàng đang là học viên Trường Sĩ quan Chính trị.

Tác giả Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002), học viên Trường Sĩ quan chính trị là một cây bút trẻ đầy tiềm năng của lực lượng quân đội. Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập thơ "Ngày chưa sương vội" với những dấu ấn về mỹ cảm, tư duy của một thế hệ mới, vừa kế thừa truyền thống vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo.

Nhà báo Lý Văn Sáu (thứ 4 từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với lãnh đạo Báo Khánh Hòa trong một lần đến thăm tòa soạn. (Ảnh tư liệu)

Nhà báo Lý Văn Sáu không chỉ đóng góp cho sự ra đời của một trong những báo Đảng địa phương đầu tiên là Báo Thắng, xây dựng Đài Tiếng nói Nam bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam… mà đến nay ông còn truyền đạt lại cách làm báo mang nhiều giá trị thực tiễn, phong phú.

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ cảm xúc về 3 cuốn sách.

Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình ra mắt ba cuốn sách "Chuyện của chúng mình", “Tình thơ đối đáp và những lời bình", "Gia đình ta thân yêu" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Các bạn trẻ thích thú với những ấn phẩm báo xưa. Ảnh: Lê Tâm

Khởi đầu với 9 tấn báo giấy từ thời ông cha để lại, đến nay kho sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng đã lên đến 25 tấn báo in, tương đương 500 nghìn tờ báo. Không chỉ tiếp bước con đường thế hệ trước để lại, ông còn luôn mong muốn thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về giá trị của báo chí trong dòng chảy lịch sử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự