Tổng hợp COVID-19 ngày 1/2 tại Việt Nam: Thêm 11.023 ca nhiễm mới; năm mới linh hoạt để 'bình thường mới'
- Cập nhật: Thứ ba, 1/2/2022 | 10:02:43 PM
Thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 1/2 tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là có thêm 11.023 ca nhiễm mới và năm mới Nhâm dần 2022 linh hoạt để "bình thường mới".
Tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: TTXVN.
|
Việt Nam có 11.023 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, số ca nhiễm tiếp tục giảm
Tính từ 16 giờ ngày 31/1 đến 16 giờ ngày 1/2, Việt Nam ghi nhận 11.023 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 39.608 ca khỏi bệnh. Trong số các ca nhiễm mới, có 12 ca nhập cảnh và 11.011 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.626 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 7.303 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bắc Ninh (giảm 439 ca), Kon Tum (giảm 288 ca), Nam Định (giảm 144 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Bình Định (tăng 89 ca), Quảng Nam (tăng 72 ca), Lào Cai (tăng 48 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 14.122 ca/ngày. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 185 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại: TP Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.286.750 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.169 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.279.719 ca, trong đó có 2.059.241 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (514.047), Bình Dương (292.908), Hà Nội (134.223), Đồng Nai (99.910), Tây Ninh (88.284). Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 39.608 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.062.058 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.315 ca.
Riêng Hà Nội có thêm 2.705 ca F0 trong ngày 1/2, quận Hoàng Mai có số ca nhiễm cao nhất trong ngày. Các ca nhiễm mới phân bố tại 457 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (228); Đống Đa (187); Đông Anh (185); Nam Từ Liêm (156); Long Biên (154); Chương Mỹ (139); Gia Lâm (132); Bắc Từ Liêm (124).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 137.394 ca. Thành phố Hà Nội hiện có 61.409 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly; tại các cơ sở: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (151), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (168), tại các bệnh viện của Hà Nội là (2819), cơ sở thu dung điều trị thành phố (160), cơ sở thu dung quận, huyện (1186), theo dõi cách ly tại nhà (57.244). Đến nay Hà Nội đã có 657 người tử vong do COVID-19.
Năm mới linh hoạt để 'bình thường mới'
Thêm một năm nữa gồng mình chống dịch COVID-19, cuộc chiến ngày càng cam go hơn, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của cả nước, những biện pháp linh hoạt đã được áp dụng và cho hiệu quả.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nơi được coi là "cánh cửa hy vọng cuối cùng” của bệnh nhân COVID-19 nặng, máy điều trị vẫn hàng ngày tít tít máy thở vang đều, cùng tiếng bước chân hối hả đi buồng bệnh quen thuộc của các y, bác sĩ, nhưng công việc của họ dường như nặng nhiều, vì số lượng bệnh nhân đang đông lên, ca nặng nhiều hơn. Mặc dù vậy, tinh thần của các y, bác sỹ lúc nào cũng sẵn sàng trực chiến tiếp nhận bệnh nhân điều trị tại chỗ và hỗ trợ các tuyến dưới khi cần thiết. Đã hai năm qua, Việt Nam cùng thế giới gồng mình chống chọi với dịch COVID-19. Mỗi làn sóng dịch nổi lên lại thêm những tình huống mới, mức độ nghiêm trọng hơn. Năm 2021 cũng là năm nhiều khó khăn, thử thách với ngành y tế Việt Nam.
Chính phủ cùng các cấp, các ngành, địa phương luôn bám sát yêu cầu thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn theo phương châm: "5K - Vaccine - Điều trị- Công nghệ - Đề cao ý thức của nhân dân”. Khi dịch bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng, mỗi cấp xã, phường trở thành một "pháo đài”, người dân là "chiến sỹ” tham gia phòng chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho nhân dân. Các biện pháp cách ly tại nhà cho F1, F0 cũng được mạnh dạn triển khai để nhanh chóng thích ứng với tình hình mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Việt Nam đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao so với các nước trên thế giới. Tỷ lệ người dân được tiêm đủ vaccine liều cơ bản là 66% (vượt chỉ tiêu đề ra của WHO là trên 40%); đạt 98% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine; đã triển khai tiêm cho trẻ 12- 17 tuổi. Việc bao phủ tiêm chủng đã tạo điều kiện thuận lợi để cả nước về trạng thái "bình thường mới.
Nhận định về tình hình dịch sắp tới, BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, Việt Nam đã vững mạnh hơn nhiều và đã tự tin để thay đổi chiến lược, xác định chung sống an toàn với COVID-19, đặc biệt là vẫn duy trì các hoạt động kinh tế, đời sống bình thường, ngay cả khi dịch lưu hành tại cộng đồng. Cuộc chiến chống COVID-19 của cả nước nói chung và ngành Y tế nói riêng còn khó khăn, thách thức, nhưng tất cả những điều đó không làm các chiến sĩ áo trắng chùn bước, sờn lòng, bởi vì đằng sau chúng ta là hàng triệu người dân đang dõi theo, tin cậy và hy vọng.
BD- Theo TTXVN
Các tin khác
Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.
Triển lãm Quốc tế Thang máy lần thứ 3 - Vietnam Elevator Expo 2024 thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2024, đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, định kỳ tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.