EURO 2024: Vẻ đẹp của chiến thắng
- Cập nhật: Thứ ba, 9/7/2024 | 9:58:55 PM
Tây Ban Nha và Pháp bước vào Bán kết EURO 2024 với phong cách trái ngược nhau, nhưng có chung một mục tiêu, đó là giành quyền vào chung kết.
Các tuyển thủ Tây Ban Nha ăn mừng bàn thắng mở tỷ số của tiền đạo Daniel Olmo (thứ 3, trái) trong trận tứ kết với Đức. Ảnh: THX/TTXVN
|
Đây cũng là cuộc đối đầu giữa hai đại diện thành công nhất của châu Âu trong 30 năm trở lại đây. Sau sự thoái trào có hệ thống của những nền bóng đá giàu truyền thống nhất như Đức và Italy, Pháp và Tây Ban Nha lập tức nổi lên là những thế hệ quyền lực mới.
Có cả một lịch sử đằng sau trận đấu này, dù có thể những thông tin ấy chỉ mang tính tham khảo. Đầu tiên, "Les Bleus" với chính thế hệ của Didier Deschamps và Zinedine Zidane phá vỡ trật tự bóng đá ở cả châu Âu và thế giới với hai danh hiệu lớn liên tiếp là World Cup 1998 và EURO 2000, sau những chiến thắng vang dội trước Brazil và Italy.
Pháp là những người tiên phong cho một thời đại mới mà quyền lực bóng đá được san sẻ nhiều hơn cho các quốc gia khác. 10 năm sau, đội bóng "Xứ đấu bò" tạo ra một "cơn địa chấn" thật sự với triết lý tiki-taka, họ khởi đầu với chức vô địch EURO 2008, sau khi đánh bại Đức - một nền bóng đá bất hủ của thế giới - ở trận chung kết một cách thuyết phục.
Sau đó, Tây Ban Nha chinh phục World Cup đầu tiên trong lịch sử ở Nam Phi. Mùa hè năm 2012, họ trở lại "Lục địa Già" để khuất phục Italy trong trận chung kết và trở thành đội đầu tiên trong lịch sử bảo vệ được danh hiệu của mình.
Sau giai đoạn rơi vào những khoảng trống ngắn ngủi về khả năng cạnh tranh với cả hai nền bóng đá. Pháp lập tức vô địch World Cup lần thứ hai tại nước Nga, sau đó lên ngôi ở giải Nations League 2021, cũng như vào chung kết EURO 2016 và World Cup 2022.
"Les Bleus" đã thay thế hầu hết các đội bóng lớn như Đức hay Brazil, trở thành đội tuyển thành công nhất trong giai đoạn này. Trong khi đó, đội bóng từ bán đảo Iberia vừa kịp trở lại với chiếc cúp Nations League 2023 - tiền đề để họ trở lại với đỉnh cao của bóng đá.
Vì thế, nếu đánh bại Pháp và xa hơn là đăng quang tại EURO 2024, đây có thể sẽ là thời điểm để Tây Ban Nha mở ra một chương thành công mới cho chính mình, cùng lúc đó, là khép lại quá khứ hào hùng của đối thủ. Nhưng chắc rồi, người Pháp cũng không dễ để cúi đầu lùi vào sau hậu trường.
Đội tuyển Pháp. Ảnh: THX/TTXVN
Điều khiến Pháp bắt đầu trận đấu này với tư cách là đội được đánh giá cao hơn là bởi sự dày dặn kinh nghiệm và thái độ cạnh tranh đặc biệt, cũng như những thành tựu mang tính liên tục trên sân cỏ trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, Tây Ban Nha chỉ là một tập thể mới được gây dựng dưới bàn tay của chiến lược gia De La Fuente trong hơn 2 năm trở lại đây. Nhiều người trong số này chưa từng được gọi lên đội tuyển trước đó như Le Normand, Grimaldo hay Cucurella.
Hoặc có những cầu thủ mà số trận thi đấu quốc tế không vượt quá số ngón tay trên hai bàn tay, như thần đồng Lamine Yamal, với 9 trận đấu, bao gồm 5 trận ở EURO 2024 và 4 trận ở vòng loại. Người đá cặp cùng Yamal là Nico Williams thi đấu nhiều hơn 3 trận.
Thậm chí, so sánh giữa hai HLV Didier Deschamps và De La Fuente cũng đã cho thấy những khác biệt hoàn toàn về kinh nghiệm của hai HLV. Nhưng tất cả lại tạo ra hai phong cách giành chiến thắng trái ngược giữa họ.
Không có đội bóng nào chơi tấn công tự do hơn thày trò HLV De La Fuente và cũng không có đội bóng nào chơi khắc khổ hơn các học trò của HLV Didier Deschamps tại nước Đức. Tây Ban Nha ghi 11 bàn thắng để vào bán kết, trong khi tấm vé thông hành của Pháp chỉ vỏn vẹn 2 dòng thông tin ngắn ngủi: tự ghi một bàn thắng và để thủng lưới một lần.
"La Roja" đã có 102 lần sút bóng về phía khung thành đối thủ, trong đó có 35 lần trúng đích. Con số của Pháp lần lượt là 89 và 21. Chỉ số kinh điển khác: "Les Bleus" chỉ để thủng lưới 0,2 bàn mỗi 90 phút, con số này của Tây Ban Nha là 0,4.
Ngôi sao được chờ đợi nhất của Pháp là Kylian Mbappe chỉ ghi được 1 bàn. "Les Bleus" phụ thuộc vào "số 10", nhưng có sự phân công "lao động" rõ ràng trong tập thể này: đó là đề cao chủ nghĩa thực dụng và tất cả có giá trị như nhau trong phòng ngự.
Trong khi đó, Tây Ban Nha là "ngựa chiến" như HLV De La Fuente mô tả sau khi đánh bại chủ nhà Đức "và là hình mẫu của bóng đá với nhiều cảm xúc". Đội bóng bán đảo Iberia sẽ phải rất kiên cường để đối đầu với một tập thể "tàn nhẫn" về mặt bóng đá và có khả năng bóp nghẹt cảm hứng của đối thủ. Bởi vì điều đẹp nhất với người Pháp là chiến thắng, còn Tây Ban Nha muốn chơi đẹp để chiến thắng.
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.