Chuyện cổ động viên ở Olympic 2024
- Cập nhật: Thứ ba, 6/8/2024 | 10:18:19 PM
Olympic Paris 2024 không chỉ là ngày hội thể thao với người dân nước Pháp hay người dân châu Âu mà còn cả với những du khách quốc tế có mặt tại Paris ở mùa hè năm nay.
Bất chấp thời tiết nắng nóng, đông đảo khán giả vẫn tập trung cổ vũ tinh thần cho các vận động viên thi đấu tại Olympic Paris 2024 ngày 30/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN
|
Cảnh tượng quen thuộc ở hầu như mọi địa điểm thi đấu của Olympic Paris 2024 là những hàng người xếp hàng dài dằng dặc, với đủ các môn, từ môn không thật phổ biến đại chúng như chèo thuyền, cho tới những môn thuộc hàng đầu của Olympic như điền kinh, bơi lội, cầu lông hay quần vợt, tất cả luôn chật cứng người xem.
Olympic năm nay có một đặc điểm đáng kể là Ban tổ chức (BTC) không bán vé trực tiếp cho khán giả tại quầy mà chỉ có một phương thức phát hành vé duy nhất là bán trực tuyến. Vì thế, mua vé xem Olympic Paris 2024 chẳng khác nào một trò săn hàng giảm giá, bởi số lượng vé được cung cấp luôn ít hơn so với nhu cầu của người mua.
Ngày 28/7, nhóm phóng viên TTXVN xuống Chateauroux, cách Paris 300 km, để tác nghiệp môn bắn súng. Trường bắn Chateauroux được xây dựng trên một doanh trại quân đội và nằm giữa cánh đồng. Cứ tưởng như ở một địa điểm xa xôi và với một môn thể thao có phần "khô khan” như bắn súng thì sẽ không quá hấp dẫn người hâm mộ, nhưng cả nhóm đã phát hiện nhầm to khi đánh giá quá thấp sức hút của Olympic với người dân ở đây. Không có một vé nào còn sót lại trên hệ thống bán vé trong ngày thi đấu và tất cả chỗ ngồi dành cho khán giả của trường bắn Chateauroux đều đã không còn một chỗ trống.
Do vé của Olympic Paris 2024 được phát hành theo hình thức trực tuyến và bán trước, nên nhiều khi CĐV mua được vé mà không biết sẽ được xem nội dung thi đấu như thế nào, vì còn phải tuỳ thuộc vào diễn biến thực tế. Vậy nên mới có chuyện trận tứ kết bóng đá nữ giữa Nhật Bản và Mỹ vào ngày 3/8 vừa qua không chỉ có sự hiện diện của CĐV Mỹ và CĐV Nhật Bản, mà còn có CĐV từ rất nhiều quốc gia khác như Pháp, Đức, Colombia và thậm chí cả Brazil. Cũng vì trên sân có rất nhiều khán giả trung lập nên họ không cổ vũ riêng cho đội bóng nào, và đội tuyển nữ Mỹ đã nhiều lần bị CĐV la ó vì không quyết liệt triển khai tấn công về phía cầu môn đội tuyển nữ Nhật Bản mà chỉ chuyền bóng qua lại trên phần sân nhà.
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, giá vé vào xem các nội dung thi đấu của Olympic Paris 2024 thường không rẻ, tối thiểu cũng vào khoảng 80 euro/vé, nghĩa là hơn 2 triệu đồng tiền Việt Nam. Nhóm cũng từng gặp một CĐV Việt Nam lặn lội từ Anh sang Pháp để xem đua xe đạp và dù mua được vé với giá 80 euro nhưng CĐV này chỉ được nhìn thấy Nguyễn Thị Thật duy nhất một lần ở vạch đích. Như vậy là CĐV này đã bỏ ra 80 euro mà chỉ được thoáng gặp Nguyễn Thị Thật, và thực tế là cũng không theo dõi được bất cứ diễn biến nào của cuộc đua vì tấm vé này chỉ cho phép xem chặng xuất phát và chặng về đích của cuộc đua.
Tuy nhiên, CĐV này vẫn còn may mắn là vì còn nhìn thấy Nguyễn Thị Thật còn có CĐV khác đã phải bỏ ra 2.700 euro, khoảng hơn 70 triệu đồng Việt Nam, cho một vé vào xem lễ khai mạc Olympic Paris 2024 mà thực tế cũng chỉ được ngồi nhìn màn hình, vì sân khấu chính diễn ra ở một địa điểm khác ở cách xa chỗ đó.
Thế nhưng, bất chấp những điều đó, vé xem Olympic Paris 2024 vẫn có sức hút mạnh mẽ và nhóm phóng viên Việt Nam cũng thường xuyên bắt gặp cảnh tượng những CĐV không có vé đứng bên ngoài địa điểm thi đấu và giơ cao tấm biển viết tay: "Tôi cần mua vé” bằng tiếng Anh để hy vọng sẽ có người nhượng lại.
Và có người mua thì tất nhiên sẽ có người bán, bởi trên đường tới nhà thi đấu Porte de la Chapelle Arena để tác nghiệp 2 trận chung kết cầu lông đơn nam đơn nữ của Olympic Paris 2024 vào ngày 5/8, nhóm đã gặp 1 CĐV giơ bảng in dòng chữ: "Tôi có 2 vé” lên trước dòng người đang nối bước nhau vào địa điểm thi đấu.
Tuy nhiên, giống như sự chênh lệch về nhu cầu về vé của khán giả so với số lượng được BTC cung cấp, luôn luôn có nhiều người cần mua vé hơn là những người cần bán và các CĐV sẵn sàng đi xem cả những trận đấu mà họ không cổ vũ cho riêng bên nào.
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.