Thể thao Việt Nam tăng tốc giành vé Olympic Paris 2024
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/4/2024 | 3:47:46 PM
Đặt mục tiêu phấn đấu giành từ 12 - 15 suất dự Olympic Paris 2024, nhưng đến thời điểm này, thể thao Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được 50% chỉ tiêu và vẫn đang trong hành trình tìm kiếm thêm suất chính thức trong bối cảnh phía trước còn khá nhiều khó khăn.
Thùy Linh rất gần với tấm vé dự Olympic Paris 2024. Ảnh: TTXVN
|
Olympic Paris 2024 sẽ tranh tài chính thức từ ngày 26/7 - 11/8. Tháng 6 là thời điểm cuối cùng tất cả giải vòng loại Olympic của các môn. Thể thao Việt Nam sẽ chỉ còn hơn 2 tháng tìm kiếm thêm những suất tiếp theo.
Hiện các đoàn Thể thao Việt Nam vẫn còn tham dự giải vòng loại Olympic của nhiều môn, gồm: Điền kinh, bơi, cử tạ, boxing, vật, đấu kiếm, đua thuyền rowing, đua thuyền canoeing, bắn súng, bắn cung, thể dục dụng cụ, bóng bàn...
Tay vợt Nguyễn Thùy Linh gần như đã "chạm cả hai tay” vào tấm vé Olympic Paris 2024 đầu tiên của môn cầu lông. Tay vợt người Phú Thọ chỉ còn chờ Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) công bố danh sách chính thức những tay vợt đủ điều kiện đến Paris vào ngày 28/4. Thùy Linh hiện được xếp hạng 23 thế giới và vẫn tích cực tham dự các giải đấu để tích lũy thêm điểm số, qua đó có thể chen chân vào nhóm tay vợt được xếp hạng hạt giống tại Olympic.
Ở nội dung đơn nam, người hâm mộ kỳ vọng vào tay vợt Lê Đức Phát. Với thành tích giành quyền vào Bán kết giải Cầu lông Kazakhstan International Challenge 2024, Lê Đức Phát đã tích lũy thêm được 2.800 điểm, giúp tay vợt này tiếp tục duy trì thứ hạng cho đến khi vòng loại Olympic Paris khép lại vào cuối tháng 4.
Trên bảng xếp hạng vòng loại môn Cầu lông Olympic hiện tại, Đức Phát đang đứng hạng 34 với 22.350 điểm số. Đức Phát đang trong "cuộc chiến" cùng 3 tay vợt khác, đều tạm nắm giấy thông hành đến Paris 2024, gồm: Tay vợt Dmitriy Pararin (Kazakhstan) hạng 71 thế giới giữ suất thứ 31 với 22.995 điểm; Danylo Bosniuk (Ukraine) hạng 72 thế giới giữ suất thứ 32 với 22.939 điểm; Luis Ramon Garrido (Mexico) hạng 73 thế giới giữ suất thứ 33 với 22.799 điểm.
Danh sách chính thức những tay vợt đủ điều kiện giành vé tham dự Olympic Paris 2024 sẽ được BWF công bố vào ngày 28/4.
Ngoài các suất trong Top 34, BWF cũng sẽ có thêm 4 suất đặc cách cho các tay vợt. Đây cũng là cơ hội để tay vợt Việt Nam có thể giành vé.
Bơi Việt Nam gần như sẽ có tấm vé chính thức thứ 2 để dự Olympic Paris 2024 và kết quả thuộc về tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng.
Huy Hoàng cũng rất gần tấm vé thứ 2 của riêng mình dự Olympic 2024. Ảnh: TTXVN
Tại ASIAD 19, thông số thi đấu của Huy Hoàng trong cự ly trên đạt chuẩn B Olympic và theo tính toán về xếp hạng tính tới thời điểm này thì Huy Hoàng an toàn trong việc có thể được trao thêm suất thi đấu ở Olympic tới đây. Ở ASIAD 19, kính ngư của Việt Nam xếp hạng 4 cự ly 1.500m tự do với thông số tại lượt bơi chung kết là 15’04”06. Hiện tại, thứ hạng của Huy Hoàng trong nhóm xếp hạng nội dung để tranh vé Olympic với kết quả chuẩn B đã đạt được là 37 và theo dự báo, suất Olympic 2024 gần như cầm chắc trong tay VĐV này.
Liên đoàn thể thao dưới nước thế giới (FINA) sẽ công bố chính thức, danh tính các VĐV đạt suất dự Olympic Paris 2024 của môn bơi vào ngày 24/6. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là lần thứ 2 trong sự nghiệp, Huy Hoàng đạt được chuẩn để thi đấu 2 nội dung (cũng được xem là 2 suất chính thức) ở một kỳ Olympic.
Hiện đội tuyển rowing Việt Nam đang tập trung cho vòng loại Olympic của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hàn Quốc. Giải đấu này sẽ khai diễn vào ngày 15/4 và rowing Việt Nam (đội thuyền nhẹ nữ) hy vọng sẽ giành quyền tham dự Olympic lần thứ tư liên tiếp.
Năm 2018, Việt Nam từng giành HCV môn đua thuyền rowing tại ASIAD do Indonesia đăng cai tổ chức của 4 VĐV: Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo và Hồ Thị Lý. Đáng tiếc, tại ASIAD 19 vừa qua, nước chủ nhà Trung Quốc không tổ chức các nội dung đua thuyền rowing hạng nhẹ, khiến Việt Nam không có cơ hội bảo vệ ngôi đầu và cũng chưa thể giành vé dự Olympic ở nội dung này.
Đội tuyển bắn súng trông chờ sẽ có thêm ít nhất 1 suất chính thức tham dự Thế vận hội từ vòng loại Olympic cuối cùng diễn ra tại Brazil từ ngày 11 - 19/4. Niềm hy vọng được đặt lên vai nhà vô địch Asian Games 19 Phạm Quang Huy cùng đồng đội Lại Công Minh ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam; Hà Minh Thành nội dung 25m súng ngắn bắn nhanh hay Phí Thanh Thảo ở nội dung 10m và 50m súng trường nữ.
Đội tuyển bơi với 2 VĐV Nguyễn Huy Hoàng và Trần Hưng Nguyễn cũng đang nỗ lực thi đấu tại giải các nhóm tuổi Thái Lan - sân chơi được xếp chuẩn Olympic.
Bóng bàn dự tranh vòng loại Olympic vào đầu tháng 5 tại Bangkok (Thái Lan). Hiện đội tuyển bóng bàn với 4 tay vợt Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng, Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh đang tập huấn dài hạn tại Nam Ninh (Trung Quốc). Đội tuyển tiếp sức nữ môn điền kinh không tham dự giải vô địch thế giới tại Bahamas vào tháng 5, thay vào đó sẽ dự Giải Vô địch châu Á trong tháng 6 tại Thái Lan để tranh vé đến Olympic. Thái Lan cũng sẽ là địa điểm tranh tài của vòng loại cuối Olympic môn quyền Anh vào tháng 6.
Thể thao Việt Nam nhận tin vui trong những ngày đầu tháng 4 khi đô cử Trịnh Văn Vinh giành suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024 ở hạng cân 61kg nam môn cử tạ. Đây được xem là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho nhiều VĐV ở các bộ môn khác sẽ nỗ lực phấn đấu, cống hiến hơn nữa để mang về thêm cho thể thao nước nhà những suất tham dự Thế vận hội mùa hè năm nay.
Trịnh Văn Vinh cũng giúp cử tạ Việt Nam có lần thứ 6 liên tiếp góp mặt tại đấu trường Olympic. Cử tạ cũng là đội tuyển giàu thành tích thứ 2 của thể thao Việt Nam tại đấu trường Thế vận hội (1 HCB tại Olympic Bắc Kinh 2008 và 1 HCĐ Olympic London 2012), sau bắn súng (1 HCV và 1 HCB).
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.