Paralympic 2024: Các VĐV Việt Nam tích cực tập luyện, làm quen với địa điểm thi đấu

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/8/2024 | 8:57:26 PM

Sau khi hội quân tại Paris (Pháp), các tuyển thủ của đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã bước vào tập luyện nhằm chuẩn bị cho phần thi đấu tại Paralympic 2024.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam sẵn sàng tập luyện để chuẩn bị tranh tài tại Paralympic Paris 2024. Ảnh: TTXVN phát
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam sẵn sàng tập luyện để chuẩn bị tranh tài tại Paralympic Paris 2024. Ảnh: TTXVN phát

Đoàn Việt Nam di chuyển tới Paris theo 2 đợt. Đợt đầu là toàn tiền trạm, gồm: Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao, cùng 1 cán bộ vào ngày 21/8 và đợt 2 gồm 12 thành viên còn lại lên đường vào ngày 23/8 đều từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh).

Theo thông tin từ Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh, toàn bộ các thành viên đều đã đến nơi an toàn và mạnh khỏe. Đoàn Việt Nam cũng đã hoàn tất thủ tục nhập làng VĐV, kích hoạt thẻ và ổn định nơi ăn, nghỉ trong làng VĐV.

Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh cho biết: "Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam được bố trí ở tại làng VĐV Paralympic với những hỗ trợ tối đa để người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận và thuận tiện trong sinh hoạt. Tinh thần của các VĐV rất tốt và ngay sau khi tới đây, chúng tôi đã làm việc với ban tổ chức để thống nhất về các hoạt động, lịch trình tập luyện, thi đấu và giúp các VĐV làm quen với điều kiện khách quan".

Đoàn Việt Nam sẽ dự lễ khai mạc Paralympic 2024 với 10 thành viên. VĐV Lê Văn Công và Châu Hoàng Tuyết Loan được giao nhiệm vụ cầm cờ cho đoàn diễu hành trong lễ khai mạc Đại hội, diễn ra vào lúc 2h00 ngày 29/8 (giờ Việt Nam) tại quảng trường Concorde và đại lộ Champs-Elysées.

Theo cảm nhận của HLV Đặng Văn Phúc (môn Điền kinh), mọi điều kiện sinh hoạt, ăn uống, di chuyển tại làng VĐV đều rất tốt. Ông cho biết: "Chúng tôi nắm được một số thông tin từ trước về điều kiện trong làng VĐV nên đã chuẩn bị chu đáo các vật dụng cá nhân. Ngoài ra, mọi thứ đều được hỗ trợ tối đa nên rất thuận lợi".

HLV Đặng Văn Phúc và VĐV Phạm Nguyễn Khánh Minh cũng đã có buổi tập đầu tiên tại sân vận động Stade de France vào chiều 24/8 (theo giờ địa phương) để làm quen điều kiện thi đấu. Ngoại trừ thời tiết tại Paris hơi lạnh vào chiều tối, còn lại không có bất cứ trở ngại nào với hai thầy trò.

HLV Đặng Văn Phúc nêu rõ: "Từ làng VĐV đến nơi tập đều có xe đưa đón rất thuận tiện. Lịch tập cũng được bố trí hằng ngày nên hai thầy trò đã triển khai giáo án tập luyện. Thời điểm này sắp vào thi đấu nên khối lượng tập luyện không quá nặng, chủ yếu giúp Khánh Minh điều chỉnh điểm rơi phong độ. Trước đây chúng tôi vẫn duy trì tập 2 buổi/ngày, nên việc làm quen múi giờ không quá khó khăn", 

Trưa 25/8 (theo giờ địa phương), 4 đô cử gồm Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Châu Hoàng Tuyết Loan, Đặng Thị Linh Phượng và HLV Lê Quang Thái cũng đã có buổi tập đầu tiên kể từ khi đặt chân tới Paris. Thầy trò các lực sĩ được bố trí tập luyện tại nhà tập môn cử tạ Paralympic với đầy đủ trang thiết bị.

Thể lực và tinh thần của các đô cử đều đảm bảo dù sau quá trình di chuyển bằng máy bay kéo dài hơn 13 giờ vào ngày hôm trước. Hiện tại, các đô cử đang dần thích nghi với sự thay đổi múi giờ, thời tiết và điều chỉnh giáo án để bước vào thi đấu với thể trạng tốt nhất. 

Trước đó, trong sáng 25/8, hai kình ngư Lê Tiến Đạt, Đỗ Thanh Hải và HLV Nguyễn Đăng Viễn cũng đã tập luyện buổi đầu tiên.

Theo TTXVN

Các tin khác

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.

Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.

Một tiết mục của Nhà hát Múa rối Thăng Long phục vụ thiếu nhi hè 2024. Ảnh: TTXVN phát

Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự