Đưa vận động viên đi tập huấn với điều kiện thi đấu Olympic 2024
- Cập nhật: Thứ năm, 4/7/2024 | 2:41:34 PM
Thông tin từ Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ ngày 4/7, hai vận động viên (VĐV) boxing Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh sẽ lên đường sang Pháp tập huấn, làm quen với điều kiện khí hậu châu Âu và các điều kiện tập luyện tốt nhất trước khi bước vào tranh tài tại Olympic Paris.
Võ sĩ Hà Thị Linh của tuyển boxing nữ quốc gia. Ảnh: TTXVN
|
Ở thời điểm hiện tại, đội tuyển boxing nữ quốc gia đang tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
Tại kỳ Olympic trước, boxing Việt Nam đã tham dự Đại hội với 2 VĐV là Nguyễn Thị Tâm và Nguyễn Văn Đương. Kỳ Olympic này, boxing Việt Nam cũng góp mặt với 2 VĐV là Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh.
Để làm quen với điều kiện khí hậu châu Âu cũng như các điều kiện tập luyện tốt nhất trước khi bước vào tranh tài tại Olympic Paris, theo lịch vào ngày 4/7, HLV Nguyễn Như Cương cùng hai học trò là Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh sẽ lên đường sang Pháp tập huấn.
Và đến ngày 20/7, đội sẽ gia nhập Làng Thế vận hội. Dự kiến, đây sẽ là môn thể thao nhập Làng VĐV đầu tiên của đoàn Thể thao Việt Nam.
Đội tuyển bắn cung Việt Nam có 2 VĐV tham dự Olympic 2024 là cung thủ Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt. Hai VĐV đang nỗ lực tập luyện chuẩn bị cho những ngày tranh tài chính thức tại Thế vận hội.
Chuyên gia Park Chea-soon của tuyển bắn cung nhận định: Cung thủ Lê Quốc Phong là gương mặt triển vọng của bắn cung Việt Nam. Hy vọng với sự chuẩn bị tâm lý cùng việc thực hiện tốt những kỹ thuật mà ban huấn luyện đưa ra, Quốc Phong sẽ bước qua các vòng đấu loại, có thể tiến sâu vào vòng tranh huy chương tại kỳ thế vận hội lần này.
Tại World Cup bắn cung vừa qua, Quốc Phong thi đấu với hơn 100 đối thủ và đã xếp ở vị trí thứ tư. Ở Olympic Paris, nội dung Phong thi đấu có 64 VĐV đều là cung thủ mạnh trên thế giới (có những đối thủ Phong đã gặp ở World Cup vừa qua). Nếu giữ được phong độ, thể lực và cái đầu lạnh thì Quốc Phong hoàn toàn có khả năng tranh chấp huy chương.
Trong khi đó, ở đội tuyển bắn súng, thời điểm này ban huấn luyện đang cùng các VĐV hoàn thiện kỹ thuật, giữ được tâm lý, thể lực trước khi lên đường.
Là môn được đặt nhiều kỳ vọng tại Olympic 2024, mục tiêu của tuyển bắn súng là phấn đấu đoạt huy chương tại đại hội. Tuy nhiên, theo HLV trưởng Park Chung-gun của đội tuyển bắn súng, Olympic là đấu trường quá lớn trong khi cả 2 VĐV Mộng Tuyền và Thu Vinh của chúng ta đều lần đầu đến dự Thế vận hội, nên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Với đội tuyển judo, HLV trưởng Nguyễn Duy Khanh chia sẻ: Tại kỳ Olympic này Hoàng Thị Tình không phải ép cân nhiều nên thể lực và phong độ đảm bảo cho các cuộc thi đấu sắp tới.
Trước đó, tại giải Vô địch thế giới judo diễn ra hồi cuối tháng 6, Hoàng Thị Tình đã thi đấu tự tin, vượt qua nhiều đối thủ để giành vị trí cao nhất ở hạng cân 48kg nữ và giành vé chính thức tới Paris. Vì vậy, Hoàng Thị Tình cũng được kỳ vọng sẽ giữ vững tinh thần và quyết tâm đến với đấu trường Olympic.
Với môn cử tạ, ông Ngô Ích Quân - Trưởng phòng thể thao thành tích cao 2 cho biết: Hiện "niềm hy vọng" Trịnh Văn Vinh (cử tạ) đang tập huấn tại Trung Quốc. Chấn thương khớp gối của anh đã gần như bình phục hoàn toàn. Dù vậy khả năng cạnh tranh huy chương của Vinh là không dễ dàng.
Thành tích tốt nhất của Trịnh Văn Vinh mới lập được tại World Cup cử tạ 2024 đang diễn ra ở Thái Lan (tháng 4/2024) là tổng cử 294kg, đứng thứ 9 thế giới trong số các vận động viên, qua đó giành vé Olympic ở hạng 61kg nam. Dù vậy, khả năng cạnh tranh huy chương tại Olympic là khá khó bởi lẽ hiện thế giới có 6 VĐV đã có tổng cử trên 300kg ở hạng cân này, kỷ lục Olympic là 318kg.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng của ngành thể thao cùng nỗ lực của các VĐV, người hâm mộ kỳ vọng các VĐV thoải mái, tự tin, thi đấu thăng hoa giành thành tích cao mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.