Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/4/2022 | 10:34:06 AM

Quá trình hình thành và phát triển hợp tác xã (HTX) trên thế giới đã trải qua hơn 200 năm. Theo báo cáo năm 2021 của Liên đoàn HTX quốc tế (ICA), HTX liên tục phát triển ở các nước phát triển và đang phát triển; đến nay có hơn 3 triệu HTX, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số thế giới; chẳng hạn: Cộng hòa Liên bang Đức, hầu hết nông dân là thành viên HTX, sản xuất từ 30% - 90% sản lượng lương thực, thực phẩm, chiếm 35% thị phần tín dụng nông thôn; Hà Lan có 25,5 triệu thành viên HTX, gấp 1,5 lần dân số, đóng góp 18% GDP; Nhật Bản, HTX có 65 triệu thành viên, gần 50% hộ gia đình ở Nhật Bản sử dụng dịch vụ của HTX; Trung Quốc có 30.287 HTX, thu hút hơn 80% hộ nông dân tham gia thành viên; Thái Lan có 6.626 HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp, đóng góp 13% GDP; Hoa Kỳ có 50.000 HTX, chiếm 25% thị phần nông sản chế biến và tiêu thụ,...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh TTXVN)

Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (năm 2003) và Thông điệp gửi phong trào HTX quốc tế, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá "HTX là một trào lưu có tổ chức lớn nhất của xã hội văn minh, đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của con người trong những nỗ lực phát triển kinh tế cân bằng sâu rộng ở các quốc gia nói riêng và thế giới nói chung”, "HTX là đối tác chính trong hệ thống của Liên hợp quốc, HTX là mô hình về tự trợ giúp và đoàn kết, đóng góp của HTX rất đặc biệt và vô giá”.

Thực tiễn phát triển HTX trên thế giới, kể cả hơn hai năm có đại dịch Covid-19 cho thấy một số vấn đề áp dụng vào thực tiễn Việt Nam: Hầu hết hộ nông dân tham gia thành viên HTX; các HTX đều thực hiện đúng bản chất, giá trị và nguyên tắc có tính phổ biến trong hoạt động và quản trị, đó là tự nguyện, tự lực, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng và đoàn kết, mỗi thành viên là một phiếu bầu, quan tâm đến cộng đồng; vai trò của HTX là chủ thể quan trọng đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, tạo việc làm, phát triển kinh tế bao trùm, chuyển đổi kinh tế và lao động phi chính thức sang chính thức, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, xây dựng xã hội học tập; Chính phủ các nước thường xuyên hoàn thiện khung khổ pháp luật và áp dụng chính sách hỗ trợ HTX phát triển, cùng với củng cố Liên minh HTX quốc gia để thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ, chăm lo HTX thành viên.

Ở nước ta, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX...) dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết và hợp tác rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa lý luận phát triển HTX vào nước ta và thường xuyên quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, HTX; trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946, Người viết: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã...

Nói tóm lại, hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều”; ngày 11/4/1964, trong thư gửi Đại hội HTX và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, Người dặn dò "Hợp tác xã phải được củng cố, tức là làm cho xã viên có tinh thần làm chủ, làm cho ban quản trị được vững vàng và có năng lực, phải thực hành dân chủ, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, phải đoàn kết chặt chẽ trong hợp tác xã, làm tốt công tác cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và không ngừng nâng cao trình độ chính trị và văn hóa cho cán bộ và xã viên”.

Kinh tế tập thể, HTX đã hình thành và phát triển gần 70 năm, đóng góp quan trọng sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta: Thời kỳ 1955-1986, HTX phát triển nhanh về số lượng ở cả địa bàn nông thôn và thành thị; thời kỳ 1986-2002, khu vực nông nghiệp, nông thôn thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động và cơ chế quản lý HTX chưa được đổi mới, số lượng và hiệu quả kinh tế HTX giảm thấp do phải củng cố và tổ chức lại phù hợp; thời kỳ 2002-2021, kinh tế tập thể, HTX có bước phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Trải qua các thời kỳ phát triển, bản chất, giá trị và các nguyên tắc hoạt động, vai trò của kinh tế tập thể, HTX phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta và quy định của Hiến pháp "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo... Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài -0Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Hợp tác xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo,
tỉnh Tiền Giang. (Ảnh TTXVN)

Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Theo số liệu thống kê, nước ta hiện nay có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn, trong đó 9 triệu hộ nông dân có diện tích canh tác bình quân ở mức thấp (đồng bằng sông Cửu Long 0,71 ha, đồng bằng sông Hồng 0,22 ha, duyên hải miền trung 0,01 ha, bình quân 2,5 thửa ruộng/hộ), vốn và tài sản còn hạn chế, cho nên hộ nông dân cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, HTX; kể cả hàng triệu hộ cá thể khác ở địa bàn nông thôn và thành thị cũng cần phải liên kết, hợp tác để sản xuất, kinh doanh thì mới có hiệu quả bền vững. Căn cứ đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, thực tiễn phát triển kinh tế tập thể, HTX ở Việt Nam và các nước khác, có thể khẳng định phát triển kinh tế tập thể, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Qua 20 năm (2002-2021) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, chúng ta đạt được kết quả: Kinh tế tập thể, HTX có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài (cuối năm 2021, cả nước có 26.823 HTX, 120.319 tổ hợp tác và 106 liên hiệp HTX, thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham gia, gần 60% HTX hoạt động có hiệu quả); bộ phận lớn HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, giảm chi phí sản xuất và ổn định hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp tăng trưởng kinh tế bền vững, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.

Có nhiều nguyên nhân và kinh nghiệm được rút ra, trong đó nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về bản chất, cơ chế và lợi ích của HTX mang lại cho người dân và nền kinh tế được nâng lên, sự chủ động và tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai Nghị quyết phù hợp với thực tiễn như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Đồng Nai, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Ninh Bình, Sơn La...; các địa phương đều có nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả với vai trò tư vấn và hỗ trợ nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, tác động lan tỏa như HTX Sinh Dược-Ninh Bình, HTX Mỹ Đông-Đồng Tháp, HTX Mỹ Tịnh An-Tiền Giang, HTX Xuyên Việt-Hải Dương, HTX Ái Nghĩa-Quảng Nam...

Tuy vậy, kinh tế tập thể, HTX ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết: Tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường; đóng góp cho phát triển nền kinh tế-xã hội còn hạn chế; đang có một số "điểm nghẽn” trong nhận thức và hiểu biết chưa đúng về cơ chế hoạt động và vai trò của HTX, pháp luật và chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể, năng lực quản trị của HTX còn yếu kém. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ ngành chưa thực sự quan tâm đến kinh tế hợp tác và hợp tác xã.

Phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2045 phải phù hợp với đường lối, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khắc phục các "điểm nghẽn” đang kìm hãm sự phát triển trong bối cảnh và điều kiện mới.

Về quan điểm: Phát triển kinh tế tập thể, HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là thành phần kinh tế quan trọng, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với kinh tế nhà nước giữ vai trò nền tảng trong nền kinh tế-xã hội ở nước ta, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân; tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, HTX trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn nông thôn và thành thị, theo phương châm tích cực và vững chắc, xuất phát từ thực tiễn, tránh duy ý chí, nóng vội, kinh tế tập thể, HTX giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, trong đó có vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.

Về mục tiêu: Kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh, bền vững, là phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh quan trọng, đóng vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, mang lại lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội ngày càng cao cho thành viên, thu hút hầu hết hộ cá thể ở địa bàn nông thôn và thành phần kinh tế khác tham gia kinh tế tập thể HTX.

Về nhiệm vụ và giải pháp, cần phải thực hiện đồng bộ và kịp thời nhưng tập trung vào một số giải pháp có tính đột phá:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về bản chất, cơ chế hoạt động, vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có quy định yêu cầu các cơ sở đào tạo trong nền kinh tế quốc dân và trường bồi dưỡng cán bộ đào tạo kiến thức về kinh tế tập thể, HTX.

Hai là, hoàn thiện thể chế, tập trung sửa đổi các quy định bất cập của Luật HTX, quy định cơ chế hoạt động của HTX là pháp nhân kinh tế tương tự như doanh nghiệp, đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng như đơn giản thủ tục thành lập và hoạt động, giảm bộ máy quản trị, quy định hợp lý tỷ lệ vốn góp và sử dụng dịch vụ nội bộ phù hợp đối với từng loại hình HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp để tăng khả năng tự chủ trong huy động nguồn lực; quy định cơ chế quản trị phù hợp đối với từng loại hình HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh phân tán hay tập trung, quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ cùng với nguyên tắc bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước; đổi mới quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX theo hướng các bộ, ngành tập trung vào việc ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường phát triển cho kinh tế hợp tác và hợp tác xã.

Ba là, Nhà nước ban hành chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX bằng các chính sách cụ thể và bố trí nguồn lực thực hiện để dẫn dắt, huy động các nguồn lực khác, tập trung đào tạo, huy động nhân lực chất lượng cao cho HTX (đào tạo nghề quản trị HTX và tay nghề sản xuất, kinh doanh cho thành viên và người lao động gắn với sản phẩm của HTX, thu hút lao động trẻ được đào tạo chuyên môn, khởi nghiệp theo mô hình HTX); ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu, chính sách thuế (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho HTX trong 3-5 năm, áp dụng phù hợp đối với từng loại hình HTX; không quy định thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần lợi tức được chia từ vốn góp của thành viên HTX để khuyến khích hộ cá thể tham gia HTX), chính sách tín dụng (Ban hành quy định tín dụng nội bộ HTX, cho phép Quỹ tín dụng nhân dân mở rộng cho vay ngoài thành viên, nhất là ở địa bàn nông thôn; bố trí gói tín dụng cho HTX vay đầu tư cơ sở hạ tầng; quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với HTX, thành viên HTX, phù hợp với mặt bằng chi phí sản xuất hiện nay; cấp bổ sung vốn cho các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và địa phương).

Bốn là, thực hiện đổi mới, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam để phát huy có hiệu quả vai trò nòng cốt, trách nhiệm chính trong xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức kinh tế hợp tác với thành viên.

Năm là, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần có chương trình kế hoạch chỉ đạo, lãnh đạo, tạo điều kiện để kinh tế hợp tác, HTX phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững.

Chúng ta tin tưởng rằng Nghị quyết Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương lần này và Luật HTX (bổ sung, sửa đổi) sẽ là những quan điểm, giải pháp tốt và đồng bộ để kinh tế hợp tác và hợp tác xã có điều kiện phát triển nhanh  và bền vững trong thời gian tới.

NGUYỄN XUÂN PHÚCỦy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam



BD- Theo ND ĐT
 
 

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Văn Gấu chủ trì hội nghị.

Ngày 4/12, Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Sáng 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18-NQ/TW), chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Ngày 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.

Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải từ Bắc đến Nam. Mối quan hệ gắn kết giữa hai quốc gia được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi để xây dựng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự