Triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/5/2022 | 7:52:51 AM

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp. Tham dự có các chuyên gia, các học viện, trường đào tạo cùng các điểm cầu tại nhiều địa phương.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng 18.300 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt hơn 60%. Tuy nhiên, năng lực nội tại của các hợp tác xã vẫn còn hạn chế như: trình độ của các xã viên cũng như ban quản lý của các hợp tác xã, đặc biệt là đội ngũ giám đốc các hợp tác xã. Hiện nay, cả nước có 70.000 cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp nhưng mới chỉ có 16% có trình độ cao đẳng, đại học; 33% có trình độ sơ cấp, trung cấp; còn lại tới 51% chưa được qua đào tạo…

Định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới, đi theo xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh, tập trung đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị các ngành hàng và sản xuất kinh doanh đạt chuẩn chất lượng nông sản; vì vậy buộc ngành nông nghiệp phải đầu tư cho khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường và cạnh tranh. Do vậy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp tập trung trong thời gian tới, nhất là đào tạo nghề cho giám đốc hợp tác xã nông nghiệp với mục tiêu năm 2030 có khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề.

Để triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã ra diện rộng và cung cấp cho cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp đầy đủ kiến thức, kỹ năng quản lý về phát triển sản xuất, đặc biệt biết ứng dụng công nghệ thông tin phát triển thị trường, sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn và các chuyên gia có chuyên môn sâu xây dựng giáo trình đào tạo. Bộ giáo trình gồm 3 mô-đun: Những nội dung cơ bản về hợp tác xã; quản trị hợp tác xã nông nghiệp; Phát triển  một số kỹ năng quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian đào tạo 3 tháng; trong đó 63 giờ lý thuyết và 240 giờ thực hành, góp phần đào tạo cho giám đốc hợp tác xã nông nghiệp được tốt hơn.

Theo PGS, TS Trần Văn Điền, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, trong năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 tổ chức đào tạo thí điểm nghề giám đốc hợp tác xã và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 154 học viên, bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đa số các học viên cho rằng những kiến thức của lớp học này rất có ích cho họ trong việc quản lý các hợp tác xã...

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, đây là chương trình rất mới, mang tính đột phá nhằm nâng cao năng lực cho các giám đốc hợp tác xã nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã kiểu mới hiện nay khi tham gia vào thị trường. Thông qua đó tạo một hệ thống hợp tác xã có hệ thống kinh doanh, quản trị minh bạch hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Những "giám đốc” qua lớp học được cấp chứng chỉ có thể sử dụng nó như một chứng nhận năng lực để xin việc ở bất cứ đâu trong cả nước…

Dự kiến trong năm 2022 sẽ đào đạo cho khoảng 500 hợp tác xã với 1.500 học viên theo chương trình này, tập trung vào các hợp tác xã trong vùng nguyên liệu thuộc đề án phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo, 250 hợp tác xã nông nghiệp điển hình và các hợp tác xã thực hiện đề án phát triển ngành muối Việt Nam.

Theo đó, sẽ có 6 điểm trường đào tạo gồm: Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 1; Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên; Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm Đà Nẵng; Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang. Bên cạnh đó Bộ cũng thành lập mạng lưới các trường, hệ thống khuyến nông tham gia đào tạo…

Theo Báo Nhân Dân (NT)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Từ ngày 15/4/2025, Nghị quyết số 27/2025/NQ-HĐND ngày 3/4/2025 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định mức nộp tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa; nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ, việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hiệu lực thi hành.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Blueway Vina, Khu công nghiệp Vân Trung (thị xã Việt Yên).

Trong quý I năm nay, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đà phục hồi, đạt giá trị cao so với cùng kỳ năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính phát biểu. Ảnh: TTXVN

Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Tổ trưởng Tổ công tác số 7 chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Đường giao thông khu dân cư khu vực thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Ảnh Danh Lam: TTXVN

Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự