Nhà giáo - Nhà báo Trần Bá Lạn: Ba cuốn sách - Một cuộc đời

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/11/2023 | 8:02:54 AM

Người thầy để lại ấn tượng nhất trong tôi không chỉ trong những năm học báo chí mà cho đến tận bây giờ là nhà giáo - nhà báo Trần Bá Lạn.

Ba cuốn sách của thầy Trần Bá Lạn
Ba cuốn sách của thầy Trần Bá Lạn

Trong cuộc đời làm báo của tôi có 5 năm tôi được đào tạo báo chí chính quy bậc đại học tại Khoa Báo chí - Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Người thầy để lại ấn tượng nhất trong tôi không chỉ trong những năm học báo chí mà cho đến tận bây giờ là nhà giáo - nhà báo Trần Bá Lạn. Thầy là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng Khoa Báo chí, giữ cương vị Trưởng Khoa Báo chí nhiều năm và có công lớn, góp phần đào tạo hàng ngàn nhà báo Việt Nam, trong đó nhiều người thành danh và nổi tiếng…

Năm nay thầy Trần Bá Lạn đã sang tuổi 94. Ấy vậy mà thầy vừa giới thiệu ra mắt cuốn sách "Nghĩa nặng tình sâu” (NXB Văn học 2023) dày gần 250 trang tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đây là cuốn sách thứ ba mang ý nghĩa tổng kết cô đọng cuộc đời và sự nghiệp làm báo và làm thầy dạy nghề báo của thầy sau hai cuốn tự truyện của thầy trước đó là "Tâm tình từ con số 7” (NXB Văn hoá – Văn nghệ TP.HCM 2017) và "Tiếng súng và bước ngoặt cuộc đời” (NXB Lao Động 2019).

Chúng tôi vô cùng kính phục sức làm việc của thầy! Bộ ba cuốn sách này đã dựng nên chân dung đầy đủ về thầy Trần Bá Lạn - một nhà báo cách mạng, một người thầy báo chí mô phạm, còn sức lực là còn cống hiến.

Thầy Trần Bá Lạn sinh năm Canh Ngọ 1930 và lớn lên trong một gia đình trí thức dòng dõi, gia giáo ở Hà Nội. Cha của thầy là cụ Trần Bá Giám, giỏi chữ Hán, biết chữ Tây, có tài hội họa, là họa sĩ Sở Địa dư Đông Pháp, tác giả 28 bức địa đồ trong cuốn sách "Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ” xuất bản năm 1925 và một số mẫu tem bưu chính từ những năm 1920 -1930.

Do cha mất sớm, tuổi thơ của thầy được mẹ và chị gái chăm sóc nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, loạn lạc nên vất vả trăm bề. Thầy phải đi làm sớm để nuôi thân như làm thợ thủ công, thợ duy tu cầu Long Biên… Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình rời Hà Nội tản cư lên Thái Nguyên, thầy vào làm việc tại nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, nguyên là Nhà máy giấy Đáp Cầu (Bắc Ninh) được di chuyển lên ATK phục vụ kháng chiến. Từ đây, chàng thanh niên Hà Nội được gửi vào học trường Kỹ nghệ Liên khu IV và phải cuốc bộ nhiều ngày vào Thanh Chương (Nghệ An) nhập học. Cũng như cha mình, thầy Trần Bá Lạn có năng khiếu hội họa, vẽ giỏi có tiếng ở trường. Từ trường Kỹ nghệ Liên khu IV, thầy tham gia một cuộc tập huấn và tháng 11/1953, được phân công về Báo Tiền Phong ở chiến khu Việt Bắc và từ đây, thầy rẽ vào bước ngoặt cuộc đời chuyển sang làm báo. Một thời gian sau, nhà báo Trần Bá Lạn được Trung ương Đoàn cử đi học Đại học Báo chí 4 năm tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đoàn có 13 người, từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau, trong đó có những người sau này trở thành những nhà báo nổi tiếng như Phạm Khắc Lãm -Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Phạm Phú Bằng - cây viết phóng sự, bút ký nổi tiếng của Báo Quân đội Nhân dân; Trần Hữu Năng, sau này làm Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương... Bốn năm học tập nghề báo tại Trung Quốc, lưu học sinh Trần Bá Lạn đạt thành tích xuất sắc cả về lý thuyết và thực hành viết báo. Trong đó, bài "Mùa Xuân ở đây cũng ấm áp” của thầy được đăng nổi bật trên Báo Thanh Niên Trung Quốc, số ra ngày 10/4/1957, với lời nhận xét của Tổng biên tập báo này: "Văn cảnh sâu đậm tinh thần chủ nghĩa quốc tế, đáng để chúng ta học tập”.

nha giao nha bao tran ba lan ba cuon sach mot cuoc doi hinh 2Thầy Trần Bá Lạn giới thiệu và tặng sách mới cho các học viên

Sau khi tốt nghiệp về nước, thầy Trần Bá Lạn rời Báo Tiền Phong, nhận nhiệm vụ mới tại Báo Lao Động một thời gian rồi được điều động về Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương – dưới quyền của nhà văn, nhà báo nổi tiếng Lưu Quý Kỳ, theo dõi mảng tuyên truyền về công nhân, công nghiệp trên báo, đài phát thanh.

Ngày 16/1/1962, một bước ngoặt nữa lại đến với thầy Trần Bá Lạn. Đó là sau một thời gian giảng dạy báo chí cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn tại Trường Đại học Nhân Dân rồi Trường Tuyên giáo Trung ương, thầy Trần Bá Lạn được giao nhiệm vụ thành lập Khoa Báo chí và sau đó được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa cho đến ngày nghỉ hưu - năm 1991.

Có thể nói, những dấu mốc trong cuộc đời của tác giả - nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc cũng như sự trưởng thành của "cái nôi đào tạo báo chí cách mạng Việt Nam” - Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Bởi không ai khác, thầy Trần Bá Lạn chính là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng Khoa Báo chí; người có công lớn, góp phần đào tạo hàng ngàn nhà báo Việt Nam, trong đó nhiều người sau này trở thành những nhà báo tên tuổi, những giảng viên báo chí có trình độ và tâm huyết, những nhà quản lý báo chí tài giỏi.

Qua ba cuốn tự truyện, độc giả và nhất là những thế hệ sinh viên từng học tập, rèn luyện, trưởng thành từ Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thêm hiểu về thuở ban đầu của cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của đất nước với biết bao khó khăn, thiếu thốn. Nhưng hơn hết, bằng lòng quyết tâm, yêu nghề, sự đam mê, ý chí, thầy Trần Bá Lạn đã góp phần xây dựng một cơ sở đào tạo báo chí non trẻ xứng tầm với mong mỏi, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Ba cuốn sách của nhà giáo - nhà báo Trần Bá Lạn đã giúp người đọc tìm thấy một góc nhìn mới về diện mạo báo chí Việt Nam và bức tranh khắc họa công việc đào tạo các thế hệ nhà báo nước nhà trong hơn nửa thế kỷ đã qua.

nha giao nha bao tran ba lan ba cuon sach mot cuoc doi hinh 3Tác giả (bìa trái) nhận sách mới của thầy Trần Bá Lạn tặng

Suốt 30 năm làm công việc giảng dạy nghề báo, trong đó nhiều năm giữ cương vị Trưởng Khoa Báo chí, thầy Trần Bá Lạn thực sự là "tay không bắt giặc” với vai trò là người kiến tạo, tổ chức biên soạn giáo trình nghiệp vụ báo chí; đồng thời là người có công xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, kết nối hoạt động đối ngoại, xây dựng thương hiệu và uy tín của Khoa Báo chí (nay là Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Có một điều mà không ít học viên các thế hệ của thầy Trần Bá Lạn phân vân là với công lao và cống hiến của thầy như thế mà đến khi nghỉ hưu, thầy không có học hàm, học vị Phó Giáo sư, Giáo sư hoặc Tiến sỹ gì cả mặc dù thầy rất xứng đáng? Trong một lần gặp thầy, tôi đem chuyện này ra hỏi thì thầy cho biết: "Có một lần, ông Hiệu trưởng yêu cầu mình nộp cho ông ấy các tập giáo trình nghiệp vụ báo chí mà mình biên soạn, cũng chẳng nói để làm gì. Sau này mới biết thì ra cấp trên chuẩn bị thủ tục để đề nghị phong hàm Giáo sư cho mình nhưng do lúc đó chưa có Hội đồng Giáo sư ngành Báo chí nên chưa có cơ quan thẩm quyền phong học hàm Giáo sư. Thế là thôi… Kể ra thì đấy cũng là sự thiệt thòi nhưng đâu có phải riêng mình. Ví như nhà văn, nhà báo Phan Quang rất thông tuệ, uyên bác, nổi tiếng lẫy lừng, không những viết báo rất hay mà còn là dịch giả từ tiếng Pháp bộ tiểu thuyết "Nghìn lẻ một đêm”, đến nay đã tái bản hơn 30 lần. Học vấn báo chí của nhà báo Phan Quang thì đến Giáo sư Báo chí cũng phải ngã mũ kính chào. Thế nhưng suốt đời vẫn chỉ là nhà báo."

Là những học viên lớp Đại học Báo chí khoá 5, chúng tôi có may mắn là được làm học trò của thầy Trần Bá Lạn dài nhất so với các khoá khác vì khoá chúng tôi là khoá đào tạo duy nhất của trường kéo dài tới 5 năm (từ 1983 đến 1988). Chính vì vậy chúng tôi cũng có nhiều kỷ niệm sâu sắc với thầy Trần Bá Lạn. Tôi vẫn nhớ có lần thầy Trần Bá Lạn tâm sự với chúng tôi rằng: "Đào tạo nhà báo là đào tạo ra lớp "trí thức đặc chủng”. Họ không hơn cái nghiệp của trí thức khác nhưng họ có đặc thù thâm nhập vào mọi tầng lớp xã hội, từ hạ tầng tới thượng đỉnh, từ đông tới tây, từ xắn quần lội ruộng đến vào trận như lính chiến… để thấy được thực tại và bản chất của nó, thấy được lẽ đời…, để truyền cảm, nhân rộng lên lối sống nhân văn bằng trí tuệ và ngòi bút của mình”.

nha giao nha bao tran ba lan ba cuon sach mot cuoc doi hinh 4Tác giả (thứ hai từ trái) và đại diện Ban liên lạc lớp Đại học Báo chí khoá 5 tặng hoa chúc mừng thầy Trần Bá Lạn (thứ ba từ trái) trong buổi lễ ra mắt cuốn sách "Nghĩa nặng tình sâu" của thầy tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Thời gian càng lùi xa thì trong ký ức của chúng tôi, thầy Trần Bá Lạn càng thật sự là một người thầy đức độ, kỷ cương, nhân văn, mẫu mực về phong cách sống và làm việc. Sau này, trong quá trình công tác, qua những lần gặp gỡ, đến thăm thầy, được đọc sách và những công trình nghiên cứu của thầy, tôi càng thấy thầy Trần Bá Lạn là tấm gương tiêu biểu của một con người có học, kiến thức sâu rộng, được giáo dục cẩn thận từ những thế hệ đi trước và tiếp nối được truyền thống của tổ tiên, dòng tộc có Tiến sĩ Trần Trọng Liêu được ghi danh trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Có thể nói, nhà giáo - nhà báo Trần Bá Lạn là người thầy tiêu biểu, mẫu mực, trí tuệ, yêu nghề; là "Thầy của các thầy” ở Khoa Báo chí trước đây và Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) hôm nay!

Theo Báo NB&CL

Các tin khác
Tác giả Trần Việt Hoàng đang là học viên Trường Sĩ quan Chính trị.

Tác giả Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002), học viên Trường Sĩ quan chính trị là một cây bút trẻ đầy tiềm năng của lực lượng quân đội. Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập thơ "Ngày chưa sương vội" với những dấu ấn về mỹ cảm, tư duy của một thế hệ mới, vừa kế thừa truyền thống vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo.

Nhà báo Lý Văn Sáu (thứ 4 từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với lãnh đạo Báo Khánh Hòa trong một lần đến thăm tòa soạn. (Ảnh tư liệu)

Nhà báo Lý Văn Sáu không chỉ đóng góp cho sự ra đời của một trong những báo Đảng địa phương đầu tiên là Báo Thắng, xây dựng Đài Tiếng nói Nam bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam… mà đến nay ông còn truyền đạt lại cách làm báo mang nhiều giá trị thực tiễn, phong phú.

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ cảm xúc về 3 cuốn sách.

Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình ra mắt ba cuốn sách "Chuyện của chúng mình", “Tình thơ đối đáp và những lời bình", "Gia đình ta thân yêu" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Các bạn trẻ thích thú với những ấn phẩm báo xưa. Ảnh: Lê Tâm

Khởi đầu với 9 tấn báo giấy từ thời ông cha để lại, đến nay kho sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng đã lên đến 25 tấn báo in, tương đương 500 nghìn tờ báo. Không chỉ tiếp bước con đường thế hệ trước để lại, ông còn luôn mong muốn thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về giá trị của báo chí trong dòng chảy lịch sử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự