Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước
- Cập nhật: Chủ nhật, 26/6/2022 | 8:57:49 PM
Chiều 26/6, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
|
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, vào tháng 12/2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, Thường trực Chính phủ đã làm việc trực tuyến với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Đến nay, tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là; tình hình thế giới có nhiều biến động như xung đột tại Ukraine, giá cả nguyên liệu đầu vào, lạm phát tại nhiều nước tăng cao… tác động mạnh tới tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam.
Dự báo, tình hình có thể còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán. Cuộc làm việc nhằm đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, việc triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội về thành phố Đà Nẵng, kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc làm việc cuối năm 2021 với lãnh đạo Đà Nẵng; việc thực hiện chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, thảo luận các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Theo báo cáo của thành phố Đà Nẵng, năm 2021, mặc dù dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề, nhưng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) cả năm vẫn tăng 0,18%; GRDP bình quân đầu người đạt 87,87 triệu đồng (tương đương 3.753 USD, cao nhất vùng kinh tế trọng điểm miền trung). Một số ngành công nghiệp và dịch vụ vẫn có mức tăng trưởng khá. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 4,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 3,18 tỷ USD, tăng 13,2%, xuất siêu 487 triệu USD.
Đặc biệt, tình hình kinh tế-xã hội Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc, nhất là từ tháng 3 đến nay. GRDP quý II tăng 12,37%; 6 tháng đầu năm tăng 7,23% (tốc độ tăng xếp thứ 2/5 vùng kinh tế trọng điểm miền trung; 4/14 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền trung; 28/63 toàn quốc).
Động lực chủ yếu và hạt nhân tăng trưởng chính của Đà Nẵng là khu vực dịch vụ (6 tháng đầu năm tăng 9,82%, quý II tăng 17,8%); tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 6,3%. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước tăng 20,8%; xuất khẩu phần mềm tăng 30%. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 68% dự toán cả năm, tăng 18% so cùng kỳ; dư nợ tín dụng tăng 9,31% so cùng kỳ 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới tăng 16,3%, với 49 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp cao gấp 2,24 lần so năm 2020.
Đối với thu hút đầu tư trong nước, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư là 7.748 tỷ đồng, tăng 35% về số dự án. Đà Nẵng tiếp tục nằm trong tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đứng thứ nhất cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin", đứng thứ 3 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính.
Năm 2022, Đà Nẵng xác định chủ đề là "Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội". Với những cơ chế, định hướng lớn đối với sự phát triển thành phố từ Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119 của Quốc hội và Nghị định số 34 của Chính phủ về triển khai mô hình chính quyền đô thị và sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cùng với sự kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, có thể nói đây là thời điểm thích hợp để Đà Nẵng hiện thực hóa, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án và thu hút đầu tư mạnh mẽ.
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Đà Nẵng đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng lưu ý quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII; trong quá trình thực hiện, phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng cũng đề nghị Đà Nẵng tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
Đối với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng cần xác định khó khăn, thách thức, tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả của Covid-19; tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; theo dõi sát tình hình và kịp thời phòng chống hiệu quả các loại dịch bệnh; bảo đảm nhân lực và trang thiết bị, vật tư y tế để thực hiện tốt nhiệm vụ y tế trên địa bàn, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng chống dịch Covid-19.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực phát triển mới phát triển thành phố Đà Nẵng. Khẩn trương, nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại Đà Nẵng. Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền trung-Tây Nguyên.
Làm tốt công tác quy hoạch, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Tập trung triển khai thực hiện quy hoạch phân khu theo Quyết định số 359/QĐ-TTg về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt những lĩnh vực có tiềm năng lớn như logistics, kinh tế biển, dịch vụ tài chính, công nghiệp công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin... Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội. Chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra...
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm, khảo sát Khu đô thị giáo dục-công nghệ FPT City (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).
Tại buổi làm việc với Tập đoàn FPT, Thủ tướng mong muốn FPT đóng góp nhiều hơn cho việc xây dựng chính phủ số, phát triển xã hội số, công dân số, góp phần triển khai Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Tiếp tục thực hiện chiến lược đào tạo gắn với sản xuất, góp phần phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tạo thêm việc làm, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
FPT cần xuất khẩu mạnh mẽ hơn, đồng thời tham gia tích cực hơn vào bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo, tạo việc làm cho những người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam và hậu quả chiến tranh…
Thủ tướng gợi ý FPT tập trung những lĩnh vực cốt lõi theo hướng tập trung nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm, làm thương hiệu FPT mạnh hơn nữa, tạo ra hệ sinh thái FPT trên cả nước và hướng tới vươn ra thế giới. Riêng với lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng đánh giá cao và mong muốn FPT tiếp tục quan tâm việc dạy các môn văn học nghệ thuật, rèn luyện sức khỏe bằng phát triển thể dục, thể thao cho sinh viên trong trường đại học chứ không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn đơn thuần, để đào tạo con người, nguồn nhân lực toàn diện; tăng cường liên kết với các đối tác trong và ngoài nước.
* Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, khảo sát nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) của Hoa Kỳ đầu tư với tổng số vốn là 170 triệu USD tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
* Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát quy hoạch tổng thể cảng Liên Chiểu và kết nối giao thông liên vùng giữa Đà Nẵng và khu vực. Cảng biển Liên Chiểu là 1 trong 7 dự án trọng điểm đang được Đà Nẵng kêu gọi đầu tư. Đây cũng là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Thủ tướng lưu ý cần dự báo, tính toán số liệu tương lai để làm công trình hiện tại, không phải đếm số liệu hiện tại để làm công trình tương lai. Thủ tướng yêu cầu quy hoạch hoàn chỉnh; hoàn thiện hạ tầng kết nối, kêu gọi hợp tác công tư trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng cảng...; hoàn thành dự án dứt điểm theo tiến độ.
* Thủ tướng đã tới thăm, khảo sát khu công viên phần mềm số 2 tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, gồm 3 khối tòa nhà văn phòng với tổng diện tích sàn sử dụng hơn 71.000 m2 với mục đích thu hút các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính, các công ty Fintech trong nước và quốc tế đặt trụ sở.
Sau khi hoàn thành, dự kiến công trình này sẽ đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp về công nghệ thông tin, công nghệ số. Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tiến độ, thi công "3 ca 4 kíp", hoàn thiện cảnh quan, đưa dự án sớm hoạt động, góp phần cùng thành phố và cả nước phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm thương binh hạng 1/4 Trần Thị Kim Cúc ở đường Thanh Long (phường Thanh Bình, quận Hải Châu); thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhung (phường Thuận Phước, quận Hải Châu).
Các tin khác
Ngày 4/12, Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh chủ trì hội nghị.
Sáng 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18-NQ/TW), chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Ngày 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải từ Bắc đến Nam. Mối quan hệ gắn kết giữa hai quốc gia được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi để xây dựng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.