Trần Kiên - một nhà báo tài hoa, kiên định

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2023 | 9:01:17 AM

Cuộc gọi lúc đêm muộn của nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam khiến tôi bàng hoàng: "Cháu ơi! nhà báo Trần Kiên mất rồi!". Đây như một tiếng sét ngang tai đối với tôi và đồng nghiệp tại bảo tàng bởi những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình được tiếp xúc và làm việc cùng ông.

Nhà báo Trần Kiên trong buổi gặp gỡ 2 người bạn là học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, ngày 31/10/2017.
Nhà báo Trần Kiên trong buổi gặp gỡ 2 người bạn là học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, ngày 31/10/2017.

Chân dung một nhà báo mẫu mực nhưng khiêm nhường

Nhà báo Trần Kiên (tên khai sinh là Phạm Văn Thái), sinh năm 1927 tại Vĩnh Phúc. Ông nguyên là Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Đặc biệt, ông còn là học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949; phóng viên thường trú Báo Nhân Dân và Việt Nam Thông tấn xã tại Liên Xô từ năm 1958 - 1963.

tran kien mot nha bao tai hoa kien dinh hinh 1

Nhà báo Trần Kiên

Năm 2019, Di tích lịch sử: Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1949 tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia, có một phần đóng góp không nhỏ của Nhà báo Trần Kiên. Với tôi, có một vinh dự khi được Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa giao nhiệm vụ trực tiếp tới gia đình nhà báo Trần Kiên để sưu tầm và ghi lại chuyện kể về ngôi trường đào tạo báo chí đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi có nhiều ấn tượng về ông.

Đầu tiên phải nhắc đến đó là trí nhớ mẫn tiệp của một nhà báo lão thành, dù tuổi ngoài 90 nhưng ông có thể nhớ tên phần lớn các bạn học của trường và nhiều kỷ niệm trong quá trình học ngắn ngủi tại Chiến khu Việt Bắc. Biết bao năm trôi qua, vậy mà khi nhìn vào bức ảnh các giảng viên, học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, ông vẫn vui cười và chỉ từng người, tên tuổi và sau khi ra trường công tác tại đâu, lĩnh vực nào.

tran kien mot nha bao tai hoa kien dinh hinh 2

Các giảng viên, học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong ngày khai giảng lớp học, năm 1949. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)

Nhắc đến những kỉ niệm về lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, nhà báo Trần Kiên như được sống lại với những hồi ức tươi đẹp về lớp học đào tạo báo chí đầu tiên của Đảng. Đó là những buổi học, thảo luận, sau đó ra đề làm luôn. Ví dụ, đồng chí Trường Chinh dạy về bình luận, xã luận, sau khi giảng, chia sẻ kinh nghiệm, quy tắc viết, đồng chí ra đề bài: Viết một bài xã luận về chỉ thị Thi đua ái quốc do Bác Hồ kêu gọi. Hôm trả bài, đồng chí Trường Chinh nhận xét từng bài, nhà báo Trần Kiên lo lắng vì mãi không thấy nói gì đến bài của mình, sau đó đồng chí đã khen bài của nhà báo Trần Kiên là viết được, xếp thứ nhất thì ông mới thở phào nhẹ nhõm.

Về nơi ở, tất cả học viên đều ở tập trung, nam một dãy, nữ một dãy (có 3 người). Nữ có Lý Thị Trung, Phạm Thị Mai Cương (sau làm Thứ trưởng Bộ Tài chính), Phương Lâm (sau bị trúng bom hy sinh trên Việt Bắc). Hai người trẻ nhất lớp là Lý Thị Trung, Mai Thanh Hải. Về ăn uống, các học viên vẫn được ăn 3 bữa một ngày, nhưng cơm phải độn măng, sắn, đậu đen.

Sau khi học xong, tổng kết có các giải: Giải học tập thuộc về nhà báo Trần Kiên, ông được ban Giám đốc phê: "Viết khá về mọi thể loại"; 2 giải: "Cây bút triển vọng" là Nông Việt Liêm báo Độc lập - Cao Bằng và Phương Lâm. Giải rất quan trọng do Bác Hồ tặng, đó là giải "Đoàn kết" dành cho người được bạn bè yêu quý, người được giải là Ngô Tùng, sau là Tổng Biên tập Báo Lao Động.

Nhà báo Trần Kiên - không chỉ là người của một thời

Nói vậy là bởi nhà báo Trần Kiên khiêm nhường đến mức "khó tính". Ông không muốn nói nhiều đến bản thân, bởi vì ông quan niệm rằng: "Ai cũng có một thời của mình", với ông, khi đã trải qua tất cả thì bản thân không nên sống mãi với hào quang trong quá khứ, hãy để cho thế hệ các nhà báo trẻ thể hiện tài năng của mình.

Bởi vậy, khi về già, ông hầu như không tiếp các nhà báo tới phỏng vấn và viết bài về ông. Bảo tàng Báo chí Việt Nam có một may mắn đó là đã quay lại được những thước phim về ông và những người bạn thời còn học tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Để làm được việc này cũng là cả một câu chuyện thú vị.

Nhờ một số thông tin của nhà báo Nguyễn Sĩ Đại, Báo Nhân Dân, Giám đốc Bảo tàng Trần Kim Hoa đã nảy ra một sáng kiến rất hay để có thể tiếp cận được với Nhà báo Trần Kiên đó là mời thêm 2 người bạn của ông thời còn học Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đến nhà với lý do "ôn lại kỷ niệm xưa".

Vì vậy, khi nhà báo Trần Kim Hoa kết nối và nhận được sự đồng ý của nhà báo Lý Thị Trung và Phạm Thị Mai Cương thì nhà báo Trần Kiên không có lý do gì để từ chối gặp chúng tôi nữa cả. Tôi nhớ mãi nhà báo Nguyễn Sĩ Đại từng nói với chúng tôi: "Cụ khó tính lắm, đến cả phóng viên Báo Nhân Dân đến cụ còn bắt để tất cả máy ảnh, máy quay phim ở bên ngoài, không được quay chụp".

Tuy nhiên, với sự chân thành, trân trọng lịch sử, dường như đã khiến nhà báo Trần Kiên cảm động. Buổi sáng ngày 31/10/2017, đoàn chúng tôi gồm: Nhà báo Lý Thị Trung, Phạm Thị Mai Cương (2 nữ học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc kháng), nhà báo Trần Kim Hoa, nhà báo Mai Chí Vũ (quay phim) và tôi phụ trách ghi chép đã tới ngõ Thông Phong, phố Tôn Đức Thắng để gặp ông. Nhà báo Trần Kiên với bộ complet lịch thiệp niềm nở ra đón các bạn và chúng tôi. Khi biết chúng tôi có quay chụp, ghi âm, nhà báo Trần Kiên vẫn tự nhiên ôn lại kỷ niệm cùng các bạn và những thông tin quý giá về ngôi trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là những thước phim quý giá đối với Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Với riêng tôi, nhà báo Trần Kiên đã để lại trong tiềm thức những ấn tượng đặc biệt sâu sắc, đó là trí tuệ mẫn tiệp, cá tính riêng đặc biệt. Tôi còn nhớ khi xây dựng hồ sơ xin công nhận di tích địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, có một tài liệu vô cùng quý giá đó là sổ ghi cảm tưởng của các giảng viên trong quá trình dạy học. Biết đây là một hiện vật đặc biệt quan trọng nhưng để xác minh được chữ ký của các giảng viên, qua đó làm sáng tỏ thêm về ngôi trường này thì là điều vô cùng khó khăn, bởi giảng viên, học viên của lớp phần nhiều đã mất, số còn lại chỉ còn vài người nhưng đều đã cao tuổi, không thể xác định rõ.

Qua một vài buổi được tiếp xúc và ghi chép những câu chuyện kể của nhà báo Trần Kiên, tôi đã xin Giám đốc bảo tàng Trần Kim Hoa được mang cuốn sổ đó đến để nhờ nhà báo Trần Kiên xác minh giúp. Ban đầu khi tôi gọi điện, ông từ chối gặp nhưng khi nghe tôi nói nhờ ông giúp xác minh cuốn sổ thì ông đã đồng ý ngay. Khi ông cầm cuốn sổ và lật từng trang, tôi thấy nụ cười hiện trên nét mặt ông, trái với nét trầm ngâm thậm chí nghiêm nghị thường thấy. Ông niềm nở chỉ cho tôi chữ ký của từng giảng viên: "Đây là chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, còn đây là của Nhà thơ Tố Hữu, rồi thì Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Tuân, Nam Cao...".

Tôi cảm thấy vô cùng vui sướng, bởi vì cuốn sổ đã nằm rất lâu trong bảo tàng nhưng chưa ai có thể giải mã được hết giá trị của nó và chỉ đến khi "lớp trưởng" Trần Kiên được cầm trên tay thì từng mảnh ghép đã được mở. Vậy là đã sáng tỏ, những thông tin do nhà báo Trần Kiên cung cấp rất có giá trị, nó đã góp phần làm sáng tỏ thêm về lịch sử ngôi trường đào tạo báo chí đầu tiên tại Chiến khu Việt Bắc.

Vậy là thêm một học viên xuất sắc của ngôi trường đào tạo báo chí đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đi về thế giới bên kia để gặp những người thầy, người bạn của mình. Cũng chỉ còn vài ngày nữa thôi, nhà báo Trần Kiên sẽ bước sang tuổi 96 nhưng tạo hóa vô thường đã không cho ông được ở lại. Nhớ về ông - một ngòi bút mẫu mực, sắc bén, kiên định với lập trường chính nghĩa của mình. Hình ảnh của ông sẽ mãi mãi được tôn vinh cùng những trang sử hào hùng của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo Báo NB&CL(NT)

Các tin khác
Tác giả Trần Việt Hoàng đang là học viên Trường Sĩ quan Chính trị.

Tác giả Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002), học viên Trường Sĩ quan chính trị là một cây bút trẻ đầy tiềm năng của lực lượng quân đội. Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập thơ "Ngày chưa sương vội" với những dấu ấn về mỹ cảm, tư duy của một thế hệ mới, vừa kế thừa truyền thống vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo.

Nhà báo Lý Văn Sáu (thứ 4 từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với lãnh đạo Báo Khánh Hòa trong một lần đến thăm tòa soạn. (Ảnh tư liệu)

Nhà báo Lý Văn Sáu không chỉ đóng góp cho sự ra đời của một trong những báo Đảng địa phương đầu tiên là Báo Thắng, xây dựng Đài Tiếng nói Nam bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam… mà đến nay ông còn truyền đạt lại cách làm báo mang nhiều giá trị thực tiễn, phong phú.

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ cảm xúc về 3 cuốn sách.

Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình ra mắt ba cuốn sách "Chuyện của chúng mình", “Tình thơ đối đáp và những lời bình", "Gia đình ta thân yêu" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Các bạn trẻ thích thú với những ấn phẩm báo xưa. Ảnh: Lê Tâm

Khởi đầu với 9 tấn báo giấy từ thời ông cha để lại, đến nay kho sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng đã lên đến 25 tấn báo in, tương đương 500 nghìn tờ báo. Không chỉ tiếp bước con đường thế hệ trước để lại, ông còn luôn mong muốn thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về giá trị của báo chí trong dòng chảy lịch sử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự