Việt Nam dành nhiều ưu tiên về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái trong biến đổi khí hậu
- Cập nhật: Thứ năm, 17/3/2022 | 3:56:52 PM
Phát biểu tại Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên hợp quốc, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng đoàn Việt Nam, nhấn mạnh, nước ta dành nhiều ưu tiên nhằm đạt bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tham dự Khóa họp (Ảnh: Molisa).
|
Chiều 16/3 (theo giờ New York, Hoa Kỳ), Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW).
Khóa họp lần này mang chủ đề: "Đạt bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xây dựng chương trình và chính sách về giảm thiểu rủi ro thiên tai và môi trường”.
Diễn ra từ ngày 14 đến ngày 25/3/2022 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, chương trình thu hút sự tham dự của các đoàn đại biểu cấp cao từ gần 200 quốc gia thành viên, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực.
Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn và các thành viên gồm đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đại diện từ Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng tham dự.
Khóa họp CSW-66 năm nay thảo luận về vấn biến đổi khí hậu cùng với những hệ quả về thảm họa thiên tai và môi trường; các giải pháp nhằm thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh biến đổi khí hậu và việc lồng ghép giới trong xây dựng chương trình và chính sách liên quan. Các nội dung này được xem xét, phân tích, thảoluận tại các phiên họp chính thức và hơn 200 sự kiện bên lề của Khóa họp. Phiên thảo luận chung được xem là phiên họp quan trọng nhất, với sự tham dự đầy đủ của các trưởng đoàn đại diện cho các quốc gia thành viên nhằm rà soát, đánh giá việc thực hiện kết quả của Hội nghị thế giới lần thứ tư về phụ nữ và Khóa họp đặc biệt lần thứ 23 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chủ đề ưu tiên.
Tại phiên Thảo luận chung, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự hoan nghênh và nhất trí cao với chủ đề của Khóa họp. Chủ đề này cũng hoàn toàn phù hợp với những ưu tiên của Việt Nam hiện nay.
Biến đổi khí hậu cùng với những rủi ro thiên tai và môi trường đang trở nên thách thức hơn bao giờ hết, điều này làm tăng nguy cơ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái. Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Khóa họp. Chủ đề này cũng hoàn toàn phù hợp với những ưu tiên của Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng chia sẻ, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhiều chính sách, chiến lược, Chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng trưởng xanh, giảm nghèo, phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam đã được xây dựng và triển khai thực hiện, trong đó vấn đề bình đẳng giới được lồng ghép và bao trùm trong các chính sách này. Quá trình xây dựng và triển khai chính sách, sự đóng góp, phản biện và đề xuất của phụ nữ và các tổ chức đại diện cho phụ nữ đóng vai trò quan trọng, được ghi nhận và tiếp thu nghiêm túc. Nhiều hoạt động được đã triển khai như: truyền thông, nâng cao nhận thức; tăng cường kỹ năng ứng phó; xây dựng các mô hình sinh kế bền vững và thay thế phù hợp; các cuộc vận động bảo vệ môi trường,... đem lại những kết quả tích cực, góp phần giúp phụ nữ và trẻ em gái thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Đóng góp vào nỗ lực chung trên toàn cầu, năm 2018 Việt Nam đã chủ trì xây dựng Nghị quyết của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và quyền con người, kêu gọi các quốc gia áp dụng cách tiếp cận toàn diện, tích hợp và đáp ứng giới đối với các chính sách nhằm giải quyết hiệu quả các tác động và thách thức của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hỗ trợ khả năng chống chịu và thích ứng của phụ nữ và trẻ em gái.
Năm 2020, Việt Nam cũng đệ trình cập nhật đóng góp do quốc gia quyết định, trong đó bình đẳng giới là một điểm nhấn quan trọng và xuyên suốt. Tại Hội nghị COP26 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định Việt Nam sẽ triển khai các biện pháp mạnh mẽ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris nhằm đạt mức phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050. Mục tiêu này không chỉ hướng đến những kết quả cụ thể trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu mà còn mang lại những lợi ích to lớn về an sinh xã hội và bình đẳng giới.
Với quan điểm "mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”, bài phát biểu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế, quyết tâm và cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được bình đẳng giới cũng như trao quyền đầy đủ cho phụ nữ và trẻ em gái.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm của các nước phát triển đã cam kết để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn chưa đạt được, Việt Nam kêu gọi các quốc gia đoàn kết, san sẻ trách nhiệm và tương trợ lẫn nhau nhiều hơn, đồng thờithực hiện đầy đủ các cam kết về tài chính khí hậu đã đưa ra để hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện bình đẳng giới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ không ngừng nỗ lực và quyết tâm mang đến một tương lai xanh, an toàn, bình đẳng và trao quyền đầy đủ cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Trên chặng đường này, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của Liên hợp quốc cũng như các quốc gia thành viên. Phát biểu của Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh và nhất trí cao của các đoàn đại biểu tham dự Khóa họp.
Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động tham gia nhiều công ước, thỏa thuận về biến đổi khí hậu từ rất sớm, đồng thời không ngừng nỗ lực hiện thực hóa các cam kết này.
Hiện tại, các phiên họp tiếp tục diễn ra với nhiều nội dung nghị sự quan trọng, đoàn đại biểu Việt Nam tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận. Kết quả của Khóa họp được kỳ vọng sẽ gợi mở nhiều định hướng quan trọng cho công tác hoạch định và thực thi chính sách về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái cho các quốc gia trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.
Các tin khác
Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức nhiều lớp nâng cao kỹ năng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh. Nhờ đó, nhiều chủ thể sản xuất, kinh doanh (SXKD) đã chủ động kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT thuận lợi. Qua đó góp phần giúp thương mại, dịch vụ (TMDV) của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại.
Việc đăng ký cư trú cho người chưa thành niên; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú, tạm trú được quy định trong Nghị định số 154/2024/NĐ-CP, ngày 26/11/2024, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (sau đây gọi tắt là Nghị định 154/2024/NĐ-CP)
Còn gần một tháng nữa là đến thời điểm huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang sáp nhập; điều chỉnh địa giới huyện Lục Ngạn và một phần huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới. Dù còn nhiều việc phải làm song các cơ quan, địa phương liên quan vẫn tập trung cao giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân.
Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.