"Ông cố vấn"
- Cập nhật: Chủ nhật, 23/10/2022 | 6:39:52 AM
Năm 2022, Đại tá, nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng, nguyên Trưởng phòng biên tập Văn hóa-Thể thao của Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã bước sang tuổi 94. Sau khi nghỉ hưu, ông có một thời gian dài làm công tác thẩm định, hiệu đính cho một số ấn phẩm của Báo QĐND, nên chúng tôi thường gọi ông là “ông cố vấn”.
Đại tá Phạm Phú Bằng đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Ảnh: Thu Hà
|
Nhà riêng của Đại tá Phạm Phú Bằng nằm ở ngõ số 8 phố Lý Nam Đế (Hà Nội), gần với trụ sở của Báo QĐND, nên từ lâu, mỗi khi có bài viết hay sự kiện gì cần tham khảo ý kiến của các bậc lão thành, tôi đều tìm đến ông. Toàn bộ tầng hai của ngôi nhà, con cháu dành làm nơi sinh hoạt của vợ chồng ông. Vậy nhưng, chiếm phần lớn không gian lại cơ man nào là sách vở, tài liệu cùng các kỷ vật mà ông lưu giữ gần một thế kỷ qua. Ông bảo, thói quen đọc sách và lưu giữ ông có được từ cha đẻ là Tiến sĩ Phạm Phú Tiết, người được Bác Hồ phong quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam.
Đại tá Phạm Phú Bằng sinh ra trong một gia đình quan lại ở Huế. Cụ nội ông là quan Thượng thư Phạm Phú Thứ, từng là Tổng trấn Hải Yên (gồm 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên) dưới triều Nguyễn. Là nhà canh tân với nhiều ý tưởng táo bạo và khoa học, nhưng cụ Phạm Phú Thứ đã bị đi tù, đi làm lính bởi những tư tưởng vượt khỏi tầm suy nghĩ của chính quyền phong kiến và thời đại bấy giờ. Năm 1945, đang là học sinh Cứu quốc, ông gia nhập Giải phóng quân, trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 101-Trần Cao Vân chiến đấu ở nội thành Huế. Khi Mặt trận Huế bị vỡ, ông cùng một số người bạn theo đoàn quân Nam tiến, dừng chân chiến đấu rồi làm công tác dân vận nhiều năm trên chiến trường Khu 5. Thời gian này, ông được bổ nhiệm cương vị đại đội bậc trưởng.
Đang sôi nổi hoạt động thì có lệnh của Trung ương, tuyển chọn thanh niên đã trải qua chiến đấu ra Việt Bắc và Phạm Phú Bằng nằm trong số ít được chọn. Ở chiến khu, ông được phân về Báo QĐND mới ra đời. Nhưng bấy giờ có lệnh tổng động viên, cần cán bộ cùng dân quân lên Mặt trận Đường số 4, thế là chưa có mặt ở tòa soạn làm báo ngày nào, Phạm Phú Bằng lại khoác ba lô lên đường chiến đấu. Phải đến Chiến dịch Trần Hưng Đạo (tháng 12-1950), Phạm Phú Bằng mới ra trận với tư cách là phóng viên Báo QĐND. Ông cười kể: Có lần bí quá, không có cán bộ địch vận, lại biết tôi thông thạo tiếng Pháp, khi đánh vào đồn Bí Chợ (Yên Bái), thủ trưởng Trung đoàn 102 còn giao cho tôi làm chiến sĩ liên lạc của đơn vị, nói chuyện với sĩ quan Pháp để làm công tác địch vận...”.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, 33 số Báo QĐND được tổ chức, in ấn, phát hành ngay tại mặt trận, số nào cũng có tin, bài của Phạm Phú Bằng. Sau đó, ông lại theo chân đoàn quân Nam tiến, đi bộ từ miền Bắc vào sát Sài Gòn. Nhà báo Phạm Phú Bằng từng bị thương nặng trong chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Junction City của Mỹ-ngụy (năm 1967). Khi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường miền Nam, ông lại bị thương một lần nữa, vết thương khiến ông phải điều trị suốt một thời gian dài. Nhưng ông đã kịp có mặt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Sau đó, ông tiếp tục hành quân đến tận mũi Cà Mau để ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng về cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc...
Nhà báo Phạm Phú Bằng. Ảnh: Tuấn Tú
Văn là người, điều đó rất đúng với Phạm Phú Bằng. Đọc những bài viết của ông luôn là một mạch viết nhẹ nhàng, thủ thỉ với văn phong rất đời thường, nhưng đôi khi khá "gai góc”. Khi truyền thụ kinh nghiệm cho các nhà báo trẻ, ông cũng thể hiện phong cách ấy. "Hết mình nhưng nhiều khi say sưa quá lại thành ra dài dòng phải không các cháu!”-ông cười hiền như nhận lỗi mỗi khi kết thúc bài nói của mình.
Mới đây, ông trải qua trận ốm nặng tưởng không qua khỏi. Vậy mà khi vừa đi lại được, giữa kho tư liệu khổng lồ của mình, ông lại miệt mài đọc. Tôi từng được đôi lần "thưởng lãm” không gian đặc biệt ấy của ông. Ngoài những cuốn sách, tờ báo bằng tiếng Việt, còn có cả 4 thứ tiếng khác mà ông thông thạo. Tôi nhớ, hồi được giao nhiệm vụ tuyên truyền 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tôi sang gặp ông để xin ý kiến về một bài viết. Ông liền "nói có sách, mách có chứng” và cho tôi xem những ghi chép của ông trong cuộc tổng tiến công mà ông lưu giữ suốt 50 năm. 5 cuốn nhật ký đã nhuốm màu thời gian, đôi chỗ nhòe mực là nội dung mà ông ghi chép về những gì mình đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến. Hồi ấy, giấy bút rất quý và hiếm nên chữ ông viết nhỏ hết sức để tiết kiệm. Và theo câu hỏi của tôi, "ông cố vấn” lại lật giở những ghi chép, đối chiếu với các xuất bản phẩm in ông có, tỉ mỉ đánh dấu, hiệu đính cẩn thận từng chỗ. Nhiều khi ông ghi cả ý kiến cá nhân vào bản thảo và dặn: "Để thủ trưởng của cháu làm căn cứ cho tiện!”.
Dịp Quốc khánh 2/9/2022, Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Đây là phần thưởng cao quý ghi nhận sự cống hiến và những đóng góp của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Những người làm Báo QĐND đều rất vui mừng khi thấy "ông cố vấn” vẫn có bài phát biểu cảm động, khúc triết tại buổi lễ.
Các tin khác
Tác giả Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002), học viên Trường Sĩ quan chính trị là một cây bút trẻ đầy tiềm năng của lực lượng quân đội. Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập thơ "Ngày chưa sương vội" với những dấu ấn về mỹ cảm, tư duy của một thế hệ mới, vừa kế thừa truyền thống vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Nhà báo Lý Văn Sáu không chỉ đóng góp cho sự ra đời của một trong những báo Đảng địa phương đầu tiên là Báo Thắng, xây dựng Đài Tiếng nói Nam bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam… mà đến nay ông còn truyền đạt lại cách làm báo mang nhiều giá trị thực tiễn, phong phú.
Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình ra mắt ba cuốn sách "Chuyện của chúng mình", “Tình thơ đối đáp và những lời bình", "Gia đình ta thân yêu" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Khởi đầu với 9 tấn báo giấy từ thời ông cha để lại, đến nay kho sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng đã lên đến 25 tấn báo in, tương đương 500 nghìn tờ báo. Không chỉ tiếp bước con đường thế hệ trước để lại, ông còn luôn mong muốn thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về giá trị của báo chí trong dòng chảy lịch sử.