Cần “miễn” thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí
- Cập nhật: Thứ năm, 24/10/2024 | 10:23:48 AM
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Báo chí Cách mạng có vai trò rất quan trọng đó là thực hiện tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến Nhân dân. Do đó, cần phải có nhiều chính sách ưu đãi đối với các cơ quan báo chí. Đặc biệt, ông Ngân bày tỏ mong muốn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí.
|
Cơ quan báo điện tử thì không được ưu đãi nên rất khó khăn
Gần đây, Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang được các doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí. Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí, được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10%. Còn các cơ quan báo chí thuộc các loại hình khác như báo điện tử, truyền hình, phát thanh chưa có quy định.
Một trong những điểm mới của dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) là bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian gần đây, tình hình tài chính của toàn bộ các cơ quan báo chí, bao gồm cả báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình đều gặp khó khăn lớn. Nguyên nhân chính là sự sụt giảm mạnh mẽ trong nguồn thu từ quảng cáo – một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất của ngành báo chí.
Mặt khác, hiện nay, theo quy định tại Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, trừ báo in, phải chịu mức thuế suất phổ thông là 20%. Mức thuế này đã tạo ra sự chênh lệch giữa các loại hình báo chí, gây khó khăn cho báo điện tử và các loại hình khác trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về nguồn thu.
"Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để nghiên cứu và xây dựng các phương án ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ tất cả các loại hình báo chí, không chỉ báo in. Cụ thể, trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Đối với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% sẽ được giữ nguyên như hiện hành”, ông Tuấn nói.
Ông Trương Bá Tuấn cho biết, đề xuất mức thuế suất ưu đãi 15% đối với các loại hình báo chí khác ngoài báo in đã được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm sự tương quan với các ngành nghề khác. Mức thuế này được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh hiện tại, vừa đảm bảo tính công bằng giữa các ngành, vừa giúp các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn tài chính.
Với đề xuất điều chỉnh trên, Bộ Tài chính mong muốn tạo sự bình đẳng hơn trong chính sách thuế đối với tất cả các loại hình báo chí, đồng thời khuyến khích sự phát triển của báo chí trong thời đại số hóa và chuyển đổi số. Đối với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% vẫn sẽ được duy trì, trong khi các loại hình báo chí khác sẽ được hưởng mức thuế 15%.
Về vấn đề nêu trên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện các cơ quan báo in đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, còn cơ quan báo điện tử thì không được ưu đãi nên rất khó khăn. Theo ông Vinh, các cơ quan báo chí dù là báo in, báo điện tử hay truyền hình, phát thanh đều là Báo chí Cách mạng, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan nhà nước. Hiện tại, thu nhập của các cơ quan báo chí chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo; tuy nhiên, miếng bánh quảng cáo cũng đang bị thu hẹp, khiến cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn.
"Chúng tôi đề nghị một mức ưu đãi thuế thu nhập chung cho báo in, báo điện tử và các loại hình báo chí khác như đang áp dụng cho báo in hiện nay”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh kiến nghị.
Mong muốn các cơ quan báo chí được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 0%
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Báo chí Cách mạng có vai trò rất quan trọng đó là thực hiện tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến Nhân dân. Do đó, cần phải có nhiều chính sách ưu đãi đối với các cơ quan báo chí.
"Tôi không nghĩ mức thuế là 10% hay 15% mà là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí. Nếu các cơ quan báo chí có lợi nhuận trong hoạt động thì rất tốt. Lúc đó, họ có nguồn để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, nâng cao đời sống cho người làm báo; từ đó phục vụ tốt hơn cho việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến Nhân dân. Điều đó rất quan trọng”, ông Ngân nói.
Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, đầu tư từ ngân sách đối với các cơ quan báo chí không có nhiều, trong khi đó, nguồn thu từ quảng cáo cũng sụt giảm do ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan như sự lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội, các doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu - giảm chi quảng cáo đối với cơ quan báo chí do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hay gần đây là bão lũ… Việc thu không nhiều dẫn đến vấn đề chia sẻ, đầu tư trở lại cũng không đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền trong thời đại ngày nay.
"Tại Kỳ họp lần này, tôi sẽ phát biểu vấn đề này trước Quốc hội, không phải là giảm mà là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để tăng thêm nguồn lực cho các cơ quan thông tin tuyên truyền để từ đó vừa phục vụ tốt công tác truyền thông chính sách, vừa đấu tranh phản bác với luận điệu sai trái của các thế lực thù địch”, ông Trần Hoàng Ngân cho biết.
Đại biểu đoàn TP.HCM một lần nữa nhấn mạnh, hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân đặc biệt quan trọng. Khi thông tin đến với người dân một cách đầy đủ, chính xác thì tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, tạo sự đoàn kết, thống nhất và từ đó công tác tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi.
"Một trong những cái khó hiện nay là công tác tổ chức triển khai thực hiện. Mà muốn tổ chức triển khai thực hiện được thông suốt, thuận lợi thì người dân phải hiểu, phải được chia sẻ thông tin. Nhưng để người dân hiểu, được chia sẻ thì phải có một công cụ hữu hiệu, tốt nhất - đó chính là lực lượng báo chí. Trong đó, phóng viên báo chí cũng cần có nhiều điều kiện để tham gia tuyên truyền, phản ánh tình hình thực tế”, ông Trần Hoàng Ngân nói.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ quan điểm, cho rằng, việc áp thuế đối với các doanh nghiệp là chủ trương nhất quán, thống nhất và là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Tuy nhiên, mức thu thuế bao nhiêu thì phải tính toán đến hoạt động đặc thù của các loại doanh nghiệp. Trong đó, đối với các cơ quan báo chí không hoạt động đơn thuần như doanh nghiệp mà làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và cũng là định hướng dư luận để củng cố lòng tin trong nhân dân, đấu tranh với tiêu cực trong xã hội, phản bác những luận diệu sai trái của các thế lực thù địch.
Do đó, việc nghiên cứu để có một mức thuế phù hợp đối với các cơ quan báo chí là hết sức cần thiết, bởi báo chí hoạt động đa mục đích, không phải chỉ là kinh doanh.
"Báo chí thực hiện tuyên truyền theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và tạo sức mạnh tinh thần, thống nhất, đồng thuận trong nhân dân. Chúng tôi nghĩ rằng việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí như với các doanh nghiệp đơn thuần là chưa phù hợp. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần phải nghiên cứu, điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Việc điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn đối với cơ quan báo chí sẽ giúp họ tăng doanh thu, từ đó giúp cơ quan báo chí có thêm nguồn lực để phát triển, phục vụ mục đích chính là truyền thông chính sách”, ông Trương Xuân Cừ nói.
Cũng theo đại biểu Trương Xuân Cừ, về việc áp dụng thuế ở 2 mức khác nhau đối với cơ quan báo in – cơ quan báo điện tử là phù hợp bởi các cơ quan báo in hiện nay khó khăn hơn rất nhiều các cơ quan báo điện tử khi loại hình này có ưu thế hơn. Trong đó, báo in cần được hưởng chính sách thuế thấp hơn là báo điện tử. "Hai loại hình báo chí có mức cao hơn, thấp hơn thì phù hợp hơn với thu nhập, doanh số, tính chất của một cơ quan đơn vị. Và 2 loại hình này hoà chung vào nguồn thu của cơ quan báo chí để cân đối với tất cả các hoạt động của cơ quan báo chí và đời sống của phóng viên”, ông Cừ nói.
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.