Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam 6/12 (1989-2024): Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/12/2024 | 3:25:49 PM
Chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, ông Nguyễn Đình Mến (SN 1966) ở bản Quỳnh Lâu, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế (Bắc Giang) lên đường nhập ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ trở về, ông mở doanh nghiệp chế biến gỗ tại quê nhà, giải quyết việc làm cho 70 lao động trong đó có nhiều cựu chiến binh (CCB) và con em của đồng đội.
CCB Nguyễn Đình Mến động viên công nhân làm việc.
|
"Gương mẫu xung kích, thể hiện rõ bản lĩnh người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế”- đó là nhận xét của nhiều CCB về ông Nguyễn Đình Mến. Ông Mến kể, năm 1985, khi tham gia quân ngũ, đơn vị ông đóng quân ở gần khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). 4 năm ở đây, ông và đồng đội thường xuyên chịu cảnh lương thực, thực phẩm thiếu thốn, cái rét thấu xương, buốt thịt nơi biên giới cộng với đạn quân địch thỉnh thoảng bắn sang. Chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, bị thương do mìn nổ khiến ông Mến nhận thấy sự lành lặn của mình là điều may mắn. Vì vậy ông đã đặt quyết tâm nếu được trở về phải làm gì đó có ích cho quê hương, tri ân những người đồng đội.
Năm 1988 rời quân ngũ trở về địa phương, ông tiếp tục công việc nhà nông của gia đình. Quê ông lúc đó rất nghèo, bà con thường xuyên phải vào rừng kiếm củi bán, gia đình ông cũng không ngoại lệ. Ông nhận thấy ở quê hương đất trống còn nhiều, đồi rừng chủ yếu là cây sim, cây mua, cỏ giàng giàng mọc kín nên thích hợp phát triển kinh tế đồi rừng. Do đó, ông cùng gia đình mạnh dạn nhận giao khoán thêm đất rừng để phát triển kinh tế.
Những năm 2000, khi cây vải thiều lên ngôi, nhiều "đại gia” ở Hà Nội về huyện Yên Thế đầu tư mua đồi để làm trang trại, trồng vải thiều. Thế nhưng sau nhiều năm hiệu quả không cao nên họ ồ ạt bán. Lúc này ông Mến bàn với gia đình vay mượn tiền để mua lại những trang trại, những diện tích đồi rừng được khoảng 40 ha. Từ đó gia đình ông bắt tay vào đầu tư trồng rừng, mỗi chu kỳ khai thác cây, sản phẩm chủ yếu bán cho các công ty khai thác than làm trụ mỏ. Năm 2010, trong một lần đi Hà Nội, ông Mến nhận thấy nhiều xưởng làm gỗ dán. Cũng sản phẩm cây rừng khai thác như vậy khi chế biến thành gỗ dán cho hiệu quả cao hơn rất nhiều so với bán thô làm gỗ trụ mỏ như gia đình ông vẫn đang làm. Vì vậy ông đã suy nghĩ phải chuyển hướng làm ăn, đầu tư máy móc để sản xuất ván ép.
Năm 2018, khi Đài Truyền hình Việt Nam về làm chương trình CCB gương mẫu, lúc đó ông ước mơ thành lập một nhà máy sản xuất ván ép phủ phim. Loại ván này sử dụng phổ biến trong lĩnh vực xây dựng và trang trí; giảm chi phí vận chuyển, không phải qua nhiều khâu trung gian, cho hiệu quả sản xuất lại cao hơn hẳn so với sản xuất gỗ dán đơn thuần. Cách làm cũng không khó, chỉ ghép các lớp gỗ ván bóc lại với nhau bằng keo chịu nước, bề mặt được phủ một lớp màng phim chống thấm nhẵn bóng giúp giảm thiểu trầy xước, bảo đảm độ bền và tuổi thọ cho ván. Vậy là cuối năm đó, ông thành lập Công ty TNHH sản xuất kinh doanh Bảo Minh do ông làm giám đốc chuyên sản xuất ván bóc, ván ép và ván ép phủ phim.
Người lính Cụ Hồ không ngại khó khăn, tinh thần dám nghĩ, dám làm là động lực để ông không ngừng nỗ lực vươn lên. Mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, tiên phong trong phát triển kinh tế, nhiều năm hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia đình ông gặp thuận lợi, ngày càng phát triển. Qua đó giúp đỡ được nhiều hội viên CCB và nhân dân. Giữa tiếng máy chạy rào rào của khu nhà xưởng rộng gần 2.000 m2 đặt tại bản Quỳnh Lâu, 70 công nhân cả nam và nữ tất bật công việc cho những đơn hàng cuối năm. Trong số đó tôi được giới thiệu những phụ nữ ngoài 50 tuổi, những người CCB và cả con em của họ cùng làm việc tại công ty như mong muốn ban đầu của CCB Nguyễn Đình Mến. Đơn cử như ba bố con CCB Mai Văn Nam-chị Mai Thị Thủy-chị Mai Thị Ngọc; cha con CCB Nguyễn Văn Bình-anh Nguyễn Văn Minh; CCB Bùi Văn Hà-chị Bùi Thị Thúy... Trò chuyện với một số công nhân được biết họ làm ở đây đã nhiều năm rồi.
Công việc khoán theo sản phẩm, thu nhập trung bình từ 9-10 triệu đồng/người/tháng; được đóng bảo hiểm và hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước... Nhiều phụ nữ tuổi trung niên trong xã cũng làm việc ở Công ty, thu nhập khá. CCB Nguyễn Đình Mến còn mở rộng, thu mua nhiều nguyên liệu gỗ rừng trồng (cây keo) cho bà con trong xã, trong huyện. Năm 2020, địa phương xây dựng nông thôn mới, ông Mến đóng góp hơn 200 triệu đồng cùng bà con dân bản làm đường bê tông. Dịp Tết, năm nào gia đình ông cũng dành vài chục triệu đồng tặng hội viên CCB hoàn cảnh khó khăn, người nghèo; khai giảng năm học mới, có quà tặng cho học sinh; tích cực ủng hộ các phong trào của địa phương.
Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình, CCB Nguyễn Đình Mến đã và đang phát huy tốt phẩm chất tốt đẹp của người lính Bộ đội Cụ Hồ, tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng quê hương. Ông nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, Chi cục thuế khen thưởng.
Các tin khác
Chiều 25/12, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị công bố và trao các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm lãnh đạo quản lý một số sở. Đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành quyết định công nhận 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong hành trình du lịch tâm linh khi đến vùng đất Yên Dũng, cùng với chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Kem là một địa chỉ văn hóa tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trong vùng. Đó là ngôi chùa cổ kính rất đẹp, nằm ở phía Tây dưới chân núi Phượng Hoàng- Nham Biền của Yên Dũng, một công trình được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ở huyện Yên Dũng. Chùa gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chùa có tên chữ là Sùng Nham tự thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng.
Ngày 23/12 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2024.