Tấm thiệp sinh nhật cuối cùng lặng lẽ tiễn đưa liệt sĩ, nhà báo Phạm Văn Hướng
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2020 | 11:10:02 AM
Khi những chiếc xe cứu thương đưa 13 cán bộ, chiến sĩ trong vụ sạt lở núi ở Trạm quản lý, bảo vệ rừng 67 về Bệnh viện Quân y 268, cũng đúng vào ngày sinh của liệt sĩ, nhà báo Phạm Văn Hướng.<
Anh Hướng và lần sinh nhật cuối cùng.
Căn nhà ở tầng 5 khu chung cư Xuân Phú, thành phố Huế là nơi anh PhạmVăn Hướng sống cùng hai con. Tại khu chung cư này, bà con xóm giềng ai cũng tỏ lòng tiếc thương. Anh Hồ Dũng, một người ở chung cư Xuân Phú, không cầm được nước mắt khi biết tin anh Hướng là một trong 13 cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn công tác đã hy sinh ở Thủy điện Rào Trăng 3.
“Chúng em sốc và đã khóc 2-3 ngày nay rồi. Khi lụt lên, anh thường nghe tin báo để đi công tác, thường rất đột xuất, khi có lệnh của cơ quan là anh đi ngay, anh không nề hà chi hết. Báo tin 13 người tìm được, mọi người chùng xuống, buồn!”, anh Hồ Dũng nói.
Anh Phạm Văn Hướng (đội mũ lưỡi tai vòng tay) cùng các cán bộ chiến sĩ trước lúc xuất phát vào khu vưc thủy điện Rào Trăng 3.
Phóng viên Lê Anh Khoa, một đồng nghiệp của anh Hướng ở Huế đau xót sau khi nghe thông tin anh Phạm Văn Hướng tử nạn. Anh Hướng có nhiệm vụ đi đưa tin về Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ cứu nạn. Tin chưa kịp viết anh Hướng đã mãi mãi ra đi. Lê Anh Khoa nhớ lại, người đồng nghiệp Phạm Văn Hướng rất nhiệt tình, cởi mở, hòa đồng với mọi người, được bạn bè yêu quý.
“Tôi và anh Phạm Văn Hướng cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc trong những cuộc hội nghị, hội thảo, các cuộc hội họp thì tôi thấy anh Hướng là một trong những người cần mẫn, chịu khó, trong công việc anh cũng là người rất gần gũi, hiền hòa và được nhiều anh em đồng nghiệp rất thiện cảm”, phóng viên Lê Anh Khoa bùi ngùi nhớ lại.
Tấm thiệp sinh nhật lặng lẽ.
Ngày 12/10, anh Phạm Văn Hướng đi theo Đoàn của Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu 4 cứu trợ lũ lụt tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Gần trưa, khi nhận thông tin thủy điện Rào Trăng 3 sạt lở, đất đá vùi lấp 17 công nhân, Đoàn cán bộ họp khẩn và quyết định lên đường vào hiện trường cứu các công nhân gặp nạn.
Sau nhiều giờ liền trèo đèo, vượt lũ, khuya ngày 12/10, Đoàn công tác cứu nạn cách hiện trường vụ thủy điện Rào Trăng khoảng 16km thì gặp mưa lớn, nước lũ tràn về, cả Đoàn phải vào nghỉ tạm tại Trạm bảo vệ rừng 67. Đêm hôm đó lũ cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về, ngọn núi cao hơn 100m gần nơi các anh trú đổ ập, phủ trùm 2 gian nhà của Trạm bảo vệ rừng 67. Anh Phạm Văn Hướng cùng 12 cán bộ, chiến sĩ bị vùi dưới bùn đất. Các anh đã vĩnh viễn ra đi.
Anh Hướng đã có 20 năm công tác tại Đài Truyền thanh Truyền hình huyện miền núi A Lưới. Năm 2013, anh chuyển về làm việc ở Cổng thông tin điện tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây, anh làm phóng viên, rồi lên Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền. Ở vị trí nào anh cũng máu lửa với nghề, luôn có mặt ở những điểm nóng bão lũ, nơi khó khăn để kịp thời cung cấp thông tin cho nhân dân trong tỉnh.
Vụ sạt lở núi ở Trạm quản lý, bảo vệ rừng 67 đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng 13 cán bộ chiến sỹ trong đoàn đi cứu nạn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế bùi ngùi nhớ lại chuyến công tác cuối cùng với đồng nghiệp. Hôm đó, anh Hướng chỉ kịp mua thức ăn lội lũ vào chung cư đưa cho con và dặn dò phải ở trong nhà rồi lên đường.
Gia đình anh Hướng còn nhiều khó khăn. Anh ở Thái Bình vô đây lập nghiệp. Bố đã mất, còn mẹ già yếu đã 83 tuổi, đang ở Thái Bình. Vợ chồng anh đã chia tay nhau mấy năm nay. Hai con gái còn đi học, cháu lớn học đại học, cháu nhỏ đang học cấp 3.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, cơ quan sẽ đứng ra giúp đỡ gia đình anh ấy, hỗ trợ các cháu bớt đi những khó khăn trong cuộc sống.
“Anh Hướng thực sự một con người rất tốt, hiền hòa chân thật, chân chất, hòa đồng, được anh em bạn bè đồng nghiệp quý mến. Trong công việc thì xốc vác năng nổ, xông xáo, có những việc gì khó thì đều xông pha đi đầu để mà làm và các năm lúc nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2017, được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen. Về phía cơ quan cũng phải đứng ra để giúp đỡ cho anh ấy đỡ bớt khó khăn phần nào thì hay phần đấy, anh em cũng muốn động viên chia sẻ với gia đình cũng như muốn 2 cháu có điều kiện ăn học cho hết Đại học”, chị Hương nói./.
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.