Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/7/2022 | 7:57:10 PM
Chiều 8/7, tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh”, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2022).
Hội thảo là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
|
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Bắc Ninh; cùng đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bắc Ninh và gia đình, dòng họ đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Phát biểu đề dẫn khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh cùng những cống hiến xuất sắc của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912, tại làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng; trong một gia đình nhà nho yêu nước.
Tiếp thu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, đồng chí đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công. Khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời (6/1929), đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trong những người đầu tiên được kết nạp vào Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930), đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng và tích cực tham gia thành lập các chi bộ Đảng ở vùng mỏ.
Cuối năm 1930, trên cơ sở các chi bộ vùng mỏ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đề xuất và được Xứ ủy Bắc Kỳ chấp thuận, lập Đặc khu ủy vùng mỏ và được cử làm đại diện của Xứ ủy Bắc Kỳ bên cạnh Đặc khu ủy. Đây là nhân tố hết sức quan trọng để Đảng tổ chức, phát động các cuộc đấu tranh sôi nổi, mạnh mẽ của công nhân vùng mỏ những năm 1930-1931.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng họp ở Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định (tháng 9/1937), đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, Lê Hồng Phong được bầu làm Thường vụ Trung ương do đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư. Tháng 3/1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ở vào giai đoạn cách mạng đang gặp nhiều khó khăn thử thách, đồng chí đã có nhiều hoạt động nhằm xây dựng và phát triển tổ chức và phong trào cách mạng…
Với 50 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo các cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học tham gia, Hội thảo tập trung vào các nội dung: Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Người cộng sản kiên trung thế hệ đầu tiên của Đảng; Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam; Tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực; Người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh.
Hội thảo thống nhất khẳng định, lựa chọn lý tưởng cách mạng vì nước, vì dân, cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ là tấm gương tiêu biểu của người thanh niên yêu nước nhiệt thành. Đồng chí đã từ bỏ con đường mưu cầu danh lợi cá nhân để đến với lý tưởng cộng sản cao đẹp và trở thành một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.
Quyết tâm vì sự nghiệp và lý tưởng cách mạng cao đẹp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong hành trình hoạt động cách mạng: khi đi "vô sản hóa” ở vùng mỏ than Đông Bắc, khi bị kẻ thù tra tấn, đày ải tàn bạo nơi lao tù đế quốc, thậm chí ngay cả trước mũi súng quân thù khi ra pháp trường.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn thể hiện tấm gương cao đẹp của người cộng sản, tấm gương học tập không ngừng nghỉ, tấm gương kiên trung, bất khuất. Với 29 năm tuổi đời, 13 năm hoạt động cách mạng liên tục cho đến lúc hy sinh, dù ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn thể hiện tấm gương đạo đức trong sáng, nêu cao tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất, đặt lợi ích của Đảng, của sự nghiệp cách mạng lên trên hết, trước hết.
Đồng chí là tấm gương về lối sống giản dị, thương yêu, chăm lo cho đồng chí, đồng đội, là trung tâm quy tụ, đoàn kết các chiến sĩ cách mạng vì lý tưởng chung. Đồng chí chính là hình ảnh tiêu biểu của một người cán bộ dân vận xuất sắc của Đảng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, hòa mình vào đời sống thực tiễn của người lao động, lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng của quần chúng nhân dân để tuyên truyền, giác ngộ nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã làm rạng danh quê hương Bắc Ninh, góp phần tô thắm thêm truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng vẻ vang của vùng đất Kinh Bắc. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh mãi mãi tự hào về đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn, ra sức phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Kinh Bắc, đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Hội thảo là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh; đồng thời, bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến xuất sắc của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các tin khác
Ngày 4/12, Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh chủ trì hội nghị.
Sáng 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18-NQ/TW), chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Ngày 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải từ Bắc đến Nam. Mối quan hệ gắn kết giữa hai quốc gia được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi để xây dựng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.