Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch" lần thứ 2: Nơi ghi nhận những cống hiến người làm báo cho sự nghiệp phát triển văn hóa
- Cập nhật: Thứ tư, 28/8/2024 | 9:43:29 AM
Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch" lần thứ 2 tiếp tục thu hút sự quan tâm của các phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trong cả nước. Mỗi tác phẩm báo chí tham dự giải đã góp phần định hình và lan tỏa chuẩn mực văn hóa.
Nhà báo phóng viên viết về lĩnh vực văn hóa tác nghiệp. Ảnh minh họa
|
Nhiều tác phẩm mang màu sắc báo chí hiện đại
Là lần thứ 2 được tổ chức, Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” tiếp tục có sức hút mạnh mẽ, với hơn 900 tác phẩm tham dự. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan báo chí đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Rất nhiều phóng viên đi sâu khai thác những vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực của Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mỗi bài dự thi đều chú trọng khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau; từ chủ trương chính sách, sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước đến phát triển văn hóa... cho đến đời sống văn hóa truyền thống ở mỗi vùng quê, mỗi địa phương.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Các chủ đề về văn hóa khá đa dạng, có những tác phẩm mang tính định hướng của Đảng và nhà nước về công tác văn hóa tư tưởng cho đến lĩnh vực cụ thể của đời sống văn hóa, từ vĩ mô đến vi mô về lĩnh vực văn hóa.
"Từ văn hóa truyền thống, văn hóa hiện đại, du lịch, thể thao... và rất nhiều mảng đã được đề cập đến trong những tác phẩm tham dự giải năm nay. Có nhiều tác phẩm nói về tấm gương người tốt việc tốt, cái hay cái đẹp từ gia đình cộng đồng, từ những đơn vị và những cá nhân nổi bật cũng là điểm sáng của giải thưởng", nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
Theo Ban tổ chức, năm nay một số mảng đề tài nổi bật được nhiều nhóm tác giả quan tâm, khai thác như: Vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tình hình mới; vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; thực trạng của ngành thể thao và du lịch Việt Nam hiện nay.
Các đề tài về gìn giữ và phát huy, bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa 54 dân tộc nói riêng; xây dựng nền công nghiệp giải trí, thị trường điện ảnh, thị trường sách và văn hóa đọc; phát triển du lịch, thể thao, xây dựng gia đình, bảo vệ trẻ em…; vấn đề chuyển đổi số trong trong lĩnh vực văn hóa, những mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, …
Nhà báo Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập Báo Văn hóa, Phó Trưởng Ban tổ chức giải cho biết: Sau khi sàng lọc hơn 920 tác phẩm dự thi, Ban tổ chức đã rà soát các tác phẩm và đưa vào chung khảo. Nhiều tác phẩm đáp ứng được yêu cầu về thể lệ, các chủ đề tham gia cuộc thi từ văn hóa, du lịch, gia đình..., có sự đồng đều về chất lượng.
"Nhiều tác phẩm mang màu sắc báo chí hiện đại, đa nền tảng, đa phương tiện... lồng ghép với nội dung với hình ảnh chân thực, từ đó Ban giám khảo nhận thấy, ngoài sự đầu tư về nội dung ra còn có sự đa dạng, phong phú cách thể hiện. Qua đó, Ban tổ chức chấm, lựa chọn những tác phẩm xứng đáng nhất để trao giải”, nhà báo Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh.
Đưa ra những định hướng giải pháp để phát triển
Theo Ban tổ chức, trong số các tác phẩm dự giải, mảng đề tài về văn hóa vẫn chiếm tỉ lệ nhiều hơn cả, ngoài ra mảng đề tài về thể thao và gia đình cũng được các cơ quan báo chí đầu tư. Các tác phẩm tham gia đều có sự đầu tư chuyên sâu, cách thể hiện rõ ràng, các cơ quan báo chí đã biết cách tận dụng tính ưu việt của các loại hình báo chí khác nhau.
Như ở thể loại ảnh báo chí, mỗi tác phẩm ảnh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch dự giải đều có sức hút đặc biệt, đó là những tác phẩm bắt được những khoảnh khắc vàng.
Nhà báo Bùi Lâm Khánh, Phó Trưởng phòng Thời sự - Ban Biên tập Ảnh - Thông tấn xã Việt Nam (thành viên vòng chấm sơ khảo) chia sẻ: Chất lượng ảnh báo chí về lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm nay ở mức khá, phản ánh toàn diện các sự kiện thời sự cũng như các vấn đề tiêu biểu về văn hóa của năm qua.
Một số tác phẩm có nội dung hấp dẫn, cách thể hiện ấn tượng, chuyên nghiệp. Các tác phẩm mang màu sắc rất đa dạng, có nhiều điểm mới trong tiếp cận, triển khai đề tài. Nhiều vấn đề tưởng như đã cũ nhưng tác giả biết làm mới cũng sẽ giúp tạo hiệu quả thông tin cao.
Nhà báo Bùi Lâm Khánh cho biết, "Giải báo chí "Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã góp phần quan trọng giúp các tác giả có sân chơi, định hình những xu hướng sáng tạo trong lĩnh vực này. Tuy nhiên để mỗi tác phẩm ảnh về lĩnh vực này hấp dẫn thì phải làm lay động được cảm xúc người xem. Muốn vậy thì chọn đề tài là tiên quyết. Đề tài càng sát với cuộc sống thì càng hấp dẫn. Cùng với đó, sự tìm tòi, dấn thân của phóng viên và họ cần áp dụng những cách thể hiện hiện đại để nâng cao chất lượng tác phẩm".
Có thể khẳng định Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đã tạo động lực thúc đẩy các cơ quan báo chí quan tâm và đầu tư thỏa đáng hơn về lĩnh vực này. Không chỉ các cơ quan báo chí ở trung ương nhiều cơ quan báo chí ở địa phương đã quan tâm và dành thời lượng nhiều hơn để tuyên truyền lĩnh vực này.
Để có thêm nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn nữa trong lĩnh vực này, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí có cách biểu đạt đa dạng hơn, không nhất thiết phải nói trực tiếp về vấn đề văn hóa. Chúng ta có thể mở rộng ra các vấn đề về kinh tế lồng yếu tố văn hóa, những tuyến bài cần đi theo hướng báo chí, đưa ra những định hướng giải pháp để phát triển trong thời buổi công nghệ cao, để ngành văn hóa có thể tham khảo để có cách thức phát triển hiệu quả hơn trong tương lai”.
Dự kiến tối 28/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra lễ trao Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ hai.
Ban tổ chức sẽ trao giải thưởng ở các loại hình gồm: Báo in, Báo Điện tử, Phát thanh, Truyền hình, Báo ảnh. Ngoài ra, Giải tập thể được trao cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự Giải, đạt kết quả cao.
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.