Hà Giang có gì để được đề cử Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á?
- Cập nhật: Thứ hai, 29/7/2024 | 10:34:34 AM
Không chỉ có những cung đường tuyệt đẹp, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, Hà Giang còn khiến du khách quốc tế xiêu lòng bởi nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc - những bản tình ca trên cao nguyên đá Đồng Văn.
|
"Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa", từ chủ trương trên, những năm qua Hà Giang đã trở thành điểm đến thu hút khách quốc tế.
Hà Giang - bản tình ca trên cao nguyên đá - Ảnh: NAM TRẦN
Năm 2023, Hà Giang đã được vinh danh là "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á". Năm 2024, nơi đây tiếp tục được đề cử ở hạng mục "Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á", đây chính là cơ hội lớn để thương hiệu du lịch Hà Giang định vị vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới.
Cuộc sống bình dị của người dân ở bản Lao Xa khiến du khách cảm thấy như được chữa lành - Ảnh: NAM TRẦN
Bản tình ca trên cao nguyên đá
Vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, kỳ vĩ của vùng đất địa đầu Tổ quốc với những dãy núi lô nhô, với những bản làng chìm trong sương sớm, với nền văn hóa đa dạng giàu bản sắc của những con người sinh ra trên đá, sống trên đá… Hà Giang như bản tình ca mời gọi du khách khám phá.
Đến Hà Giang mùa nào cũng đẹp. Xuân thì rực rỡ với hoa đào giêng, tháng ba hoa gạo, hoa lê. Hè về xanh mát với màu xanh của cây cổ. Thu qua Hà Giang đẹp với những thửa ruộng bậc thang vàng ươm, trĩu lúa. Còn khi đông đến, du khách như được hòa vào với cái lạnh vùng cao, bên bếp lửa bập bùng, trải nghiệm văn hóa bản địa.
Mảnh đất này là nơi sinh sống của 19 dân tộc. Mỗi dân tộc mang một nền văn hóa truyền thống độc đáo riêng, nhiều di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và quốc gia bao gồm các lễ hội, các làn điệu dân ca dân vũ...
Một buổi tối bình dị trong mắt du khách quốc tế ở nhà cổ Lao Xa - Ảnh: NAM TRẦN
Hoa gạo "thắp lửa" trên dãy núi bao quanh hẻm Tu Sản - Ảnh: NAM TRẦN
Để những nét đẹp đơn sơ thành sản phẩm du lịch
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn, Hà Giang chủ trương thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng xanh, bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Hà Giang gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày càng nhiều những người con sinh ra trên đá, lớn lên trên đá, đi xa để học hỏi và quay trở về Hà Giang biến những điều bình dị của bản làng thành sản phẩm du lịch.
Bà Triệu Thị Tình - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang - cho biết nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp từ du lịch tại địa phương, các bạn đã chọn lấy du lịch để bảo tồn văn hóa và lấy văn hóa để phát triển du lịch.
Nhà mái rêu độc đáo riêng có của bản Xà Phìn cũng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn - Ảnh: NAM TRẦN
Có định hướng phát triển rõ ràng, có sức trẻ về lại quê hương du lịch Hà Giang đang ngày càng cất cánh. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Giang đón gần 1,7 triệu lượt du khách. Trong đó có gần 223.000 lượt khách quốc tế và trên 1,4 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 4.200 tỉ đồng.
Hà Giang liên tục lọt vào các danh sách, bảng xếp hạng điểm đến du lịch hấp dẫn của thế giới. Tờ New York Times xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023. Làng VHDL thôn Nặm Đăm được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng lần thứ 3 (năm 2023). Tháng 9-2023, Hà Giang được nhận giải thưởng "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á".
Năm nay, Hà Giang tiếp tục lọt vào danh sách đề cử ở hạng mục "Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á". Những công nhận của du khách quốc tế đối với Hà Giang ngày càng khẳng định vị thế của vùng đất cao nguyên đá trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo BGTV
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.