Tháo gỡ 'nút thắt' về kinh tế cho báo chí

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/6/2024 | 2:16:29 PM

Tính đến cuối năm 2023, nước ta có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình.

Những sản phẩm thông tin của TTXVN đã trở thành kênh thông tin tin cậy, nhanh nhạy để từng giờ, từng phút đưa nguồn thông tin dồi dào và phong phú của TTXVN đến với công chúng trong và ngoài nước. Ảnh: TTXVN
Những sản phẩm thông tin của TTXVN đã trở thành kênh thông tin tin cậy, nhanh nhạy để từng giờ, từng phút đưa nguồn thông tin dồi dào và phong phú của TTXVN đến với công chúng trong và ngoài nước. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, thách thức đối với sự phát triển của các cơ quan báo chí là việc sụt giảm nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính. Vì vậy, cần những giải pháp tháo gỡ, để báo chí trụ vững, làm tốt vai trò định hướng thông tin, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Nhiều khó khăn về thu nhập cho báo chí

Thống kê về tình hình tài chính của các cơ quan báo chí năm 2023 cho thấy: Doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng nguồn thu của các đài phát thanh truyền hình (không tính Truyền hình Công an nhân dân và Trung tâm phát thanh truyền hình Quân đội) giảm 23% so với năm 2022.

Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày. Hoạt động liên kết sản xuất chương trình, kênh chương trình của các đài phát thanh, truyền hình đều sụt giảm đáng kể cả về số lượng đối tác và chương trình...

Đáng lưu ý, nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến của các cơ quan báo chí chỉ còn lại 30%; 70% đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới, như: Facebook, Youtube, Tik Tok... Nhiều tờ báo thực hiện quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ do các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp, làm cho chi phí quảng cáo tiếp tục đổ vào các nền tảng này, doanh thu của báo chí vì vậy càng eo hẹp dần. Thêm nữa, các trang tin, mạng xã hội cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến "miếng bánh" kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày càng nhỏ đi.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chỉ rõ: Hàng năm, chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.

Thu phí nội dung trên báo chí điện tử hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai gồm: Báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022) và một số dạng thu phí kiểu thưởng cho tác giả hay mời tác giả cốc café (Tạp chí Lao động và Công đoàn…). Tuy nhiên, các cơ quan báo chí này mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục, được đầu tư hơn về chất lượng, nội dung. Mô hình thu phí nội dung ở Việt Nam mới chỉ ở bước khởi đầu, chưa tạo ra doanh thu đáng kể cho cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông nhìn nhận: Sự bùng nổ, xâm nhập sâu sắc của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí. Trong đó sự thay đổi thể hiện rõ trên 3 khía cạnh là: hành vi tiêu thụ tin tức, cấu trúc thị trường (nguồn cung, kênh phân phối, bán hàng) và nguồn thu.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, xu hướng độc giả ngày càng trẻ hơn, hành vi tìm kiếm tin tức cũng thay đổi. Thay vì đọc báo, họ chủ yếu truy cập tin tức qua các nền tảng mạng xã hội, vì vậy các tòa soạn phải đầu tư hơn về công nghệ, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận độc giả mới.

"Nhìn lại xu thế 15 năm qua của thị trường báo chí, yếu tố làm thay đổi căn bản báo chí hiện nay là công nghệ. Khi công nghệ thâm nhập vào thì thị trường báo chí thay đổi theo. Từ đó muốn tiếp tục phát triển, chiếm lĩnh thị trường, đa dạng nguồn thu, lãnh đạo cơ quan báo chí phải hiểu và nắm bắt, ứng dụng công nghệ", ông Nguyễn Quang Đồng nói.

Quan tâm độc giả - những người tạo nguồn thu

Tạo nguồn thu cho báo chí không phải là vấn đề mới, nó là điều kiện tiên quyết của nhiều cơ quan báo chí trong quá trình tồn tại và phát triển, Tiến sỹ Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nêu rõ và phân tích: Tạo nguồn thu tức là làm kinh tế trong báo chí. Làm kinh tế báo chí là hợp pháp, là nhu cầu cần thiết của nền kinh tế và các lĩnh vực xã hội khác, đã được khẳng định trong Luật báo chí năm 2016: Các cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn thu báo chí từ hệ sinh thái nội dung số. Đó là toàn bộ những nội dung được sản xuất, phân phối trên không gian số, phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh và thực hiện những mục tiêu chiến lược của cơ quan báo chí.

Theo Tiến sỹ Đỗ Anh Đức, nguyên tắc cốt lõi của hệ sinh thái nội dung số là mang đến những trải nghiệm giá trị cho khách hàng, người tiêu dùng, hay công chúng mục tiêu nói chung. Hệ sinh thái nội dung cần được xây dựng trên 5 trục chính: Chiến lược nội dung (content strategy), quản trị (governance), sáng tạo (creation), phân phối (distribution) và phân tích (analytics).

Trong quá trình xây dựng chiến lược này, Tiến sỹ Đỗ Anh Đức cho rằng việc thu phí báo chí là một hướng đi rất khả quan, trong đó có hai cách triển khai: Thu phí toàn bộ và thu phí một phần, tức là đặt tường phí (paywall).

Đây cũng là quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị. Một trong những giải pháp Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thành Lợi đưa ra để thúc đẩy kinh tế báo chí, đó là xây dựng chiến lược "điện tử hóa" báo chí. Khi các tòa soạn tận dụng được lợi thế của internet, tăng doanh thu nhờ sự đa dạng về thông tin trên môi trường internet, từ đó có thể xây dựng hệ thống thanh toán paywalls để tính tiền người sử dụng nội dung thông tin.

Bên cạnh đó, chiến lược kinh doanh trong xu thế chuyển đổi số không chỉ quan tâm kiếm được bao nhiêu quảng cáo, mà cần phải trở về với giá trị cốt lõi của báo chí, đó là sản xuất cái gì, sản xuất cho ai và sản xuất như thế nào? Trong xu hướng chuyển đổi số, vấn đề lớn nhất của các cơ quan báo chí không chỉ là doanh thu mà còn là công chúng.

Cơ quan báo chí phải xác định: Độc giả trung thành chính là "người" mang lại giá trị nguồn thu cho cơ quan báo chí chứ không phải là các nhóm công chúng thứ yếu khác. Do vậy, các cơ quan báo chí cần phải có chính sách, xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng hiệu quả, đặc biệt là cần phân tích dữ liệu để thuyết phục người đọc trả phí trên báo điện tử. Đây cũng là nguồn để phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thành Lợi nêu rõ.

Đưa ra bức tranh kinh tế báo chí truyền thông trên thế giới và Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng làm truyền thông là một xu hướng nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đang làm. Bởi, chính các nhà báo là người thành thạo nhất về kỹ năng kể chuyện. Do vậy, việc sản xuất nội dung quảng cáo cho thương hiệu là cách để các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu nhờ vào chuyên môn sâu về kể chuyện của mình. Trước thực tế này, các cơ quan báo chí trên thế giới đã quan tâm đa dạng hóa nguồn thu, tập trung vào các giải pháp như tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội cũng như các nền tảng công nghệ-trí tuệ nhân tạo...

Một số xu hướng các cơ quan báo chí lớn trên thế giới thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, bao gồm: Quảng cáo truyền thống; thực hiện tường thu phí; làm truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu... Hiện, Google và Facebook chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo, do vậy, thời gian tới đa số các cơ quan báo chí tìm kiếm doanh thu từ độc giả. Tìm doanh thu từ độc giả ngày càng quan trọng hơn và đó là "nguồn thu an toàn" - nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ...

Theo Báo Tin tức

Các tin khác

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.

Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.

Một tiết mục của Nhà hát Múa rối Thăng Long phục vụ thiếu nhi hè 2024. Ảnh: TTXVN phát

Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự