Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Thừa Thiên Huế (1937-1949)
- Cập nhật: Thứ bảy, 2/7/2022 | 9:32:07 PM
Ngày 2/7, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Thừa Thiên Huế (1937-1949)”.
Lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành chủ trì hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Thừa Thiên Huế (1937-1949)”.
|
Đây là hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày mất Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967-6/7/2022) và là dịp khánh thành, đưa vào sử dụng Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại tỉnh Thừa Thiên Huế (số 144, Đặng Thái Thân, TP Huế).
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Về phía gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng; lãnh đạo các ban, ngành liên quan và nguyên lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là nhà lãnh đạo tài ba, là người giữ trọng trách to lớn được Trung ương phân công giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1945), Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên (1947), Bí thư Liên khu ủy Khu 4 (1948), 3 lần là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Trong thời gian hoạt động cách mạng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất; phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh; một tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung.
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từng khẳng định: "Tấm gương của đồng chí Nguyễn Chí Thanh suốt đời phấn đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại đang cổ vũ chúng ta tiếp tục phấn đấu làm cho Đảng ta vững mạnh trong sạch, có sức mạnh lãnh đạo và chiến đấu ngang tầm với nhiệm vụ”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế luôn tự hào về đồng chí Nguyễn Chí Thanh, người chiến sĩ kiên trung trọn đời vì dân, vì nước, một con người đạo đức "sáng trong như ngọc”. Những năm hoạt động tại quê hương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cống hiến và để lại những tình cảm sâu đậm.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, hội thảo nhận được 26 bài tham luận của 32 tác giả đến từ Trung ương và địa phương. Trong đó, 13 tham luận đi sâu phân tích, làm rõ tổng quan về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh giai đoạn 1937-1949, liên quan Hội nghị Nam Dương; 5 tham luận về các hoạt động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên các lĩnh vực; 7 tham luận phát huy về các giá trị di sản liên quan Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Tham luận tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các đơn vị Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung thảo luận, làm rõ thêm quá trình hoạt động và những đóng góp quan trọng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, giai đoạn cách mạng 1937-1949; những đóng góp của Đại tướng trên một số lĩnh vực và vận dụng bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp cách mạng hiện nay; phát huy các giá trị di sản của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại quê hương Thừa Thiên Huế.
Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 75 năm Hội nghị Tỉnh ủy (Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh) tổ chức tại làng Nam Dương (nay thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền (1947-2022). Hội nghị có tính chất quyết định với cách mạng Thừa Thiên Huế.
Hội thảo lần này là cơ sở quan trọng, mang nhiều ý nghĩa, bổ sung thêm những tài liệu giá trị về Đại tướng cho Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế.
Các tin khác
Ngày 4/12, Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh chủ trì hội nghị.
Sáng 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18-NQ/TW), chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Ngày 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải từ Bắc đến Nam. Mối quan hệ gắn kết giữa hai quốc gia được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi để xây dựng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.