Nhà báo Thái Duy: Một ngòi bút nghĩa khí...
- Cập nhật: Thứ năm, 10/8/2023 | 4:25:37 PM
Sự kiện ra mắt phim, trưng bày và tọa đàm: “Thái Duy - Sống và Viết” diễn ra vào ngày 9/8 do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức đã hội tụ nhiều tư liệu sống quý giá về một nhà báo có những nét độc đáo mà trong làng báo không dễ ai có được.
Nhà báo Thái Duy tại Sự kiện ra mắt phim, trưng bày và tọa đàm: Thái Duy – Sống và Viết. Ảnh: Sơn Hải
|
Nhà báo Trần Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng tôi mong là có thể lan tỏa được câu chuyện về cuộc đời làm báo của một người làm báo đặc biệt, hết lòng cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp đổi mới. Một con người trong 2 thời kì đều nổi bật, một con người đúng nghĩa là nhà báo chiến sĩ”.
"Sống như là viết, viết là sống”
Sự đặc biệt của nhà báo Thái Duy không phải ai cũng biết bởi khi tham gia mặt trận tuyên truyền ông luôn tiên phong xung kích nhưng khi kể về mình thì ông luôn lặng lẽ, lùi về phía sau. Có lẽ cũng bởi vì thế nên với nghề báo, lúc nào ông cũng đứng ở đỉnh cao, không phải đỉnh cao ở danh vọng, tiền tài mà đỉnh cao ở các mặt trận "điểm nóng” thông tin, đỉnh cao ở sự trân quý của đồng nghiệp. "Chúng tôi làm bộ phim này bằng sự yêu thương, kính trọng, nể phục về một nhà báo lặng lẽ, cần mẫn, đầy chính kiến, đầy năng lượng, một ngòi bút nghĩa khí…”- nhà báo Kim Hoa nhận định.
Sinh năm 1926, xấp xỉ tuổi ra đời của lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam, còn 3 năm nữa là nhà báo Thái Duy tròn 100 tuổi. Suốt sự nghiệp báo chí của mình, nhà báo Thái Duy luôn chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Ông bước vào làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949. Đầu năm 1964, ông cùng lãnh đạo Báo Cứu Quốc vào miền Nam xây dựng Báo Giải Phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam).
Trong giai đoạn này, ông hoàn thành một số tác phẩm đỉnh cao "Sống như Anh”, "Người tử tù Khám lớn”, "Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi”… Trong đó "Sống như Anh” được cho đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở NXB Văn học tháng 7/1965 ba trăm linh hai nghìn bản, có lời Bác Hồ đề tựa, sau đó được tái bản liên tục lên tới hàng triệu bản. Cho đến nay, chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam vượt qua kỷ lục đó. "Sống như Anh” đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ trong cả nước dấy lên phong trào noi gương Anh Trỗi thi đua sản xuất và diệt giặc…
Sau giải phóng, nhà báo Thái Duy công tác tại báo Đại Đoàn Kết, bước vào mặt trận nông nghiệp, thông qua ngòi bút của mình đã tiếp tục mạnh mẽ chiến đấu trong sự nghiệp khoán mới. "Khoán chui hay là chết” cũng được ông viết nên từ thực tiễn sinh động, đã góp phần đổi mới tư duy, khuyến khích cách làm hiệu quả giúp người dân vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên.
Nhận định của nhà báo Hữu Thọ viết trên báo Nhân Dân số ra ngày 22/4/2013 đã phần nào đánh giá được vai trò to lớn đó: "…Các bạn đồng nghiệp cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh này như Thái Duy, Lê Điền ở báo Đại Đoàn Kết, Hồng Giao ở tạp chí Học tập, Đình Cao ở Thông tấn xã, Đắc Hữu ở báo Hà Sơn Bình... và những đồng chí hết lòng ủng hộ sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, ủng hộ nhà báo như các anh Nguyễn Khánh, Minh Chương, Trần Đức Nguyên ở Văn phòng Trung ương... trong đó theo tôi thì nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy”. Với bút danh Thái Duy khi viết báo, Trần Đình Vân khi viết văn; những tác phẩm của ông không chỉ tạo nên những chuyển biến xã hội tích cực trong nước mà còn có tiếng vang xa trên trường quốc tế.
Năm 2020, tại Hội nghị "Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” ở Hà Nội do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, nhà báo Thái Duy là một trong số bảy nhà báo lão thành tiêu biểu được tôn vinh vì đã có những cống hiến lớn lao, dành nhiều tâm huyết và tình cảm, có nhiều đóng góp cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: "Sống như là viết, viết là sống. Cả cuộc đời làm báo của Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước để "Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt” như lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc”.
Có thể nói, nhà báo Thái Duy có nét độc đáo mà trong làng báo không dễ ai có được. Suốt đời chỉ làm ở một tờ báo, suốt đời chỉ một chức phóng viên nhưng ở thời kỳ nào cũng có những tác phẩm nổi tiếng, tác động đến cả nước và có những vấn đề trở thành quốc sách. Với chỉ một chức danh nhà báo bình thường nhưng ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp, được dự Hội nghị các nhà văn Á Phi tại Bắc Kinh, được Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông chào đón, được Chủ tịch Fidel Castro và đất nước CuBa hoan nghênh, được đồng nghiệp nể phục, nông dân coi như người của mình…
Ông là một người làm báo đặc biệt đáng trân quý, với triết lý "sống giản dị, chân tình, tử tế, trung thực”, với một quan niệm nghề nghiệp "viết trung thực và tôn trọng sự thật”, mãi mãi trở thành tượng đài đẹp đẽ trong lòng đồng nghiệp các thế hệ và công chúng cả nước.
7 năm nung nấu, 3 năm chờ đợi và 5 tháng miệt mài cho một bài ca đẹp về nhà báo chiến sĩ …
Con số đặc biệt này gắn với câu chuyện hậu trường đằng sau sự ra đời của Bộ phim đầu tiên về nhà báo Thái Duy với những tư liệu độc quyền của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện, nhà báo Kim Hoa cho biết: "Ý tưởng làm phim về các nhà báo lão thành gần như xuất hiện ngay từ khi tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ làm Bảo tàng Báo chí, nhưng trước nay đều chỉ thực hiện được với các nhà báo có chức vụ chứ chưa mở rộng được do kinh phí không cho phép. Nhà báo Thái Duy là một người đặc biệt, cả cuộc đời chỉ làm phóng viên nhưng hành trình nghề nghiệp của ông khiến tôi đặc biệt ấn tượng. Vì vậy, cách đây 7 năm, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã thực hiện những cảnh quay đầu tiên, nung nấu cho một bộ phim tư liệu về chân dung ông… Và với 7 năm nung nấu, đến nay, đúng dịp 75 năm cầm bút của ông, bộ phim đã được ra mắt công chúng”.
Trong hành trình của 7 năm kể từ khi xây dựng ý tưởng, nhà báo Trần Kim Hoa có cơ duyên gặp nhà báo, đạo diễn phim nổi tiếng Nguyễn Hồ - nguyên là phóng viên báo Sài gòn Giải phóng, đồng nghiệp của nhà báo Thái Duy. Khi nghe về ý tưởng của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ông Nguyễn Hồ rất thích và cũng nhận lời thực hiện bộ phim này.
"Chúng tôi đặt đạo diễn phim Nguyễn Hồ thực hiện bởi ông là một đạo diễn nổi tiếng, lại là đồng đội, đồng nghiệp của ông Thái Duy, chắc chắn sẽ có những tư liệu và câu chuyện hay. Nhưng ông Nguyễn Hồ khi đó đã ở tuổi 80 rồi, vì lí do sức khỏe và gia đình nên không thể thực hiện được. Chúng tôi mất 3 năm chờ đợi và cuối cùng cũng quyết tâm thực hiện. Bảo tàng mời nhà báo Nguyễn Sĩ Đại - người đã có những kịch bản rất hay gần đây về Ngã ba Đồng Lộc, về Truông Bồn, các cô gái Lam Hạ, các chương trình nghệ thuật của báo Nhân Dân làm kịch bản và đạo diễn bộ phim, còn ông Nguyễn Hồ trong vai trò cố vấn. Hành trình thực hiện tập trung từ tháng 3/2023 gồm cả xây dựng kịch bản, quay phim, phỏng vấn liên tục trong mấy tháng… thì bộ phim đã chính thức được hoàn thành. Đây là một trong số những bộ phim chân dung nhà báo mà tôi cảm thấy thích và ưng ý nhất” - nhà báo Kim Hoa chia sẻ.
Quá trình làm bộ phim, tìm kiếm tư liệu cho cuộc tọa đàm, trưng bày này là hành trình kiên trì, trách nhiệm của cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Nhà báo Kim Hoa xúc động cho hay: "7 năm liền chúng tôi theo đuổi đề tài này nhưng phỏng vấn lần nào ông cũng chỉ nói về chủ đề chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tuyệt đối không kể về mình, khiêm nhường đến mức vậy. Mãi cho đến tận hôm ông xuống duyệt phim, chắc là do ông cảm xúc nên mới kể về mình, kể về cái tên Thái Duy, về chuyện đi bộ đội như thế nào, lấy vợ lúc nào, chuyện đời, chuyện nghề… Rồi mỗi lần gặp ông, chúng tôi lại có thêm chút hình ảnh, dần dần hình thành được bộ phim này… với rất nhiều công sức của cộng sự, cộng tác viên…”
Theo Báo NB và CL
Các tin khác
Tác giả Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002), học viên Trường Sĩ quan chính trị là một cây bút trẻ đầy tiềm năng của lực lượng quân đội. Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập thơ "Ngày chưa sương vội" với những dấu ấn về mỹ cảm, tư duy của một thế hệ mới, vừa kế thừa truyền thống vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Nhà báo Lý Văn Sáu không chỉ đóng góp cho sự ra đời của một trong những báo Đảng địa phương đầu tiên là Báo Thắng, xây dựng Đài Tiếng nói Nam bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam… mà đến nay ông còn truyền đạt lại cách làm báo mang nhiều giá trị thực tiễn, phong phú.
Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình ra mắt ba cuốn sách "Chuyện của chúng mình", “Tình thơ đối đáp và những lời bình", "Gia đình ta thân yêu" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Khởi đầu với 9 tấn báo giấy từ thời ông cha để lại, đến nay kho sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng đã lên đến 25 tấn báo in, tương đương 500 nghìn tờ báo. Không chỉ tiếp bước con đường thế hệ trước để lại, ông còn luôn mong muốn thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về giá trị của báo chí trong dòng chảy lịch sử.