Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/4/2024 | 3:39:06 PM

Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam đều đề nghị cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa công khai; Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị quy định theo hướng tạo điều kiện cho cơ quan báo chí đưa tin chính xác về vụ án, Thường trực Ủy ban Tư pháp phản ánh.

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa

Ủy ban Tư pháp – cơ quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật cho biết, Điều 141 dự thảo Luật quy định: "3. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. 4. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp”. Đa số Thường trực Ủy ban Tư pháp thấy rằng tại phiên tòa, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật.

Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố tại phiên tòa, nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh,… các thông tin, chứng cứ này cần được Hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định. Quy định này còn góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và Kết luận của UBTVQH "yêu cầu nghiên cứu, rà soát nội dung này, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình”, Thường trực UB Tư pháp và TAND Tối cao thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo luật theo hướng bổ sung quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh…trong thời gian tuyên án, công bố quyết định; đồng thời quy định: "trường hợp cần thiết phục vụ nhiệm vụ chuyên môn hoặc nhiệm vụ khác thì Tòa án ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp. Việc cung cấp, sử dụng kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, bí mật nhà nước,…” (Khoản 3 Điều 141).

Cũng theo Ủy ban Tư pháp, có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo luật là hẹp hơn quy định của luật tố tụng hiện hành, chưa thuận lợi cho tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa (việc ghi âm, ghi hình phần xét hỏi, tranh tụng của phiên tòa phải thông qua tòa án). Do đó, đề nghị quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa như quy định của luật tố tụng hiện hành.

Tại hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc tổ chức phiên tòa do tòa thực hiện, phải đảm bảo 3 yêu cầu: đúng luật; bảo đảm chất lượng; bảo đảm trang nghiêm, nghiêm túc. Ông lấy ví dụ một vụ án ly hôn, ra trước tòa, chồng nói thế này, vợ nói thế kia, toàn bộ việc đó ghi âm, ghi hình rồi đưa lên mạng là rất phức tạp, xâm phạm đến quyền con người. Họ cũng không muốn cho thế giới biết họ có bao nhiêu tài sản, lý do vì sao phải ly hôn, rất nhiều nội dung nhạy cảm, kể cả người phạm tội cũng vậy.

Chánh án TAND Tối cao cho biết để bảo đảm chất lượng phiên tòa, thế giới không cho truyền thông ghi âm, ghi hình. Lúc xét xử, Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát, luật sư toàn tâm toàn ý cho vụ án, tập trung suy nghĩ cho vụ án mà cứ chĩa máy quay vào mặt thì dễ bị phân tán. Quy định này nhằm bảo đảm các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho việc xét xử, chứ không phải để làm hình ảnh trước truyền thông.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết tiếp thu ý kiến, dự thảo sẽ quy định tòa án ghi âm, ghi hình phục vụ công tác nghiệp vụ, việc này được lưu trong hồ sơ vụ án. Việc sử dụng cái đó phải bảo đảm quyền con người. Sau này, Viện kiểm sát giám sát thì kiểm tra trên kết quả ghi âm, ghi hình.

Phải hài hòa các bên

Theo luật sư, việc hạn chế ghi âm, ghi hình tại tòa, nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân, song dự thảo cũng cần phải đảm bảo tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, cá nhân, tổ chức thực hiện chức năng giám sát của mình.

Về việc này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng quy định về thông tin đối với phiên tòa trong Dự thảo luật đã thu hẹp hơn so với luật hiện hành, chưa thuận lợi cho tác nghiệp của báo chí trong phiên toà. Theo quy định hiện hành, việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải có sự đồng ý của Hội đồng xét xử và các đương sự, người tham gia tố tụng khác. Luật hiện hành đang rất tốt vì ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải hỏi xin ý kiến của chủ tọa phiên tòa và chủ tọa đồng ý mới được thực hiện.

ghi am ghi hinh phai duoc su dong y cua chu toa phien toa bao chi can duoc dam bao quyen tac nghiep hinh 2

Nêu quan điểm về nội dung này, luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), cho rằng dự thảo không quy định rõ, trường hợp nào chủ tọa đồng ý và trường hợp nào thì được phép ghi âm, ghi hình. Điều này không loại trừ trường hợp chủ tọa phiên tòa lợi dụng quy định pháp luật để gây khó dễ, hạn chế hoạt động tác nghiệp của cá nhân, tổ chức, trong đó có hoạt động của phóng viên, báo chí, điều này mâu thuẫn với Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định về quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai của nhà báo.

Do vậy, không nên hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp. Bởi lẽ, ghi âm, ghi hình là công cụ để người dân, các cơ quan báo chí giám sát các hoạt động tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng theo hướng góp phần xây dựng việc giải quyết vụ án khách quan, dân chủ. 

"Mục đích của hoạt động ghi âm, ghi hình là điều cần quan tâm, vì cá nhân, tổ chức ghi âm, ghi hình ngoài mục đích nhằm giám sát khi sử dụng phải được sự đồng ý của họ, còn nếu sử dụng hình ảnh của người khác mà không xin phép, hoặc xúc phạm gây ảnh hưởng đến danh dự uy tín, nhân phẩm của họ thì tùy hành vi, tính chất, mức độ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại. Phải chăng, nên đặt ra trường hợp hạn chế ghi âm, ghi hình khi đối tượng là người chưa thành niên, người nổi tiếng…. vì lí do giữ bí mật Nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật kinh doanh, đời tư cá nhân theo yêu cầu chính đáng của họ” - luật sư Tiền phân tích.

Theo vị luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội, việc hạn chế ghi âm, ghi hình nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân, tránh trường hợp sử dụng hình ảnh trái đạo đức, pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo cũng cần phải đảm bảo tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, cá nhân, tổ chức thực hiện chức năng giám sát của mình. Do đó, cần thiết rà soát, bổ sung và sửa dự thảo theo hướng không nên hạn chế hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên tòa của các cá nhân, tổ chức nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Cần đảm bảo quyền tác nghiệp của báo chí

Đề xuất của TAND tối cao ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tác nghiệp của báo chí. Do đó, cả Bộ TT&TT và Hội Nhà báo VN đều đề nghị cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa công khai. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đề nghị quy định theo hướng tạo điều kiện cho báo chí đưa tin chính xác về vụ án.

Bộ TT&TT dẫn quy định tại Điều 25 Luật Báo chí, nhà báo "được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp…”. Đồng thời, ngay tại Điều 5 dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi cũng xác định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND là "thực thi quyền tư pháp kịp thời, công bằng, công khai, vô tư, khách quan”. Theo Bộ TT&TT, cần nghiên cứu quy định riêng về hoạt động báo chí tại phiên tòa; đảm bảo nguyên tắc nhà báo, PV được tiếp cận diễn biến phiên tòa, ghi âm, ghi hình chấp hành các quy định pháp luật về báo chí, nội quy phiên tòa.

Bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT), nhận định báo chí là lĩnh vực hoạt động rất đặc thù, ngoài quy định chung trong hệ thống văn bản pháp luật, còn có quy định riêng tại Luật Báo chí. Theo đó, báo chí có đặc quyền về tiếp cận nguồn tin và có trách nhiệm với nguồn tin, thông tin của mình. "Nếu dự thảo Luật Tổ chức TAND quy định hạn chế ghi âm, ghi hình hoặc chỉ dự khai mạc sẽ ảnh hưởng tới tác nghiệp của báo chí, ảnh hưởng tới quyền lợi của bạn đọc, người xem” - bà Thảo nói.

Để đảm bảo quyền tư pháp kịp thời, công bằng, vô tư, khách quan, bà Thảo đề nghị cơ quan soạn thảo nên tính đến quy định cụ thể cho báo chí vừa đúng quy định của Luật Tổ chức TAND vừa đảm bảo quy định của luật Báo chí.

Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng cần có quy định cụ thể hơn để có sự thống nhất giữa luật Tổ chức TAND sửa đổi với Luật Báo chí về trường hợp, đối tượng nào cần giới hạn ghi âm, ghi hình để đảm bảo bí mật đời tư, cá nhân; cũng như không hạn chế quyền giám sát hoạt động phiên tòa của công dân. "Đề nghị không hạn chế ghi âm, ghi hình của báo chí để báo chí thực hiện đúng chức năng của mình” - công văn nêu.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Trưởng ban Kiểm tra chuyên trách (Hội Nhà báo Việt Nam), đánh giá đề xuất của TAND tối cao chưa đảm bảo tính công khai như tinh thần của Bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính; đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động tác nghiệp của nhà báo theo Luật Báo chí.

Ông Tuấn đề nghị nên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của đại diện cơ quan báo chí, quản lý báo chí, Hội Nhà báo VN, các cơ quan tiến hành tố tụng, chuyên gia pháp luật để phân tích rõ các vấn đề bất cập trong quá trình hoạt động tác nghiệp của báo chí tại các phiên tòa. Từ đó có những quy định cụ thể chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được quyền lợi, đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các bên liên quan.

Theo Báo NB&CL

Các tin khác

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.

Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.

Một tiết mục của Nhà hát Múa rối Thăng Long phục vụ thiếu nhi hè 2024. Ảnh: TTXVN phát

Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự