Mỗi chuyến đi là mỗi lần thử thách

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/1/2021 | 2:56:22 PM

(NB&CL) Làm phóng viên ai cũng phải chuẩn bị sẵn cho mình tâm lý sẵn sàng lên đường, bất cứ khi nào và ở đâu. Phóng viên tác nghiệp mùa bão luôn phải trong tâm thế trở thành “nhà báo chiến trường”, dù biết rằng có những hiểm nguy phía trước nhưng họ vẫn bước đi để có thông tin đến độc giả sớm nhất.

Vượt mưa lũ, người phóng viên trẻ mang tình cảm đến bà con

Trong đợt mưa bão năm nay, phóng viên Nguyễn Cường - Báo Sài Gòn Giải phóng (thường trú tại Đà Nẵng) gần như không có ngày nghỉ, anh đi làm ở hầu hết các tỉnh bị thiệt hại nặng như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… Không chỉ vậy, anh được điều động đi các địa bàn khác để hỗ trợ cho những đồng nghiệp cùng cơ quan. Với xu hướng làm báo đa phương tiện, anh thực hiện công việc quay phim, chụp ảnh và làm tin tức thời sự.

Phóng viên Nguyễn Cường- Báo Sài Gòn Giải phóng.

Giống như nhiều phóng viên tác nghiệp mùa lũ, có lẽ năm nay đối với phóng viên Nguyễn Cường sẽ là năm không thể nào quên trong suốt hành trình tác nghiệp. Đó là những lần tác nghiệp trong các cơn bão, những khu vực ngập lụt, anh còn đến nhiều điểm nóng mang tính thời sự khác. Như: Vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3; trạm bảo vệ rừng 67 ở tỉnh Thừa Thiên - Huế; Sạt lở ở Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 (thuộc Quân khu 4) tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hay sạt lở tại xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam)… Mỗi chuyến đi, mỗi địa phương là mỗi lần thử thách phóng viên với những nguy hiểm luôn rình rập.

Phóng viên Nguyễn Cường nhớ lại: “Quãng thời gian đó tôi luôn cập nhật thông tin hình ảnh kịp thời, tôi vẫn thường tác nghiệp tới tối muộn, tiện đâu ăn đó, tối đến vào nhà người dân xin ngủ nhờ. Có một số nơi tôi ở nhà trọ, người dân biết mình là phóng viên tác nghiệp vùng lũ nên cũng không lấy nhiều hay chỉ là lấy tượng trưng cho vui. Như ở Trà Leng một chủ nhà nghỉ có nói với tôi “Mấy chú đi làm hỗ trợ người dân, tôi cũng không có chi hỗ trợ mấy chú”, từ những tình cảm đó tôi cảm thấy được nguồn động viên và càng khích lệ tinh thần làm việc hơn”.

Phóng viên Nguyễn Cường cùng các chiến sĩ biên phòng cắt rừng vào hiện trường sạt lở ở Đoàn Kinh tế quốc phòng 337.

Tác nghiệp trong mùa lũ, những nhà báo phóng viên còn luôn nhận được những lời động viên, khích lệ từ bạn bè, người thân phương xa gửi về. Quan trọng hơn nữa, trong quá trình tác nghiệp những người làm báo vẫn thường hỗ trợ nhau, vượt qua mọi khó khăn. Nhớ lại lần vào khu vực sạt lở ở Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 (thuộc Quân khu 4) tại huyện Hướng Hóa, anh Nguyễn Cường cho biết: “Trong đợt tác nghiệp đó mình không phải là người trong nhóm anh em thoát chết vì đi sau một đoạn, nhưng một số anh em cùng báo chỉ chậm 2 bước chân là bị lũ cuốn trôi, bạn ý cũng phải mất vài tiếng sau mới bình tĩnh lại để tập trung viết và gửi những hình ảnh đầu tiên về tòa soạn”.

Tác nghiệp trong mùa lũ mỗi nơi sẽ có những khó khăn riêng, nhưng tại tỉnh Quảng Nam sau thời gian mưa kéo dài các ngọn đồi đã ngấm “no” nước, các đoạn sạt lở xảy ra liên tiếp. Nhận thấy những nguy cơ đó, phần lớn phóng viên đều cố gắng đi theo đúng hướng của lực lượng chức năng, người đi sau nhìn người đi trước, chú ý những cảnh báo. “Anh em đi, giữ khoảng cách, xem người đi đằng trước mình hoặc ở phía sau mình có gặp sự cố gì không để dễ dàng hỗ trợ” anh Nguyễn Cường chia sẻ.

Mỗi chuyến tác nghiệp mùa bão, là mỗi kỷ niệm không bao giờ quên đối với người làm báo. Đối với anh Nguyễn Cường thì hình ảnh xúc động và nhớ mãi là “Cháu bé 2 tuổi đeo khăn tang, chạy đùa vui vẻ ở trong sân nhà tang lễ, nơi truy điệu cho 22 quân nhân Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 hy sinh tại xã Hướng Phùng (Hướng Hóa – Quảng Trị). Trong lúc mọi người khóc thương nhưng bé vẫn hồn nhiên vì chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Bản thân tôi lúc đó mắt cũng nhòe đi không thể tập trung chụp được”.

 Nhớ mãi sự đùm bọc của đồng bào

Phóng viên Lê Trung - Báo Tuổi trẻ TP.HCM thường trú tại Quảng Nam khi di chuyển vào Trà Leng, huyện Nam Trà My.

Cơn bão số 9 ập đến, hay tin trên 50 người bị vùi lấp, nhiều phóng viên tại Quảng Nam ruột gan nóng ran và ai cũng muốn tìm đường vào ngay Trà Leng sớm nhất để đưa thông tin không mong muốn này. Phóng viên Lê Trung - Báo Tuổi trẻ TP.HCM thường trú tại Quảng Nam sau nhiều ngày đưa tin về lụt bão, 22h đêm 28/10 anh vừa về tới nhà, mới cầm chén cơm lên ăn chưa đầy nửa bát thì nguồn tin báo có vụ sạt lở ở Trà Leng, Nam Trà My hàng chục người mất tích. Anh nhớ lại: “Nghe xong người cứ run run, vẫn biết thiên tai ác liệt như thế nào, nhưng có đến hàng chục người trong ngôi làng nhỏ bé của đồng bào dân tộc Bh Noong thì không dám tin”.

Sau khi báo cáo cơ quan, anh cùng đồng nghiệp phăng phăng đi ngay trong đêm. Sau khi trải qua nhiều khu vực sạt lở, ngày hôm sau anh đã lên đến Nam Trà My. Anh Lê Trung nhớ lại: “Dân làng thấy tôi vào, khuyên can, cả chục điểm sạt lở đó, đừng dại mà vào, tôi vẫn nhất quyết đi”.

Vào đến cầu Trà Leng, cách điểm sạt lở vùi lấp thôn 1 năm cây số, anh lội bộ vào, bùn ngập tới gối. Không may, anh đi trúng vào lún bùn, lúc này bùn ngập đến bụng. Những người dân ở đó phải chung tay nhấc anh lên. Cả quãng đường đi hàng chục cây số, đi đến đâu anh cũng được những người dân hỗ trợ, trong mưa bão người ta thấy được tình đồng bào lại được thắp lên. Thấy người lấm bẩn hết, đã có những người dân làng tốt bụng, họ đã chia nhau mang ba lô, máy tính và đưa cho anh chai nước suối, miếng bánh mỳ lót dạ.

Ngay khi tiếp cận được hiện trường anh chụp ảnh, quay video và không quên dành những lời chia sẻ, động viên người nhà của các nạn nhân. Có được thông tin, hình ảnh anh nhanh chóng trở ra để kịp gửi một số ảnh, video cho tòa soạn. Do Nam Trà My mất sóng, không có điện, mọi phóng viên lúc đó phải chạy về Bắc Trà My để kiếm nơi có điện sạt pin mà gõ tin bài.

Phóng viên Lê Trung trao tiền bạn đọc thông qua báo gửi hỗ trợ cho các nạn nhân trong các vụ sạt lở đất.

Anh Lê Trung cho biết: “Về tới Bắc Trà My cũng cúp điện như vậy. Tối đen như mực. May mắn thay, một hiệu giầy có máy phát điện. Tôi xin vào sạc pin điện thoại, máy tính, tìm chút ánh sáng để gõ bài. Cũng may, ông chú chủ quán tốt bụng, cho vào, rồi hỏi sao người con lấm lem bùn lầy vậy, tôi nói: “Con vào Trà Leng”. Dường như hiểu ra câu chuyện, ông chú vội nấu cho tôi tô mỳ tôm, bỏ mấy lát thịt bò. Trời ơi! bữa ăn có lẽ ngon nhất đời, đó là bữa ăn của tình người. Tôi cởi bỏ bộ đồ đầy bùn ra, một con vắt to như ngón tay cái rớt ra. Dường như nó đã hút máu no nê từ chân tôi tự bao giờ”.

Làm phóng viên ai cũng phải chuẩn bị sẵn cho mình tâm lý sẵn sàng lên đường, bất cứ khi nào và ở đâu. Phóng viên tác nghiệp mùa bão cũng luôn phải trong tâm thế trở thành “nhà báo chiến trường”, vẫn biết rằng có những hiểm nguy phía trước nhưng họ vẫn bước đi, tất cả để làm sao có thông tin hình ảnh gửi đến độc giả sớm nhất. Tác nghiệp trong mùa mưa bão khó khăn là vậy, hiểm nguy là thế, nhưng trong hành trình ấy người làm báo luôn nhận được sự hỗ trợ thân tình ở những người dân dù chẳng hề quen biết. Và như thể hiện lòng biết ơn, khi trở về cơ quan đơn vị họ lại kêu gọi bạn đọc, các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh sau lũ và cứ thế, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc lại tiếp tục nhân lên.

Theo Lê Tâm/NB&CL

Các tin khác

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.

Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.

Một tiết mục của Nhà hát Múa rối Thăng Long phục vụ thiếu nhi hè 2024. Ảnh: TTXVN phát

Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự