Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần: Hàng trăm tổ chức nhân dân toàn thế giới tiếc thương, chia buồn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/7/2024 | 10:02:52 PM

Những ngày qua, hàng trăm tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cá nhân (là những bạn bè, đối tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên) từ khắp nơi trên thế giới đã gửi điện, thư, thông điệp chia buồn tới Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên Trung ương và địa phương.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, từ ngày 20 đến ngày 26/7 đã có khoảng 150 điện, thư, thông điệp chia buồn gửi tới Việt Nam qua kênh quan hệ nhân dân. "Chiến sĩ cộng sản kiên trung”, "Người đảng viên thật sự vẹn toàn”, "Nhà lý luận xuất sắc”, "Vị lãnh đạo giản dị, gần dân”… là những lời ngợi ca của bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hình ảnh Tổng Bí thư đã được tái hiện qua những thông điệp này rất sinh động, chân thực và gần gũi.

Người cộng sản kiên trung, chân chính

Hội trưởng Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc viết: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người trung thành với chủ nghĩa Mác, là nhà lãnh đạo vĩ đại của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; là đồng chí thân thiết, người bạn chân thành của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc”.

Thư chia buồn của Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) có đoạn: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đứng vững ở tuyến đầu của sự nghiệp cách mạng với nhiều trọng trách cấp cao, luôn tận tâm với các quyết định của Đảng, luôn đấu tranh vì lợi ích của nhân dân Việt Nam cả trong nước và quốc tế. Trong hơn 60 năm cống hiến cho Đảng cho đến những ngày cuối cùng của đời mình, đồng chí đã trở thành tấm gương khiêm nhường của một người lính tận hiến cho nguyên tắc".

Tiến sĩ Carolus Wimmer, Chủ tịch Nhà hữu nghị Venezuela - Việt Nam kể, hiểu biết của ông về tiến trình chính trị và xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nhờ bài giảng trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Người nâng tầm đối ngoại Việt Nam

Các thư, điện nhận định, trong suốt cuộc đời mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà ngoại giao xuất sắc. Chính Tổng Bí thư là người đặt tên và nâng chính sách "ngoại giao cây tre”, vốn tồn tại trong lịch sử ngoại giao Việt Nam từ xưa tới nay lên tầm lý luận. Việc xây dựng nền ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tiếp nối Tư tưởng thời đại Hồ Chí Minh, đem lại nền tảng vững chắc cho ngoại giao Việt Nam.

Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Lào đánh giá cao đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc tạo dựng quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam. "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng ra đi, không chỉ Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo đáng kính mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào chúng tôi cũng mất đi một người bạn thân thiết, gần gũi".

Hội Hữu nghị Nga - Việt viết: "Tại Liên bang Nga, mọi người đều biết đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà hoạt động xuất sắc của phong trào cộng sản quốc tế, là nhà lãnh đạo trong nhiều năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, là người tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người bạn đã được thử thách của nước Nga, một người đã học tập, nghiên cứu tại Nga. Chúng tôi biết ơn đồng chí Nguyễn Phú Trọng vì đồng chí đã hoạt động không mệt mỏi cho việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt. Hội viên Hội hữu nghị Nga - Việt nhớ rõ những cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những dịp đồng chí đến Moskva... Những cây xanh mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng tại khuôn viên Quảng trường Hồ Chí Minh ở Moskva sẽ lưu giữ những kỷ niệm về các chuyến thăm của đồng chí đến đất nước chúng tôi”.

Giáo sư V.N. Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Liên bang Nga) đánh giá: Lịch sử sẽ ghi nhận chiến lược đối ngoại phát huy bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam” và chiến dịch "đốt lò” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường vị thế của Đảng trong nước và trên trường quốc tế.

"Hoạt động của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã bảo đảm cho Việt Nam có ổn định chính trị và tiến bước trên con đường phát triển kinh tế năng động, điều đó đã nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam", Giáo sư V.N. Kolotov viết trong thư chia buồn.

Hội đồng Hòa bình Nhật Bản - Việt Nam (JVPF) đề cao vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc lãnh đạo Việt Nam trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa và phức tạp bằng những chính sách ngoại giao linh hoạt, kiên cường như cây tre.

Lãnh đạo quốc gia phát triển, thịnh vượng

Nhiều cơ quan quốc tế đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng với hợp tác quốc tế và sự phát triển của Việt Nam. Nhiều thư, điện cho rằng: Trong hơn một thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tầm nhìn chiến lược, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, mạnh, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Trong thư chia buồn của Hội đồng quản trị Quốc tế, Ban Lãnh đạo toàn cầu và cán bộ của ActionAid International nhận định: sự lãnh đạo của Tổng Bí thư đã giúp Việt Nam đạt nhiều thành tựu và nâng cao bản lĩnh, nội lực.

Thư viết: "Việt Nam đã trở thành một trong 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới, bên cạnh đảm bảo chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục tăng trong nhiều năm trở lại đây, đã cho thấy định hướng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc hài hòa giữa phát triển kinh tế theo hướng bền vững mà không bỏ ai lại phía sau”.

Bà Men Sam An, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam trong thư gửi Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia có đoạn: "Chúng tôi đánh giá cao những công việc, thành tựu to lớn mà Tổng Bí thư đã mang lại cho Việt Nam, sự cống hiến không mệt mỏi của Tổng Bí thư trong việc đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển kinh tế và có uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế, đặc biệt trong việc thúc đẩy quản trị tốt và chống tham nhũng”.

Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung nhấn mạnh: "Sự lãnh đạo của Tổng Bí thư đã đóng vai trò then chốt trong việc định hình sự tiến bộ và thịnh vượng của quốc gia bạn. Sự ra đi của Tổng Bí thư không chỉ là một mất mát to lớn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam mà còn đối với phong trào cánh tả trên toàn thế giới bởi cam kết kiên định của người với các nguyên tắc của Chủ nghĩa xã hội và những nỗ lực không mệt mỏi vì sự phát triển của đất nước Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn đã để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa”.

Bình dị, liêm khiết, không ngừng học hỏi

Trong mắt bạn bè quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một tấm gương sáng về sự trong sáng, liêm khiết, thanh cao, giản dị, sự tận tụy hết mình với sự nghiệp của Đảng, của cách mạng nước nhà. Nhiều thư, điện nhắc nhớ, khẳng định điều này.

Tổ chức phi chính phủ ActionAid International (AAI), Hà Lan viết trong thư gửi Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam như sau: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "là một tấm gương cho các nhà lãnh đạo các tổ chức nhân dân toàn cầu vì sự bình dị, gần gũi và gương mẫu".

Chủ tịch Nhà hữu nghị Venezuela - Việt Nam Carolus Wimmer nhắc lại kỷ niệm lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên với Tổng Bí thư tại cuộc họp của Ban Chấp hành Hội đồng Hòa bình Thế giới tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23 đến 25/11/2017. "Ông toát lên sự điềm tĩnh, trí tuệ, con mắt phân tích và sự thân thiện tuyệt vời khi chào đón các vị khách nước ngoài", Tiến sĩ Carolus Wimmer kể.

Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg Giáo sư V.N. Kolotov kể: Trong những cuộc tiếp xúc với các chuyên gia, học giả nước ngoài về Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự chân thành và cởi mở, luôn sẵn sàng trao đổi mà không chuẩn bị trước về những chủ đề nóng nhất, phức tạp nhất.

Những thông điệp chứa chan tình cảm

Điện, thư, thông điệp được gửi rất phong phú về hình thức, gồm: thư tay, mail, tin nhắn, thiệp chia buồn, công điện, bài viết trên các web, thông báo trên các mạng xã hội Facebook, Wechat, Zalo…

Có thể kể tới bức thư tay của bà Phan Kim Nga - nhân sĩ Trung Quốc; những tấm thiệp điện tử được thiết kế với dải băng đen và hoa cúc của CARE International, Bỉ, Pearl S Buck International (PSBI), Hoa Kỳ; Facing the world; VinaCapital Foundation (VCF), Hoa Kỳ; những dòng email của những người bạn nước ngoài ở tuổi 80 - 90 từng gắn bó với Việt Nam từ trong chiến tranh như: Họa sỹ George Burchett, cựu binh Mỹ Paul Reed, nhà hoạt động vì hòa bình Mỹ Larry Levin. Đại sứ quán các nước tại Việt Nam là Hoa Kỳ, Peru, Colombia…, Bộ Ngoại giao Mexico đã thông báo rộng rãi thông tin trên Facebook… Tất cả đều thể hiện niềm tiếc thương, đau buồn sâu sắc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo TTXVN

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Văn Gấu chủ trì hội nghị.

Ngày 4/12, Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Sáng 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18-NQ/TW), chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Ngày 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.

Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải từ Bắc đến Nam. Mối quan hệ gắn kết giữa hai quốc gia được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi để xây dựng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự