Nhà giáo, nhà báo Trần Bá Lạn với ba sự nghiệp
- Cập nhật: Thứ tư, 2/8/2023 | 8:17:16 AM
Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn năm nay (2023) đã ở tuổi 93. Các thế hệ học trò và cả một số nhà báo trẻ đều gọi ông là Thầy với sự tin yêu và kính trọng.
|
Từ một thanh niên 15 tuổi quê ở Thường Tín, Hà Tây, Trần Bá Lạn tham gia cách mạng, 20 tuổi vào học Kỹ nghệ thực hành, đi bộ 300 km ròng rã từ Thái Nguyên vào Nghệ An, con đường nào đã đưa anh đến với nghề báo chí, trở thành Chủ nhiệm Khoa báo chí đầu tiên trong hệ thống đào tạo báo chí nước nhà? Con đường nào đã trui rèn người trí thức ấy trở thành nhà báo, nhà giáo có tên tuổi? Đến nay, có thể nói, thầy đã hoàn thành ba sự nghiệp: giảng dạy báo chí, làm báo và nghiên cứu lịch sử văn hóa. Riêng về nghiên cứu lịch sử văn hóa thì sự "khởi đầu” là khi nhà giáo Trần Bá Lạn chính thức... nghỉ hưu.
Tôi chợt nhớ đến chữ "hưu” trong bài thơ "Nhàn” của Trạng Trình- nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài tuyệt bút này có câu thơ không phải ai cũng hiểu cặn kẽ ý tứ sâu xa: "Rượu đến cội cây ta sẽ uống”. Chữ cội cây khiến ta liên tưởng đến chữ "hưu” của chữ Hán. Chữ "hưu” được ghép tự từ bộ "mộc” (cây) và bộ "nhân” (người). Hàm nghĩa, người về nghỉ dưới gốc cây thì gọi là nghỉ hưu… Thì ra, Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên người cao tuổi vừa uống rượu, vừa tịnh dưỡng tâm thần giữa thiên nhiên thanh tịnh.
Với vốn kiến thức Hán Nôm sâu rộng, sâu sắc, thầy Trần Bá Lạn đã "tịnh dưỡng tâm thần” bằng cách nghiên cứu, khai thác nhiều tài liệu với tất cả niềm say mê, tâm huyết, và đã công bố nhiều công trình có giá trị. Trong đó, công trình đáng kể nhất là: Khảo cứu lịch sử họ Trần ở Văn Hội, Thường Tín và khám phá, bổ sung, điều chỉnh lịch sử dòng Trần Bính chi từ cụ Thủy tổ (thế kỷ 17).
Cái chung nhất của cả ba sự nghiệp ấy là tư tưởng xuyên suốt: hạn chế sự thất truyền của lịch sử.
Đối với sự nghiệp đào tạo báo chí, theo chúng tôi, thầy đã tìm cách hạn chế sự "thất truyền” ấy bằng cách: Nghiên cứu sâu sắc lịch sử báo chí nước nhà, từ báo chí Việt sơ khai thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, cho đến báo chí thời dựng Đảng (1930) và báo chí thời cách mạng (1930-1945), (1945-1975). Tìm ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt của báo chí nước nhà qua các thời kỳ lịch sử, từ những đặc trưng nổi bật, truyền thống, quan điểm, nội dung, cho đến phong cách, kỹ năng làm báo. Chống lại sự "thất truyền” không phải chỉ bằng tấm lòng, bằng lời kêu gọi mà nhà nghiên cứu Trần Bá Lạn đã sưu tầm nhiều tư liệu quý để chứng minh, để đưa vào giáo trình nghiệp vụ báo chí và từng bài giảng cụ thể.
Điều này, thầy đã nêu rõ trong phần viết về "Cuộc khởi đầu suôn sẻ về sự hình thành lý luận báo chí cách mạng Việt Nam”. Nhà nghiên cứu đã tìm ra cái "chìa khóa” khi viết giáo trình là phải nắm vững nguyên tắc thể hiện và phương pháp thể hiện. Về nguyên tắc, "phải bảo đảm tính chân thật, tính chiến đấu, tính chỉ đạo, tính quần chúng”. Đây là những nguyên tắc có nội hàm khác biệt với dòng báo chí thuộc các thế lực đối lập. Về phương pháp, giáo trình báo chí khẳng định: "phương pháp vừa khoa học, vừa nhằm cho người đọc dễ hiểu, dễ tiếp thu. Báo chí có nhiều kiểu viết, nhiều thể loại để thích ứng với tính chất, nội dung, thông tin về sự kiện thời sự và vấn đề thời sự”.
Với nguyên tắc và phương pháp biên soạn giáo trình được thực hiện từ những năm 70 thế kỷ trước đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Đó là một đóng góp của nhà nghiên cứu Trần Bá Lạn, nó có giá trị về lý luận và thực tiễn rất lớn. Nay ta đang nói tới sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí. Người máy có thể thay thế nhiều khâu trong việc viết tác phẩm báo chí và biên tập, nhưng không thể thay thế trái tim và khối óc con người, đặc biệt là sự nhạy cảm, là khả năng dự báo chiều hướng phát triển của sự vật, hiện tượng.
Soi vào nguyên tắc "chân thật”, "chiến đấu”, "quần chúng”, soi lại vào phương pháp "khoa học”, "giản dị”, "thuyết phục” thì "thời 4.0” vẫn đúng như thế. Chúng ta chỉ xóa đi, chỉ lược bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu, xơ cứng mà thôi. Chúng ta không để lịch sử thất truyền.
Về việc dạy nghề và truyền nghề, nhà giáo Trần Bá Lạn cũng muốn hạn chế đến mức thấp nhất sự thất truyền. Với hơn 40 năm làm giảng viên, và làm Chủ nhiệm Khoa Báo chí (Từ Khóa một đến Khóa bảy), thầy đã kiên trì và công phu tổng kết kinh nghiệm qua các khóa đào tạo. Đào tạo người làm báo là một nghề đặc thù, vừa chạy vừa xếp hàng, kinh nghiệm nổi bật ở Khoa báo chí là: đào tạo gắn với thực tiễn hoạt động báo chí, thực tiễn cách mạng Việt Nam ở từng giai đoạn lịch sử. Mô hình đào tạo, phương thức đào tạo, đối tượng đào tạo, thời gian đào tạo phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó đáng chú ý là khóa I đào tạo trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, rồi kế đến các khóa II, III sau khi kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất. Các khóa IV, V, VI, VII với bước chuyển mới về thời gian, phương pháp đào tạo phù hợp với quá trình chuẩn bị và công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu từ năm 1986. Có những khóa học đã kéo dài thời gian đào tạo tới 5 năm như khóa V và khóa VI, dành nhiều thời gian đào tạo ngoại ngữ cho học viên; dành nhiều dịp để học viên thực hành, chủ yếu là đi thực tế viết bài ở các địa phương, cơ sở.
Một dấu ấn khá đặc biệt, cũng là cách để chống lại sự "thất truyền”, đó là việc mời các giáo sư, các nhà giáo ở các trường đại học danh tiếng vào giảng bài cho học viên báo chí. Đó là việc mời các nhà báo lão thành, các nhà báo tài năng, có kinh nghiệm đang làm công tác quản lý, đang là phóng viên báo chí trực tiếp giảng dạy, truyền nghề. Bài học thành công, bài học từ sự thất bại đều được các thầy nghề nói thật, nói hết với trò. Và đó là một con đường tốt nhất để gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành. Dạy nghề bài bản, thiết thực, có thể làm báo ngay sau khi ra trường - đó là nhận xét của nhiều Tổng biên tập các cơ quan báo chí, đó cũng là "thương hiệu” của Khoa báo chí , Trường Tuyên huấn T.Ư.
Mảng thứ ba trong tập sách của thầy Trần Bá Lạn là một số tác phẩm báo chí tiêu biểu. Tôi nghĩ, phần này nếu nói là chống thất truyền thì có gì đó to tát. Nhưng đây là việc cần thiết, để đồng nghiệp, nhất là các nhà báo cùng thế hệ có dịp nhớ về những năm tháng cả dân tộc đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, giành và giữ độc lập dân tộc. Nhớ lại để thấm sâu hơn những bài học lịch sử, những gian truân, niềm vui, hạnh phúc của người làm báo một thời. Những chân dung người lính, người công nhân ngoài mặt trận lúc bấy giờ thật sự là chân dung các anh hùng. Họ chiến đấu và lao động không quản hiểm nguy, cái chết cận kề vẫn lạc quan, đứng vững trên chiến hào sạm sầm khói lửa. Và tất nhiên, nhà báo, "phóng viên mặt trận” Trần Bá Lạn cũng giống như bao nhà báo khác đã tay bút, tay súng, chứng kiến hành động dũng cảm của nhân vật. Phóng sự "Chiến công thầm lặng” viết về anh thợ lái máy xúc Nguyễn Phùng Xuân dũng cảm cứu máy nơi những quả bom chờ nổ đang rình rập là một tác phẩm báo chí được viết rất nhanh, viết trong chiến hào với những chi tiết đặc sắc. Bài phóng sự có chi tiết, khi vừa kéo được máy ra khỏi khu vực nguy hiểm thì trái bom nổ rung chuyển đất trời. "Khi trái bom kia vừa nổ, các anh mới thấy áo quần mình đẫm mồ hôi, tay chân rời rã. Bây giờ Xuân mới biết chân anh rách toạc vì những mảnh kính trong buồng lái máy xúc bị những quả bom nổ gần làm vỡ chém phải”. Không tận mắt chứng kiến hành động dũng cảm thì không thể nào viết chân thực, sinh động được như thế.
Cùng với những bài phóng sự, chân dung, nhà báo trẻ Trần Bá Lạn trong những năm 50-60 thế kỷ trước còn có những bài viết theo đơn đặt hàng của các báo bạn ở Liên Xô, Trung Quốc, Lào... Đó là những bài báo không nghiêng về phía minh họa đường lối, ngợi ca, mà là phát hiện cái mới, cái tín hiệu đột khởi, tốt lành của những mầm cây non hứa hẹn một cây lớn, một vườn ươm nay mai. Sâu hơn là bước đầu nghĩ về quy luật phát triển, là kinh nghiệm lãnh đạo, tổ chức, quản lý.
Cuốn sách Nghĩa nặng tình sâu của nhà giáo, nhà báo Trần Bá Lạn có thể dầy dặn hơn, có thể viết thành bốn tập, như thầy đã nói là "bốn tuyến hoạt động”. Tuy nhiên, cô đúc lại trong một tập sách cũng là một khó khăn khi biên soạn. Nếu nói về điều lắng đọng khi đọc cuốn sách này thì chúng tôi vẫn muốn nhắc lại rằng, chúng ta, nhất là những người làm báo - những người làm sử đương đại - hãy góp công sức, trí tuệ, không để lịch sử thất truyền, hay nói cách khác là không được lãng quên quá khứ, hãy cùng nhau gìn giữ những giá trị lịch sử tốt đẹp./.
Các tin khác
Tác giả Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002), học viên Trường Sĩ quan chính trị là một cây bút trẻ đầy tiềm năng của lực lượng quân đội. Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập thơ "Ngày chưa sương vội" với những dấu ấn về mỹ cảm, tư duy của một thế hệ mới, vừa kế thừa truyền thống vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Nhà báo Lý Văn Sáu không chỉ đóng góp cho sự ra đời của một trong những báo Đảng địa phương đầu tiên là Báo Thắng, xây dựng Đài Tiếng nói Nam bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam… mà đến nay ông còn truyền đạt lại cách làm báo mang nhiều giá trị thực tiễn, phong phú.
Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình ra mắt ba cuốn sách "Chuyện của chúng mình", “Tình thơ đối đáp và những lời bình", "Gia đình ta thân yêu" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Khởi đầu với 9 tấn báo giấy từ thời ông cha để lại, đến nay kho sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng đã lên đến 25 tấn báo in, tương đương 500 nghìn tờ báo. Không chỉ tiếp bước con đường thế hệ trước để lại, ông còn luôn mong muốn thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về giá trị của báo chí trong dòng chảy lịch sử.