Người làm báo với vai trò làm 'điểm kết nối' lịch sử báo chí xưa - nay

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/4/2025 | 2:50:23 PM

Trong suốt hành trình xây dựng và phát triển của mình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua nhiều năm để sưu tầm hiện vật, tư liệu. Trong quá trình đó, đã có rất nhiều nhà báo, phóng viên ở trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, trực tiếp trao tặng, kết nối giúp Bảo tàng có thêm nhiều tư liệu, hiện vật quý mang đến công chúng.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngày càng thu hút các bạn trẻ. Ảnh: VPM
Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngày càng thu hút các bạn trẻ. Ảnh: VPM

Để những giá trị của người làm báo xưa không bị quên lãng

Từ khi được thành lập đến nay, để có được hàng chục nghìn tài liệu, hiện vật vô giá, các cán bộ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hành trình gian nan, nhiều khi là những cuộc chạy đua với thời gian. Hơn ai hết, mỗi cán bộ Bảo tàng đều thấm thía rằng, gia tài vô giá mà các thế hệ làm báo đi trước để lại đang mai một từng ngày, nếu không kịp thời, chúng ta sẽ không thể tìm lại.

Nhà báo Trần Văn Hiền trao tặng các cuốn sách cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: VPM
Nhà báo Trần Văn Hiền trao tặng các cuốn sách về nhà báo liệt sỹ cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: VPM

Ngày nay, mỗi khi đến với Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhiều du khách sẽ ấn tượng sâu sắc với khu tưởng niệm các nhà báo liệt sĩ, nơi chúng ta trân trọng tri ân và tưởng nhớ những cây bút dũng cảm đã không tiếc máu xương, không ngại hi sinh để dấn thân và cống hiến, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc, làm điểm tựa cho sự phát triển của nền báo chí dân tộc.

Khu tưởng niệm được thiết kế với các vách kính ghép lại với nhau cùng tông màu đỏ chủ đạo, có khắc tên và cơ quan của các nhà báo liệt sĩ từ trước năm 1945 đến nay.

Là người có đóng góp không nhỏ cho hoạt động của Bảo tàng, nhà báo Trần Văn Hiền - nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An đã miệt mài dành gần 20 năm tìm danh tính hơn 500 đồng nghiệp là liệt sĩ. Ông là phóng viên chiến trường từ năm 1969 đến 1972 ở Quảng Trị và Lào. Ông đã xuất bản 2 quyển sách "Khoảnh khắc và mãi mãi” và "Dáng đứng dưới tầm bom” viết về các nhà báo liệt sỹ.

Ông Hiền luôn trăn trở khi thời gian càng lùi xa, việc kiếm tìm thông tin để viết về các nhà báo liệt sĩ sẽ càng gặp nhiều khó khăn. Và sau thời gian dài, ông đã sưu tầm danh sách các nhà báo liệt sỹ trên cả nước, đến năm 2019, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thẩm định và đưa vào tôn vinh danh sách 511 nhà báo tại bảo tàng.

Nhà báo Trần Văn Hiền kể: "Những day dứt, đau đáu về họ thôi thúc tôi phải viết về những nhà báo- liệt sĩ đã tận hiến, dành cả cuộc đời cho Tổ quốc. Sự hy sinh của những anh hùng nhà báo vì bom đạn tại mặt trận và cả việc đi theo các đơn vị bộ đội chiến đấu, khi hy sinh không được ai đưa vào danh sách”.

"Làm báo trong chiến tranh càng khốc liệt, sự sống và cái chết hết sức mong manh. Những hình ảnh, thước phim trong mưa bom bão đạn họ phải đổi bằng tính mạng của mình. Họ không những cầm máy tác nghiệp mà còn cầm súng để chiến đấu với kẻ thù”, nhà báo Văn Hiền tâm sự thêm.

Giờ đây với khu vực "Tưởng niệm các nhà báo đã hy sinh vì Tổ quốc và Nhân dân, Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam” được xây dựng trong Bảo tàng Báo chí như một lời tri ân những người làm báo đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Bảo tàng Báo chí Việt Nam và sự kết nối của nhà báo Trần Văn Hiền đã tạo nên sự kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng người làm báo xưa và nay.

23.jpg
Các đại biểu, khách mời và các nhà báo, phóng viên trang trọng dâng hoa tưởng niệm 512 nhà báo liệt sĩ ghi danh tại khu tưởng niệm trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: VPM

Giống như nhà báo Trần Văn Hiền, ở mỗi góc trưng bày, mỗi tư liệu hiện vật được sưu tập… để có được điều đó, đã có không ít sự giúp sức hỗ trợ từ nhiều hội viên, nhà báo trong cả nước. Đến với mỗi địa phương, mỗi cấp hội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam lại sưu tập được nhiều tư liệu hiện vật quý, mỗi hiện vật tư liệu tự nói lên những câu chuyện của riêng nó và để mỗi hiện vật tư liệu không bao giờ bị rơi vào quên lãng.

Kết nối đưa tư liệu hiện vật từ trời Âu về Việt Nam

Không chỉ nhận được kết nối tích cực từ các nhà báo trong nước, trong quá trình đi sưu tập Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ hỗ trợ từ các nhà báo thường trú ở nước ngoài.

Trong lần tìm nhân vật để phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve cách đây gần 1 năm, nhà báo Nguyễn Thu Hà, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Pháp biết tới ông Jean Marie Jacquemin, ở Massy (ngoại ô Thủ Đô Paris), ông có sở thích tập các tờ báo cũ, các tài liệu hiện vật có giá trị liên quan đến Việt Nam.

Với sự kết nối của nhà báo Nguyễn Thu Hà, ông Jean Marie Jacquemin đã tặng quà cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam cuốn sách mang tựa đề "1968-1973 Verrières-le-Buisson: Bến bình yên", cùng một số tài liệu sách, báo có giá trị liên quan đến Việt Nam.

Bước sang năm 2025, gia đình ông Jean Marie Jacquemin tiếp tục sang Việt Nam và đến Bảo tàng Báo chí Việt Nam trao tặng nhiều tài liệu, hiện vật quý khác, như bộ sưu tập tem về các tờ báo và tạp chí trên thế giới, bộ sưu tập nhiều bài báo về Việt Nam trên báo Pháp…Những tài liệu này không chỉ có ý nghĩa đối với báo chí mà còn là những chứng cứ lịch sử quan trọng phản ánh tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của thế giới dành cho Người.

Nhà báo Nguyễn Thu Hà cho biết: Khi biết đến bộ sưu tập của ông Jean-Marie Jacquemin, ngay từ đầu tôi nghĩ đây sẽ là những tư liệu quý cho các cơ quan chức năng ở Việt Nam có thể sưu tập và đưa đến công chúng. Bản thân ông Jean-Marie Jacquemin cũng có nguyện vọng trao tặng vì ông sợ khi ông mất đi thì bộ sưu tập này sẽ bị lãng quên, không phát huy được những giá trị.

026.jpg
Nhà báo Nguyễn Thu Hà, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Pháp (giữa) người kết nối đưa nhiều hiện vật, tư liệu từ Pháp về Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Nguyễn Thu Hà tâm sự: "Tôi nghĩ người làm báo, ngoài việc viết tin bài, sản xuất các tác phẩm báo chí thì còn có trách nhiệm kết nối với cộng đồng quốc tế yêu báo chí và yêu Việt Nam, từ đó để tìm hiểu thêm về sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế với Việt Nam trong hai cuộc chiến. Việc kết nối thành công cũng là niềm tự hào của người làm báo, để những tư liệu hiện vật đó tiếp tục phát huy, cho thế hệ trẻ ngày nay hiểu hơn và yêu hơn về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đầy tự hào trong 100 năm qua” ,

Chia sẻ về việc nhiều nhà báo trong nước và quốc tế tham gia sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng, nhà báo Thân Quang Minh – Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam bày tỏ: Trong quá trình triển khai công tác chuyên môn, chúng tôi luôn xác định người làm báo không chỉ là nhân chứng lịch sử, mà còn là ‘người gìn giữ’ lịch sử báo chí. Nhiều nhà báo, bằng sự trân quý ký ức nghề nghiệp, đã trở thành cầu nối quý giá đưa những hiện vật, tư liệu tưởng chừng đã thất lạc về lại với công chúng thông qua Bảo tàng. Chính họ - các nhà báo đang lặng lẽ góp phần viết tiếp lịch sử báo chí bằng một hình thức khác. Đó là sự kết nối, sẻ chia và bảo tồn di sản nghề.

Thực tế cho thấy, mỗi tư liệu, hiện vật mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam thu nhận được không chỉ mang giá trị trưng bày, mà còn ẩn chứa những câu chuyện mang chiều sâu văn hóa và nhân văn. Có những hiện vật đến với Bảo tàng Báo chí Việt Nam qua hành trình kết nối đầy cảm xúc của các nhà báo kỳ cựu, có những hiện vật tưởng đã nằm yên trong các kho lưu trữ gia đình. Có hiện vật trong thời gian dài rơi vào quên lãng thì nay lại hồi sinh trong không gian trưng bày nhờ những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ và cả sự tâm huyết không ngừng nghỉ của đội ngũ làm báo.

"Nhiều nhà báo, họ không chỉ cung cấp hiện vật mà còn gợi mở những câu chuyện, giúp chúng tôi thẩm định giá trị, nguồn gốc, bối cảnh của hiện vật đó. Họ không chỉ là người ‘đưa tin’, mà còn là người ‘giữ hồn’ cho lịch sử báo chí cách mạng. Trong thời đại công nghệ và truyền thông số phát triển như hiện nay, việc bảo tồn ký ức báo chí truyền thống lại càng cần sự chung tay góp sức của người làm báo và công chúng yêu báo chí. Chúng tôi mong muốn lan tỏa tinh thần "kết nối ký ức” không chỉ trong giới báo chí, mà còn tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ để những giá trị vĩnh cửu của người làm báo xưa luôn được gìn giữ và phát huy” nhà báo Thân Quang Minh tâm sự.

Theo Báo NB&CL

Các tin khác
Các

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng thể hiện khả năng sáng tạo nội dung, câu hỏi về vai trò và tương lai của nhà báo đã trở thành tâm điểm của buổi tọa đàm "Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?"

Báo chí cần 'lắng nghe' độc giả để tạo ra nội dung giá trị và bền vững.

Giữa 'biển' thông tin ngập tràn, một nghịch lý đang diễn ra: nhiều cơ quan báo chí sản xuất ồ ạt nội dung, nhưng lại đi chệch hướng nhu cầu thực sự của độc giả, khiến thông tin trở nên 'bội thực' và thiếu tính cá nhân hóa.

Sáng 15/5/1975, hàng triệu nhân dân Sài Gòn - Gia Định đổ về quảng trường trước trụ sở Ủy ban quân quản thành phố để dự Lễ mừng chiến thắng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, MTTQ Việt Nam tham dự buổi lễ trọng đại này. Ảnh: TTXVN

Sau hơn hai tháng triển khai, Cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung ương Đoàn chỉ đạo tổ chức đã nhận được 966.528 bài dự thi.

Chính sách thị thực linh hoạt là một công cụ quan trọng để tăng sức hấp dẫn của điểm đến, giúp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với các nước trong khu vực. Và giờ đây, sau rất nhiều mong ngóng, du lịch Việt đang đứng trước thời cơ vàng để có thể bứt phá khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân 16 nước từ ngày 1/3/2025 đến 31/12/2025 trong khuôn khổ Chương trình kích cầu phát triển du lịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự