Sơn La phải phát triển xanh, tái cơ cấu nông nghiệp
- Cập nhật: Chủ nhật, 29/5/2022 | 10:02:25 PM
Chiều 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La. Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần tiếp tục phát triển công nghiệp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; làm tốt thương hiệu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)
|
Kinh tế của tỉnh Sơn La tiếp tục duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 2,2%. Điểm sáng của tăng trưởng kinh tế là khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 7,19%, cao hơn 2,29% so kế hoạch đề ra; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 15.789 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn đạt 4.278 tỷ đồng, bằng 121% dự toán Trung ương giao; GRDP bình quân đạt 45,2 triệu đồng/người/năm (tăng 1,1 triệu đồng so năm 2020); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 93,8% so số vốn đã phân bổ chi tiết.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 6,39% (trong đó: khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8%; khu vực dịch vụ tăng 7,96%); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm đạt 1.316 tỷ đồng, bằng 34,8% dự toán Trung ương giao, bằng 28,9% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 1.140 tỷ đồng, bằng 29% so kế hoạch vốn giao…
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn La đạt được thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh có sự mâu thuẫn giữa sự phát triển và hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng ngày càng có khoảng cách, nếu không xử lý thì sự phát triển này không nhanh và bền vững. Việc phát triển chưa đồng bộ, chưa tương xứng tiềm năng sẵn có. Việc huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Những thế mạnh của tỉnh cũng chưa phát huy hết. Khó khăn của vùng đồng bào dân tộc vẫn còn; khó khăn về hạ tầng y tế. Các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, hài lòng của người dân… vẫn còn ở mức sau trung bình của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người chưa cao.
Thủ tướng đề nghị tỉnh phân tích kỹ những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục nhanh, bền vững, không cầu toàn, không nóng vội; bình tĩnh sáng suốt, càng khó khăn, càng phải bình tĩnh, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, có tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm. Huy động sức mạnh của nhân dân, doanh nghiệp để tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển. Các bộ, ngành cần "xắn tay" với các tỉnh phía bắc, tỉnh Sơn La, xem việc này như việc nhà mình thì mới tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc. Mong các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ cùng với Sơn La để tháo gỡ khó khăn, những gì thực tiễn đặt ra, thấy rõ điểm nghẽn thì nỗ lực tháo gỡ.
Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của tỉnh, các Nghị quyết của Trung ương đã ban hành, bám sát thực tiễn, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chương trình hành động thiết thực, hiệu quả, thực chất. Luôn luôn xác định trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tế, không lan man; chọn việc nào làm trước, làm sau, làm việc nào dứt điểm việc đó, không dàn trải; làm những việc có sức lan tỏa lớn, nhất là phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, sân bay. Tỉnh phải tập trung mọi nguồn lực, công sức, lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó sẽ tạo ra nguồn lực phát triển, thí dụ như đường cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu, sân bay Nà Sản, dẫn đến sẽ có những khu công nghiệp, khu đô thị…
Tổng kết từ thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trong điều kiện hiện nay, cái gì không được phải có cách hóa giải. Phải phát huy tinh thần đoàn kết tự lực, tự cường, tự tin, mạnh mẽ vươn lên. Tỉnh cần đi lên từ "bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất” để phát triển, không trông chờ, ỷ lại. Tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm; nâng cao trình độ, năng lực cán bộ; khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, khuyến khích đổi mới sáng tạo; đoàn kết thống nhất trong nội bộ, phát huy tính dân chủ.
Thủ tướng đề nghị Sơn La phải phát triển xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, nhanh và bền vững; tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là cây trồng, vật nuôi. Khai thác tối đa yếu tố con người, gắn với bản sắc văn hóa. Xây dựng và khôi phục các văn hóa truyền thống; tiếp tục sáng tạo trong điều kiện hiện nay mà tỉnh có tiềm năng phát triển lĩnh vực này. Thúc đẩy hơn nữa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đổi mới tư duy, cách làm.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu trước hết tỉnh phải chống dịch Covid-19 tốt; tiêm chủng vaccine đạt mục tiêu theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Y tế phải đôn đốc việc này. Làm tốt công tác quy hoạch; quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải được mâu thuẫn, những khó khăn, thách thức của Sơn La nói chung. Quy hoạch để phát triển nhanh và bền vững trở thành động lực tăng trưởng cho vùng Tây Bắc. Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp vì Sơn La có thế mạnh lĩnh vực này và phải làm tốt hơn. Tiếp tục phát triển công nghiệp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; làm tốt thương hiệu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Tận dụng thế mạnh là thủy điện, điện mặt trời, điện gió, giữ nước, giữ rừng. Phát triển thủy điện bền vững, chống biến đổi khí hậu. Phát triển điện mặt trời dựa trên lợi thế mặt nước các hồ thủy điện có diện tích lớn. Phát triển du lịch đột phá, sớm trở thành đột phá, phát triển các khu du lịch lớn của tỉnh ở Mộc Châu, Vân Hồ… gắn với phát triển văn hóa.
Về đầu tư công, Thủ tướng đề nghị phải nỗ lực hơn nữa vì vẫn còn dàn trải; đẩy nhanh hơn nữa đầu tư công và tập trung cho hạ tầng giao thông, văn hóa, du lịch; huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia. Đầu tư công sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp. Bảo đảm an sinh xã hội nhất là cho khu vực đồng bào dân tộc, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng an ninh, giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống buôn lậu, ma túy, chống các tiêu cực. Làm tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của đảng viên; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với tinh giản bộ máy.
Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Sơn La. Theo đó Thủ tướng đồng ý chuyển đầu tư đường cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu từ hình thức đầu tư PPP sang hình thức đầu tư công; thống nhất giao tỉnh nghiên cứu triển khai tuyến cao tốc Mộc Châu-Sơn La. Về việc đầu tư Cảng hàng không Nà Sản, đề nghị Sơn La phối hợp các bộ, ngành xem xét trình các cấp thẩm quyền với tinh thần làm nhanh, quyết liệt. Về nâng công suất thủy điện Sơn La, Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu tác động trên tinh thần bảo đảm an toàn, an ninh hồ đập; nghiên cứu phát triển điện mặt trời trên mặt hồ…
Các tin khác
Ngày 4/12, Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh chủ trì hội nghị.
Sáng 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18-NQ/TW), chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Ngày 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải từ Bắc đến Nam. Mối quan hệ gắn kết giữa hai quốc gia được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi để xây dựng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.