Truyền thống nhân hậu, đảm đang, trí tuệ và cống hiến luôn tỏa sáng trong người phụ nữ Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/3/2022 | 9:01:02 PM

Sáng 7/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu. Ảnh: TRẦN HẢI
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu. Ảnh: TRẦN HẢI

Cùng dự, có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng gửi lời tri ân sâu sắc, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, tới toàn thể phụ nữ Việt Nam; gửi tới chị em, các nữ lãnh đạo, quản lý, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc sức khỏe, tươi trẻ, hạnh phúc và thành công!

Thủ tướng nêu rõ, trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc, những tấm gương luôn tỏa sáng về phẩm chất anh hùng cách mạng của nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, chị Út Tịch với câu nói nổi tiếng "còn cái lai quần cũng đánh”… cùng sự hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nữ chiến sĩ cách mạng đã trở thành "huyền thoại sức mạnh Việt Nam”, là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Gác lại công việc phía sau, khi về đến nhà, mỗi chị em còn là người mẹ, người vợ, người con chu toàn việc gia đình, giữ lửa yêu thương và ấm áp trong mỗi nếp nhà.

Truyền thống nhân hậu, đảm đang, trí tuệ và cống hiến luôn tỏa sáng trong người phụ nữ Việt Nam -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu. Ảnh: TRẦN HẢI

Tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ kính yêu tặng cho phụ nữ Việt Nam chính là sự đúc kết sâu sắc tinh thần yêu nước nồng nàn, trí thông minh, sáng tạo, lòng nhân ái và đức hy sinh cao cả của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống tốt đẹp đó là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng phụ nữ quốc tế, là mạch nguồn tiếp nối các thế hệ.

Ngày nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí lao động, công tác nào, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy cao độ giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp, đoàn kết, thông minh, năng động, sáng tạo, nhân ái, "giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, qua các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động thực tiễn đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương phụ nữ xuất sắc, tiêu biểu trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội:

Đó là những nữ chính trị gia, nữ quản lý, lãnh đạo các cấp, các ngành luôn tận tâm, tận lực, năng động, sáng tạo, cống hiến, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

Đó là hàng nghìn nữ trí thức đam mê, tâm huyết nghiên cứu khoa học và sáng tạo trên các lĩnh vực công tác, nhiều chị đã đạt giải thưởng quốc gia và quốc tế; đó là hàng trăm nữ văn nghệ sĩ, bác sĩ, giáo viên tiêu biểu được nhận danh hiệu cao quý "Nghệ sĩ Nhân dân”, "Thầy thuốc Nhân dân”, "Nhà giáo Nhân dân”, được nhân dân và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, ghi nhận và đánh giá cao. 

DSC_0127-1646627304990.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Ảnh: TRẦN HẢI

Đó là hàng chục nghìn nữ công chức, viên chức, nhà báo, luật sư… luôn sáng tạo, trí tuệ, tận tụy với nghề; là hàng triệu chị em công nhân, nông dân miệt mài, không quản nắng mưa vì năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Đó là những tấm gương phụ nữ năng động, nhạy bén, sắc sảo, thành công trong kinh doanh, vươn tầm khu vực và quốc tế. Đó là các nữ vận động viên tiêu biểu làm nên màu cờ, sắc áo, thể hiện tài năng, trí tuệ, phẩm chất, ý chí và bản lĩnh như Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam lập thành tích xuất sắc, giành vé chính thức để lần đầu tiên tham dự Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023.

Đó còn là những nữ đại sứ, cán bộ nữ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, những người đã tận tụy, hết lòng với công việc, trở thành các "sứ giả" của tình hữu nghị, gần gũi, gắn bó với người dân bản địa, nước sở tại; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Đặc biệt, chúng ta tri ân các nữ bác sĩ, nhân viên y tế và các chị em trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong suốt hơn 2 năm qua đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, gác lại niềm vui riêng, vì nhiệm vụ chung, hy sinh thầm lặng để đem đến sự sống, sức khỏe và an toàn cho nhân dân; cùng nhiều chị em phụ nữ trên các phương diện, lĩnh vực lao động, học tập, công tác khác, những người bà, người mẹ, người chị, người em, người con với vai trò không thể thiếu trong xây dựng gia đình-tế bào của xã hội no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

DSC_0195-1646627304881.jpg
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến chính sách đối với công tác nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, như Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 16/5/1994, của Ban Bí thư, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007, của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, ngày 19/5/2018… Từ các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã xây dựng, ban hành hệ thống tương đối đầy đủ các cơ chế, chính sách, từ Hiến pháp, pháp luật cho đến các văn bản dưới luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. 

Nhà nước đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW); từng bước luật hóa trong các văn bản pháp luật và các chính sách có liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. 

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và chất lượng. Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ tư ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính. Chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 65/162 quốc gia và vùng lãnh thổ; xếp 87/156 về chỉ số thu hẹp khoảng cách giới.

Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Có 20 tập thể và 49 nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực đã được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia trong 35 năm qua, hàng nghìn nữ trí thức có nhiều thành công trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học, mang lại giá trị kinh tế cao và tính nhân văn sâu sắc. 

Sự có mặt của đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý chủ chốt Trung ương và địa phương cùng các đại biểu nữ trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu tại cuộc gặp này tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng, đồng thời là sự ghi nhận, trân trọng, tôn vinh những nỗ lực cố gắng, phấn đấu và tiến bộ không ngừng nghỉ của chị em trong phong trào phụ nữ và vì sự tiến bộ của phụ nữ cùng những đóng góp to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp Đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trong thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong triển khai các chính sách đối với phụ nữ và công tác cán bộ nữ.

Tuy vậy, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho nhân dân ta, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước. Chúng ta còn băn khoăn, trăn trở bởi trong thực tế còn nhiều mảnh đời phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đời sống còn nghèo nàn, còn lạc hậu, mù chữ. Vẫn còn nhiều chị em phụ nữ bị bạo hành, bị xâm hại, phân biệt đối xử… gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.

Đặc biệt, chúng ta không khỏi đau lòng khi dịch Covid-19 vừa qua đã để lại hàng nghìn cháu bé mồ côi, nhiều trẻ em không được đến trường học, nhiều phụ nữ khó khăn về việc làm, về nhà ở, về cuộc sống khi phải đối mặt với dịch Covid-19… 

Mặt khác, chúng ta suy nghĩ và hành động như thế nào để giúp đỡ nhiều chị em vượt qua những rào cản về văn hóa, định kiến về giới, có điều kiện, cơ hội vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.

Trước mắt, cùng tập trung thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” tạo nền tảng quan trọng phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn Dân tộc, trong đó có vai trò quan trọng, không thể tách rời của chị em phụ nữ, nhất là đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp và nữ trí thức, văn nghệ sĩ.

Buổi gặp mặt này trước thềm Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Chúng ta tin tưởng rằng, Đại hội sẽ thành công rất tốt đẹp, tạo thêm động lực, khí thế mới để phong trào phụ nữ nước ta sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn nữa; hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Với mong muốn tập hợp, phát huy tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững; đồng thời khắc phục dần những bất cập liên quan công tác nữ và bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, thực hiện chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII: "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới bình đẳng tham gia đóng góp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững của đất nước, cũng như thụ hưởng thành quả của phát triển.

DSC_0300-1646627304771.jpg

Trước hết, ngay sau buổi gặp mặt này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; đồng thời, rà soát toàn bộ chính sách đối với phụ nữ, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền về các chính sách bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho nữ công nhân trong khu công nghiệp, nhất là chính sách về nhà ở, nhà trẻ, trường học để chị em phụ nữ yên tâm lao động sản xuất; các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tài chính và các địa phương phối hợp Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đối với nữ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa; chính sách đối với vận động viên nữ, các nữ văn nghệ sĩ …

Hai là, chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Vì vậy, cần xác định đây là trách nhiệm và nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách (Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ). 

Thủ tướng giao Bộ trưởng Nội vụ khẩn trương xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ chính quyền địa phương và bộ, ngành Trung ương giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai thực hiện (bắt đầu trong năm 2022).

Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong giai đoạn hiện nay. 

Các cấp hội cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung hoạt động; bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, lựa chọn hoạt động thực sự thiết thực, phù hợp điều kiện tổ chức hội và của hội viên, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao trình độ, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động chính trị-xã hội; động viên, tạo môi trường thích hợp, phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức và văn nghệ sĩ để chị em đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. 

Quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng cho phụ nữ kiến thức về nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ thuần phong, mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, nêu cao lòng nhân ái, khoan dung, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là khi gặp khó khăn, hoạn nạn; mạnh dạn lên án những hành vi bạo hành, vô đạo đức trong gia đình, xã hội.

Bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ không chỉ là xu thế của thời đại mà còn phù hợp truyền thống văn hóa Việt Nam.

Thủ tướng tin tưởng rằng, truyền thống nhân hậu, đảm đang, trí tuệ và cống hiến luôn tỏa sáng trong mỗi người phụ nữ Việt Nam; phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ sẽ mãi thắp sáng niềm tin và tình yêu thương, hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình, xã hội, cộng đồng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày càng hùng cường và thịnh vượng.

 
BD- Theo ND ĐT

Các tin khác
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Ngày 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.

Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải từ Bắc đến Nam. Mối quan hệ gắn kết giữa hai quốc gia được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi để xây dựng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ngày 1/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Báo Bắc Giang trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Đồng chí Trần Tuấn Nam định hướng một số nội dung tuyên truyền.

Ngày 27/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội nghị báo cáo viên tháng 11. Đồng chí Trần Tuấn Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự