Tiếp tục khôi phục sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng xuất khẩu

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/4/2022 | 5:25:33 PM

Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giá cả nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị thế giới,... nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao, ước đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so cùng kỳ.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Container Quốc tế Tân cảng Hải Phòng. (Ảnh: HÀ THU)
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Container Quốc tế Tân cảng Hải Phòng. (Ảnh: HÀ THU)

Điều này thể hiện nỗ lực của các doanh nghiệp trong quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng.

Kết quả khả quan của xuất khẩu đã giúp cán cân thương mại trong quý I duy trì xuất siêu ước đạt 809 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,16 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,97 tỷ USD.
 
Tăng cả về lượng và giá

Theo thống kê của Bộ Công thương, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu trong quý I với kim ngạch đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ và chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều đạt mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, nhất là phân bón các loại tăng đến 183% do giá và nhu cầu tăng đột biến; hóa chất tăng 67%; đá quý, kim loại quý tăng 55,7%; mây, tre, cói và thảm tăng 34,4%;… 

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hàng dệt may trong quý I giữ vững đà tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch đạt 8,84 tỷ USD, tăng 22,5% so cùng kỳ. Với kết quả này, dự báo ngành dệt may có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay (năm 2021 đạt 39 tỷ USD) là hoàn toàn có cơ sở do tổng cầu dệt may thế giới cũng được dự báo sẽ tăng khoảng 3%. 

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, dù có cơ hội để tiếp tục tăng trưởng cao và cải thiện thị phần trên trường quốc tế, nhưng ngành dệt may trong năm nay cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. 

Cụ thể, ngay từ những tháng đầu năm đã phát sinh nhiều tín hiệu bất lợi từ thị trường do ảnh hưởng của việc giá dầu tăng cao, xung đột địa chính trị thế giới, hay Ngân hàng trung ương châu Âu và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đồng loạt tăng lãi suất. Do đó, dù nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý II, thậm chí cho cả năm, nhưng vẫn khó có thể khẳng định kết quả cả năm sẽ hoàn thành tốt như kỳ vọng, bởi rủi ro và biến động thị trường đang diễn ra rất nhanh và phức tạp.

Phó Cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhận định, trong mức tăng trưởng xuất khẩu chung 12,9%, kết quả tăng 19,7% của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản là khá ấn tượng. 

Những mặt hàng tăng trưởng cao trong nhóm này gồm: cà-phê tăng 19,4% về lượng và 50,4% về kim ngạch do giá cà-phê xuất khẩu tăng cao; hạt tiêu dù giảm 11,5% về lượng nhưng vẫn tăng 40,8% về kim ngạch; gạo tăng 24% về lượng và tăng 10,5% về kim ngạch. 

Riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ, trong đó cá tra và tôm là những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất. 

Tuy nhiên, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xung đột Nga-Ukraine đã khiến xuất khẩu thủy sản sang Nga giảm 86% trong tháng 3, chỉ còn 2,7 triệu USD; xuất khẩu sang Ukraine bị dừng hoàn toàn mặc dù hai tháng đầu năm vẫn đạt kim ngạch 4,5 triệu USD. 

Có thể thấy, tình hình xung đột Nga-Ukraine tác động chưa quá lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (Nga chiếm 2%, Ukraine chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản), tuy nhiên đã ảnh hưởng mạnh đến mặt hàng cá ngừ vì đây là hai trong số 20 thị trường nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất của nước ta. 

Mặt khác, do giá dầu tăng cao, nhiều ngư dân phải cho tàu "nằm bờ”, dẫn đến xuất khẩu hải sản trong tháng 3 chỉ giữ được mức tăng dưới 3%. VASEP nhận định, xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chiến sự Nga-Ukraine nhưng vẫn có động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU),… khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường. 

Dự báo, xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 sẽ tăng trưởng khoảng 25%, trong đó xuất khẩu các loại cá biển có thể giảm 15%, nhưng xuất khẩu cá tra có thể tăng 80% và tôm tăng 20%,…

Tháo gỡ "điểm nghẽn”

Cũng theo ông Hải, dù tình hình xuất khẩu nông sản trong quý I đạt kết quả cao, nhưng thực tế vẫn còn khó khăn ở một số nhóm hàng và gần nhất là liên quan trái cây xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc. 

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công thương đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới do chính Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban. Đồng thời, liên tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận, tận dụng các phương thức khác như đường sắt, đường biển thay thế cho đường bộ; phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc nhằm gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch. 

Bộ Công thương cũng đã dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ đề án chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch, từ đó, sẽ phối hợp các địa phương tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản nói chung và sang Trung Quốc nói riêng, biên soạn tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp tìm thị trường, bạn hàng cũng như cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm thêm các thị trường mới cho nông sản xuất khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Hoàng Minh Chiến cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2030, do đó, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan xúc tiến thương mại có liên quan tích cực triển khai việc đưa các ứng dụng, nền tảng số vào hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, giúp người dân chủ động chào bán sản phẩm của mình cả trong nước và nước ngoài trên môi trường trực tiếp và trực tuyến. 

Trong đó, có việc xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam-kênh thông tin chính thức giới thiệu những sản phẩm nông sản từng địa phương tới khách hàng tiềm năng, đồng thời thông qua môi trường mạng kết nối trực tiếp từng địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất đến với khách hàng.

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, hoạt động xuất khẩu thời gian tới kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ sự phục hồi của kinh tế trong nước và thế giới cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia được thực thi đầy đủ hơn. 

Tuy nhiên, nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang, giá cước vận tải tăng cao sẽ gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. 

Mặt khác, giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào dự báo tiếp tục tăng cao cũng sẽ tạo áp lực lớn cho hoạt động sản xuất. Do đó, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu; phối hợp các bộ, ngành trong điều hành giá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá. 

Đồng thời, chủ động rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,… để có biện pháp điều chỉnh phù hợp hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhằm vừa tận dụng được cơ hội về giá xuất khẩu, nhưng vẫn bảo đảm đủ nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước. 

Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ liên tục theo dõi sát những biến động của tình hình thế giới, chủ động đánh giá các tác động đến sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; tăng cường công tác thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội; đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm tận dụng các cam kết trong các FTA và thông qua chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới...

Theo Báo Nhân Dân(NT)

Các tin khác
Đóng gói bánh nướng tại cơ sở sản xuất bánh Tiến Lợi (TP Bắc

 Giang).

Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức nhiều lớp nâng cao kỹ năng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh. Nhờ đó, nhiều chủ thể sản xuất, kinh doanh (SXKD) đã chủ động kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT thuận lợi. Qua đó góp phần giúp thương mại, dịch vụ (TMDV) của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại.

(Ảnh minh họa: BÔNG MAI)

Việc đăng ký cư trú cho người chưa thành niên; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú, tạm trú được quy định trong Nghị định số 154/2024/NĐ-CP, ngày 26/11/2024, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (sau đây gọi tắt là Nghị định 154/2024/NĐ-CP)

Cán bộ bộ phận một cửa huyện Yên Dũng giải quyết TTHC về đất đai cho người dân.

Còn gần một tháng nữa là đến thời điểm huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang sáp nhập; điều chỉnh địa giới huyện Lục Ngạn và một phần huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới. Dù còn nhiều việc phải làm song các cơ quan, địa phương liên quan vẫn tập trung cao giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân.

Trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc Cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự