Việt Nam là nơi có chi phí phải chăng nhất trên thế giới dành cho người nước ngoài
- Cập nhật: Thứ ba, 9/7/2024 | 10:36:37 AM
Theo báo cáo Expat Insider 2024 - một trong những cuộc khảo sát người ngoại quốc lớn nhất thế giới do tổ chức InterNations thực hiện, Việt Nam là quốc gia có chi phí phải chăng nhất trên thế giới dành cho người nước ngoài, đứng đầu trong số 53 điểm đến khi nói đến tài chính cá nhân. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam đứng đầu về tiêu chí này.
Du khách quốc tế đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN
|
Bên cạnh thứ hạng đầu tiên về tài chính cá nhân thì trong nhóm 53 điểm đến, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 14 về các điều kiện làm việc dành cho người nước ngoài (như triển vọng nghề nghiệp, lương và an ninh việc làm), đứng thứ 29 về các dịch vụ thiết yếu cho người nước ngoài như đời sống kỹ thuật số, nhà ở và ngôn ngữ và đứng thứ 40 về chất lượng cuộc sống.
Báo cáo Expat Insider 2024, với sự tham gia của hơn 12.000 người nước ngoài tại 174 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đánh giá về các tiêu chí gồm nơi tốt nhất và tệ nhất để sinh sống với người nước ngoài, chất lượng cuộc sống, điều kiện làm việc ở nước ngoài và tài chính cá nhân.
Riêng về chỉ số Tài chính cá nhân, InterNations đã yêu cầu người tham gia khảo sát xếp hạng mức hài lòng trong 3 lĩnh vực gồm sinh hoạt phí nói chung, mức độ hài lòng về tình trạng tài chính và liệu thu nhập khả dụng của hộ gia đình có đủ để có một cuộc sống thoải mái hay không. Kết quả cho thấy thành phần nhóm 10 nước được đánh giá tốt nhất không có quá nhiều thay đổi so với năm ngoái, chỉ có sự xuất hiện của 1 cái tên mới là Brazil, đứng ở vị trí thứ 9 thay thế Malaysia sau khi quốc gia này bị tụt hạng từ thứ 5 năm 2023 xuống thứ 11 năm 2024. Sau vị trí số 1 của Việt Nam, những cái tên tiếp theo trong nhóm 10 nước tốt nhất thứ tự giảm dần là Campuchia, Indonesia, Panama, Philippines, Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Brazil và Trung Quốc.
Trong nhóm người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, có 86% đánh giá chi phí sinh hoạt tại đây ở mức tốt, cao hơn mức trung bình các nước trên thế giới được khảo sát là 40%. Trong khi đó, 65% cho biết hài lòng với tình hình tài chính hiện tại ở Việt Nam, cũng cao hơn mức trung bình các nước trên thế giới được khảo sát là 54%. Đáng chú ý, có tới 68% cho biết mức thu nhập khả dụng của họ thừa sức mang lại cuộc sống tiện nghi, cao hơn nhiều mức trung bình 41% của các quốc gia khác được khảo sát.
Không chỉ có chi phí sinh hoạt thấp, người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam cũng được trả lương cao hơn so với mức trung bình của những người nước ngoài sống ở nước khác. Có tới 19% người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam tham gia khảo sát cho biết nhận được mức thu nhập hằng năm ở mức 150.000 USD hoặc hơn trong khi tỷ lệ này ở các nước khác chỉ khoảng 10%.
Ngoài ra, mức độ hài lòng trong công việc nói chung của người nước ngoài ở Việt Nam cũng rất cao. Bà Kathrin Chudoba cho biết Việt Nam đã cải thiện thần kỳ từ vị trí thứ 24 năm 2023 lên vị trí thứ 3 vào năm 2024 cho yếu tố thuộc nhóm "Văn hóa làm việc và sự hài lòng”.
Theo báo cáo, nhìn chung sự "cân bằng giữa công việc và cuộc sống quan trọng hơn thăng tiến nghề nghiệp” ở Việt Nam, đáng chú ý là chưa đến một nửa (46%) người nước ngoài ở nước này làm việc toàn thời gian, so với mức trung bình toàn cầu là 57%. Có khoảng 1/5 người nước ngoài tại Việt Nam (21%) làm việc bán thời gian và khoảng 18% người nước ngoài đã nghỉ hưu.
Về điểm đến tốt nhất cho người nước ngoài trên toàn cầu, báo cáo Expat Insider 2024 khám phá cảm nhận của người nước ngoài về các khía cạnh khác của cuộc sống ở nước ngoài, dựa trên 5 chỉ số: hạnh phúc chung, chất lượng cuộc sống, mức độ dễ dàng khi đăng ký định cư, làm việc ở nước ngoài và chỉ số "những yếu tố cần thiết cho người nước ngoài” dựa theo các điều kiện về hành chính, nhà ở, kỹ thuật số cuộc sống và ngôn ngữ. Trong số 53 điểm đến trên toàn cầu có 4 quốc gia châu Á lọt vào danh sách top 10 năm nay: cùng với Indonesia ở vị trí thứ 3, Thái Lan ở vị trí thứ 6 thì Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, ngay trên Philippines vị trí thứ 9.
Báo cáo dẫn lời một người Anh xa xứ nói về cuộc sống ở Việt Nam: "Cuộc sống ở đây không hề căng thẳng đối với tôi, đó là một sự thay đổi tuyệt vời so với cuộc sống công việc vốn rất bận rộn và tiêu hao nhiều nguồn lực trước đây”.
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.