Đột phá tái cơ cấu nông nghiệp - Giảm rủi ro, phát triển bền vững: Bài 1 - Phương châm "Không để tất cả trứng vào một giỏ"

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/11/2024 | 4:02:48 PM

Trong bối cảnh nền nông nghiệp đầy rủi ro, cụm từ “đánh bạc với trời” đã trở thành biểu tượng cho những bất trắc mà người nông dân phải gánh chịu. Khi thời tiết ngày càng khó lường, mùa màng thất thu và thị trường nông sản biến động không ngừng, nhiều địa phương vẫn loay hoay tìm cách đối phó. Nhưng Bắc Giang đã biến thách thức thành cơ hội, tạo nên bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỉnh mạnh mẽ thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và gắn kết nông nghiệp với du lịch, mang lại những lợi ích bền vững cho người dân và doanh nghiệp địa phương.

Ông Lê Bá Thành (thứ hai bên phải) cùng các thành viên Hội đồng chấm điểm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Ông Lê Bá Thành (thứ hai bên phải) cùng các thành viên Hội đồng chấm điểm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Nặng lòng với nông nghiệp, tạo dựng thương hiệu giống cây mới

Trong suốt hành trình phát triển nông nghiệp hơn 20 năm qua của Bắc Giang, cùng với chủ trương, định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền còn có sự đóng góp không nhỏ của những người tâm huyết, nặng lòng với nghề nông để thu được mùa vàng. Một trong số đó là ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Ông Thành chia sẻ, ông cha ta có câu "Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa”, còn người nước ngoài đúc kết "Giống tốt là không đắt”. Với cây ăn quả, sau trồng 3-4 năm mới ra quả mà chất lượng kém thì coi như công cốc. Ngược lại, giống tốt thì cả đời người, thậm chí 2-3 thế hệ sau vẫn được hưởng sản phẩm có giá trị.

Sau khi tốt nghiệp đại học về công tác tại địa phương, kỹ sư Thành nhận thấy Bắc Giang có nhiều cây giống truyền thống như vải thiều, cam, táo, bưởi chất lượng, nhưng để phát triển làm giống hàng hóa còn nhiều hạn chế. Điều này khiến ông canh cánh trong lòng phải làm sao để cải thiện chất lượng giống cây ăn quả. Nhận thấy sự tận tâm của người cán bộ trẻ, cấp trên giao cho ông nhiệm vụ chọn lọc và nhân rộng các giống cây tốt.

Tiếp đó là triển khai các mô hình canh tác trên đất dốc như: Trồng dứa chế biến, trồng măng Bát Độ. Ở mô hình nào, ông Thành cũng quan tâm đưa giống chất lượng cho nông dân. Đến nay, nhiều người dân xã An Lập (nay là xã Vĩnh An, Sơn Động) vẫn không quên hình ảnh người cán bộ trẻ cần mẫn, không quản khó khăn cùng bà con gánh từng gốc tre lên đồi, bãi trồng măng Bát Độ những ngày đầu. Giờ đây cuộc sống người dân nơi này đã khá giả, những cây tre ấy vẫn xanh tốt, ngày càng sinh sôi, sinh lời.

Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông Thành là năm 2002 được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Giống cây ăn quả-cây lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT. Nhận nhiệm vụ mới, ông sắp xếp nhân lực, tổ chức lại sản xuất trong đơn vị để giảm giá thành cây giống, tăng năng lực cạnh tranh. Từ đây, ông có điều kiện làm việc với các cơ sở khoa học nghiên cứu về giống. "May mắn của tôi là gặp được một chuyên gia giới thiệu, hỗ trợ tiếp cận 5 giống cây ăn quả mới gồm: Nho tím, táo, tỳ bà, thanh long ruột đỏ, dâu tây. Các giống này đều được Trung tâm ươm thử song phù hợp nhất với đồng đất Bắc Giang là táo và thanh long ruột đỏ”- ông Thành nói.

Cây táo được trồng tại Trung tâm vào khoảng tháng 5/2003, đến cuối năm mỗi gốc cho 5-10 kg quả. Loại táo này thật đặc biệt, khi chín quả to, giòn, ngọt. Còn thanh long ruột đỏ cho quả tai ngắn, màu đỏ sậm, vị ngọt đậm đặc trưng. Khi táo, thanh long thử nghiệm thành công, lãnh đạo huyện Lục Ngạn đến thăm, phổ biến, khuyến cáo mở rộng diện tích. Từ đó, nhiều người dân Lục Ngạn mang sọt mua giống táo, thanh long của Trung tâm về trồng.

Giống táo được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống cây trồng mới và bổ sung vào cơ cấu giống cây ăn quả cho các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc với tên gọi ĐL-BG1. Người trồng giống táo ĐL-BG1 đầu tiên ở Lục Ngạn là ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn. Ông Hành chia sẻ: "Ban đầu tôi trồng vài chục cây, sau đó tăng dần, đến nay là gần 2 mẫu táo. Mỗi năm, gia đình tôi thu về hàng trăm triệu đồng, năm ngoái hái được 10 tấn quả. Táo đầu vụ luôn có giá cao, từ 40-50 nghìn đồng/kg, nhiều thời điểm khan hiếm hàng. Từ mô hình táo của nhà tôi, bà con trong vùng đã trồng theo”.

Đến nay, sau hơn 20 năm, giống táo, thanh long nhân giống từ cây ban đầu vẫn phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho người dân. Hiện toàn tỉnh có khoảng 2 nghìn ha táo, thanh long ruột đỏ doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Lục Ngạn - Vùng đất của sự đa dạng và sáng tạo

Nhờ táo, thanh long ruột đỏ được mở rộng diện tích đã từng bước giúp Lục Ngạn phá thế độc canh cây vải thiều. Còn nhớ, sau khi phát triển vải ồ ạt thì năm 2005, giá vải giảm do sản lượng lớn, thị trường không tương xứng, tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã giảm hỗ trợ trồng vải thiều. Đến năm 2008, Bắc Giang đẩy mạnh tái cơ cấu cây ăn quả, giảm vải, tăng diện tích một số cây như cam, bưởi, táo, thanh long.

Người trồng táo xã Phì Điền (Lục Ngạn) thu hoạch táo ĐL-BG1. Ảnh: Thế Đại.

Khi được điều động làm Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, trở thành lãnh đạo một huyện trọng điểm nông nghiệp của tỉnh, ông Lê Bá Thành càng có "đất dụng võ”, cùng với lãnh đạo huyện chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó cơ cấu vải thiều, cơ cấu bộ giống vải chín sớm và vải chính vụ, bổ sung các giống cây trồng khác đã giúp Lục Ngạn hình thành vùng có "tập đoàn” cây ăn quả giá trị kinh tế cao.

Theo ông Thành, hầu hết người dân Lục Ngạn đều giỏi làm vườn, năng động, sáng tạo, bắt nhịp nhanh với thị trường. Ông nói vui, có lẽ, ông là người làm "mất” nhiều đất lúa nhất của huyện. Khi làm lãnh đạo huyện, ông nhận thấy, đồng đất, khí hậu của Lục Ngạn được thiên nhiên ưu đãi cho phát triển nhiều giống cây ăn quả nên tham mưu, cùng tập thể bàn bạc kế sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang một số cây ăn quả. Huyện ủy, UBND huyện đã có các đề án, kế hoạch về phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Đề án xây dựng huyện Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021- 2025... Khi có đề án, chương trình, kế hoạch, huyện cho xây dựng các mô hình thử nghiệm. Sau khi đạt hiệu quả thì triển khai trên diện rộng, hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật chăm sóc, xúc tiến thương mại, đầu tư hạ tầng sản xuất...

Đồng chí Cao Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn đánh giá, do xác định đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và chỉ đạo sát sao trong quá trình thực hiện nên kinh tế của Lục Ngạn ngày càng phát triển. Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng là "thủ phủ” vải thiều mà còn được biết đến là địa phương đa dạng các sản phẩm cây ăn quả.

Những ngày cuối tháng 10/2024, các vườn cam, bưởi ở Lục Ngạn bắt đầu cho thu hoạch. Dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi bão số 3 (Yagi) song nhiều vườn vẫn trĩu quả, dập dìu du khách bốn phương đến tham quan và mua sản phẩm.

Giải bài toán mùa vụ và sản phẩm chủ lực

Vùng nông sản đặc trưng Lục Ngạn là tiêu biểu của Bắc Giang về cơ cấu cây trồng. Với phương châm tránh một giống, một thời vụ, nguy cơ rủi ro lớn, do vậy riêng vải thiều cũng được cơ cấu các trà giống khác nhau. Hộ ông Vũ Duy Tuấn, thôn Tân Thành, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) trồng vải thiều từ năm 1992.

Thanh long ruột đỏ sinh sôi trên đồng đất xã Bình Sơn (Lục Nam).

Ngay từ năm 2000, ông Tuấn xác định, nếu để cả vườn cùng giống, vải chín đồng loạt sẽ tăng áp lực ở khâu thu hoạch và tiêu thụ nên đã mạnh dạn ghép thử vải sớm trên gốc vải chính vụ. Như vậy, trong vườn sẽ có hai trà vải được thu vào các thời điểm khác nhau. Hàng chục năm qua, chưa năm nào gia đình ông Tuấn mất mùa. Năm 2024, trong khi nhiều hộ lân cận mất trắng vải chính vụ thì nhà ông vẫn thu được hơn 5 tấn vải sớm, giá bán bình quân hơn 40 nghìn đồng/kg, cao hơn 20 nghìn đồng/kg so với năm 2023.

Chủ động cơ cấu các trà vải nên dù mất mùa vải chính, Bắc Giang vẫn được mùa vải sớm; sản lượng giảm nhưng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ vẫn đạt hơn 5.760 tỷ đồng (năm 2023 đạt hơn 6.870 tỷ đồng). Trong đó doanh thu từ tiêu thụ vải thiều ước đạt hơn 4.800 tỷ đồng, giá bình quân hơn 56 nghìn đồng/kg, cao gấp 2,4 lần so với năm 2023. Điều này khẳng định phương châm "không để tất cả trứng vào một giỏ” là hướng đi đúng đắn trong phát triển nông nghiệp.

Từ kinh nghiệm tại Lục Ngạn, trên bình diện toàn tỉnh, mỗi nơi ở Bắc Giang đã hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa đặc trưng với cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực theo thế mạnh từng vùng. Ở huyện Tân Yên có sâm Nam núi Dành, vải thiều sớm, măng lục trúc, vú sữa…; Lạng Giang có dứa, nấm; Lục Nam na dai, củ đậu; Yên Thế có gà đồi, dê... Các sản phẩm chủ lực của các địa phương mang lại thu nhập ngày càng cao cho người sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện phương châm "không để tất cả trứng vào một giỏ" đã giúp Bắc Giang đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững. Bằng cách tái cơ cấu cây trồng và mùa vụ, tỉnh không chỉ vượt qua những biến động thời tiết và thị trường mà còn xây dựng được các mô hình nông nghiệp sáng tạo, gia tăng giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân.

Sự nỗ lực không ngừng của các cá nhân và địa phương trong phát triển giống cây trồng mới đã mang lại nhiều thành công, đặc biệt là tạo dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên biệt, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đồng thời, việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong canh tác không chỉ nâng tầm sản phẩm mà còn góp phần giữ gìn tài nguyên đất và nước. Về mặt xã hội, các chính sách hỗ trợ đúng đắn đã giúp cải thiện đời sống người dân, phát triển các vùng nông thôn trở thành những điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn.

Theo Báo BGĐT

Các tin khác
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đại diện một số công ty du lịch của Việt Nam tham dự chương trình. Ảnh: Hoàng Dương

Ngày 27/11, Chương trình giao lưu Hiệp hội hợp tác các thành phố du lịch Mekong-Lan Thương đã diễn ra tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc nhằm tìm kiếm, mở rộng cơ hội hợp tác mới, thúc đẩy phát triển du lịch. Tham dự có nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đại diện một số công ty du lịch của Việt Nam...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Những ngày gần đây, có thông tin đồn thổi về việc nhiều tỉnh, thành phố tiến hành sắp xếp, sáp nhập, đổi tên. Liên quan đến vấn đề này, chiều 27/11, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định các thông tin, hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội là không đúng. Hiện chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố ngay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington tổ chức.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Trịnh Văn Quyết trao giải Nhất cho các tác giả. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tối 25/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự