Bắc Giang phát triển nông nghiệp đa dạng dựa trên đặc thù vùng trung du - miền núi

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/1/2021 | 7:46:18 AM

(BGĐT) - Tham dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong phiên họp sáng 27/1, đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã tham luận tại hội trường. Báo Bắc Giang trân trọng giới thiệu bài tham luận của đồng chí Dương Văn Thái.

"Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

Kính thưa các vị đại biểu!

Kính thưa Đại hội!

Trước hết, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang xin bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các văn kiện trình tại Đại hội. Trong các nội dung của văn kiện Đại hội, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm tới vấn đề phát triển nông nghiệp. Thay mặt Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, tôi xin được phát biểu tham luận với nội dung “Phát triển nông nghiệp đa dạng tỉnh Bắc Giang dựa trên điều kiện đặc thù vùng trung du - miền núi”.

Đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang trình bày tham luận tại Đại hội. 

Kính thưa Đại hội!

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Những năm gần đây, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường; đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19. Song, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, ngành nông nghiệp của nước ta tiếp tục phát triển và thu được những kết quả rất ấn tượng. 

Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, chúng ta đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2020 đạt trên 41 tỷ USD, đặc biệt, nước ta đã có 9 nhóm mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 

Nông nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương của Đảng về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang bên hành lang Đại hội. Ảnh Quốc Trường

Kính thưa Đại hội !

Tỉnh Bắc Giang thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên 3.895 km2, dân số trên 1,8 triệu người (đứng thứ 12 cả nước), phần lớn diện tích của Bắc Giang là đồi núi thấp và đồng bằng trung du, lại được bao bọc bởi dãy núi Yên Tử đã tạo ra các tiểu vùng khí hậu, cùng với điều kiện về thổ nhưỡng rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Đảng bộ tỉnh Bắc Giang qua các thời kỳ luôn bám sát định hướng phát triển chung của cả nước, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện thực tiễn tại địa phương, tập trung phát triển đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; phát triển hài hòa trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. 

Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015-2020, Bắc Giang đã có sự phát triển bứt phá, đạt nhiều kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế (tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 13,8%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; quy mô nền kinh tế đạt 5,3 tỷ USD, vươn lên thứ 16 cả nước,…). Đóng góp vào thành tích chung đó có vai trò hết sức quan trọng của ngành nông nghiệp.

Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã phát huy tốt lợi thế đặc thù về điều kiện địa hình đa dạng, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa dạng, tập trung vào 3 khâu trọng tâm:

Thứ nhất là quy hoạch lại các vùng sản xuất, gắn với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Đến nay, đã quy hoạch, phát triển vùng trồng cây ăn quả, chăn nuôi tập trung. Tổng diện tích trồng cây ăn quả tập trung trên 50.000 ha, trong đó vùng sản xuất vải thiều tập trung lớn nhất cả nước, với quy mô trên 28.000 ha, sản lượng 160-190 nghìn tấn/năm. Các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng phát triển; tổng đàn gà trên 16 triệu con, đàn lợn trên 1 triệu con (đứng thứ 4 toàn quốc).

Thứ hai, đã kịp thời đề ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn với phát triển các chuỗi liên kết giá trị đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 95 sản phẩm OCOP; trên 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị, cho thu nhập tăng từ 5-10 lần so với sản xuất truyền thống. 

Đặc biệt, đã tập trung chỉ đạo mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, chất lượng cao để từng bước hướng đến phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Thứ ba, tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, Đại sứ quán các nước; các tỉnh bạn để quảng bá, xúc tiến thương mại, đàm phán xuất khẩu nông sản. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh với chất lượng ngày càng cao đã đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc ... 

Riêng sản phẩm chủ lực quả vải thiều hiện nay tiêu thụ thuận lợi tại thị trường trong nước và xuất khẩu trên 30 nước. Đặc biệt năm 2020, vải thiều tươi Bắc Giang đã vượt qua quy trình kiểm soát nghiêm ngặt để lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Nhật Bản.

Kính thưa Đại hội !

Nhờ có những chủ trương, cơ chế sát, đúng thực tiễn; sự quyết liệt, kiên trì, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông dân Bắc Giang những năm gần đây đã không còn nỗi lo "được mùa, mất giá". Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp nhiệm kỳ qua đạt bình quân 2,5%/năm; đặc biệt là năm 2020, dù gặp rất nhiều khó khăn, song nông nghiệp của tỉnh vẫn vươn lên đạt mức tăng trưởng 6,7% (cao nhất trong nhiều năm trở lại đây). 

Sản xuất nông nghiệp đem lại nguồn thu nhập ngày càng cao cho người dân (doanh thu từ quả vải thiều năm 2020 đạt 6.830 tỷ đồng, tăng 2.430 tỷ đồng so với năm 2015; thu nhập từ cây có múi đạt trên 1.400 tỷ đồng/năm, doanh thu từ chăn nuôi đạt trên 10.000 tỷ đồng/năm). Nông nghiệp phát triển đã đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Một bộ phận không nhỏ người dân vùng nông thôn vươn lên làm giàu bền vững từ sản xuất nông nghiệp, qua đó có điều kiện đầu tư, chăm lo cho giáo dục, y tế, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bắc Giang xuất hiện ngày càng nhiều xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều vùng quê đáng sống trở thành mô hình sinh động để các địa phương học tập, phấn đấu.

Những kết quả đem lại từ việc xác định đúng vai trò và có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp của tỉnh những năm qua là minh chứng cụ thể về mối quan hệ biện chứng giữa “ý Đảng, lòng dân”. Nhân dân Bắc Giang luôn đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng.

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang dự Đại hội.

Kính thưa Đại hội!

Từ thực tiễn chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tỉnh Bắc Giang rút ra 3 bài học kinh nghiệm sau:

Một là, cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển các vùng sản xuất và định hướng phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng sinh thái (có đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau) để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, chất lượng.

Hai là, không ngừng đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi từ tư duy sản xuất truyền thống, thủ công, nhỏ lẻ sang phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hướng tới thị trường toàn cầu.

Ba là, lấy việc ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ 4 làm giải pháp trọng tâm, tạo đột phá tăng năng suất, chất lượng. Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển các chuỗi liên kết giá trị, liên kết vùng để phát triển thị trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, đảm bảo ổn định đầu ra cho các nông sản (thực tiễn trong những năm qua việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các tỉnh, thành phố bạn).

Kính thưa Đại hội!

Kết quả đạt được là đáng phấn khởi song Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang luôn quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương: Khó khăn trước mắt còn nhiều, không chủ quan, thỏa mãn với kết quả hiện tại, phải phấn đấu tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống của nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tập trung phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, đã đề ra một số yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là: Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, vận động phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương từng bước hiện đại, bền vững.

Hai là: Phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ. Khai thác hiệu quả thế mạnh về điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng trung du miền núi để tiếp tục quy hoạch Bắc Giang trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm Quốc gia.

Ba là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Trọng tâm là kịp thời đề ra các chủ trương, định hướng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm,… Tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương, nhất là các thế mạnh về cây ăn quả, chăn nuôi, trồng rừng kinh tế.

Bốn là: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất tạo bước phát triển đột phá. Đồng thời, tiếp tục quan tâm làm tốt việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, phát triển các sản phẩm OCOP chất lượng, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (tập trung vào một số thị trường lớn như Trung Quốc, ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước EU,...)

Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, bền vững.

Kính thưa Đại hội!

Để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh Bắc Giang trân trọng báo cáo và đề nghị Trung ương sớm xem xét, sửa đổi Luật Đất đai theo hướng thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất; tăng cường đàm phán thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc và mong muốn trong thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, quan tâm giúp đỡ thường xuyên của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương bạn để Bắc Giang tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa; cùng cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Xin trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu, các vị khách quý tham dự Đại hội lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn! 

Theo Báo Bấc Giang

Các tin khác

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.

Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.

Một tiết mục của Nhà hát Múa rối Thăng Long phục vụ thiếu nhi hè 2024. Ảnh: TTXVN phát

Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự