Giữ “sức khỏe” cho đất canh tác

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/12/2024 | 11:16:54 AM

Đất là nguồn tư liệu sản xuất đặc biệt đối với trồng trọt, cần sự chăm sóc thường xuyên để hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xác định tầm quan trọng đó, tỉnh Bắc Giang đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ cũng như nâng cao “sức khỏe” đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng.

Nhờ tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ nên vườn cam của gia đình ông Trịnh Sư Hòa tại xã Kiên Lao (Lục Ngạn) phát triển tốt, cho thu nhập cao.
Nhờ tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ nên vườn cam của gia đình ông Trịnh Sư Hòa tại xã Kiên Lao (Lục Ngạn) phát triển tốt, cho thu nhập cao.

Đẩy mạnh thâm canh theo hướng hữu cơ

Nâng cao "sức khỏe” đất canh tác và quản lý dinh dưỡng cây trồng có mối quan hệ chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau. Theo đó, quản lý dinh dưỡng cây trồng là yếu tố quan trọng trong việc ổn định, nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và ngược lại bảo vệ môi trường đất sẽ giúp cho cây trồng phát triển bền vững.

Đánh giá được tầm quan trọng ấy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thông qua các đề án như: Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững; thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM)… Tại nhiều địa phương xuất hiện cánh đồng xanh "3 không” (không vỏ bao bì thuốc BVTV, phân bón, rác thải; không sử dụng thuốc trừ cỏ cháy; không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng trong sản xuất).

Huyện Lục Ngạn có hơn 35 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài cây vải thiều là chủ lực thì cây có múi (cam, bưởi) đã mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây diện tích cây có múi liên tục giảm mạnh do năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, các hộ đã chuyển đổi sang cây trồng khác. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được cơ quan chuyên môn xác định là do trong đất tồn dư mầm bệnh khó để tiếp tục trồng cây có múi. Bên cạnh đó còn do vấn đề lạm dụng phân bón hóa học, không tuân thủ theo quy trình hướng dẫn, làm đất bị thoái hóa.

Để bảo vệ đất canh tác, cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân đẩy mạnh sản xuất theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ, tăng sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, thường xuyên khuyến cáo tăng cường sử dụng phân chuồng đã ủ hoai mục kết hợp với ngâm ủ các loại phân có nguồn gốc từ động, thực vật như ngô, đậu tương, các loại cá, giảm sử dụng phân bón hóa học. Đến nay, nhiều vườn cam trên địa bàn đã phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.

Gia đình ông Trịnh Sư Hòa có vườn cam rộng khoảng 5 ha tại xã Kiên Lao (Lục Ngạn), mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Ông Hòa cho biết: "Nếu quá lạm dụng các loại phân bón hóa học sẽ càng khiến cho đất nhanh thoái hóa, ảnh hưởng đến bộ rễ cây trồng. Nhiều năm nay gia đình tôi tăng sử dụng phân bón hữu cơ để thay thế cho phân vô cơ, nhờ đó vườn cam phát triển bền vững, năng suất, chất lượng ngày càng được nâng lên”.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng người dân bắt giun đất bằng kích điện. Ngành Nông nghiệp xác định, việc đánh bắt giun đất làm ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất và sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, phá vỡ đa dạng sinh học, hủy hoại môi trường đất. Cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương, ngành chức năng vào cuộc, kịp thời ngăn chặn, xử lý và đến nay, tình trạng trên đã không còn tái diễn.

Hướng tới sản xuất bền vững

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm và lâu năm toàn tỉnh đạt trên 200 nghìn ha. Quá trình sản xuất, thâm canh và sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV hóa học khiến môi trường đất sản xuất nông nghiệp tại nhiều nơi đang có hiện tượng bị suy thoái, xói mòn, chai cứng, rửa trôi chất dinh dưỡng, giảm các vi sinh vật hữu cơ trong đất dẫn đến mất độ tơi xốp, thậm chí có vùng bị ô nhiễm…

Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang đề nghị Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và PTNT) hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón mới, thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm hữu cơ trong công nghiệp chế biến và rác thải sinh hoạt để nâng cao tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2030, lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Bắc Giang, nhu cầu lượng sử dụng phân bón trên địa bàn khoảng 500 nghìn tấn, trong đó phân bón vô cơ hơn 250 nghìn tấn, phân bón hữu cơ khoảng 250 nghìn tấn. Để hạn chế suy thoái, nâng cao sức khỏe đất, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, địa phương đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật như: Sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất, 3 giảm 3 tăng (giảm giống, giảm phân bón (đạm) dư thừa và giảm thuốc BVTV nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng); ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, tuần hoàn. Riêng năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 28 lớp tuyên truyền tập huấn cho hơn 1 nghìn lượt người về sử dụng phân bón hữu cơ.

Cũng theo ông Đặng Văn Tặng, mới đây UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm thực hiện giải pháp như: Đưa cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có (từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt…) để sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ.

Tăng cường quản lý nhà nước về đất trồng trọt, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích. Trước mắt, năm 2025 ngành Nông nghiệp sẽ thí điểm mô hình nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng để làm cơ sở nhân rộng. Đồng thời sẽ nghiên cứu triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất cho lĩnh vực trồng trọt, thực hiện điều tra, đánh giá tính chất lý, hóa học, cải tạo đất trồng trọt làm cơ sở đưa ra những giải pháp quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng phù hợp với vùng sinh thái và các loại cây chủ lực. Hoàn thiện quy trình canh tác hợp lý gắn với sử dụng phân bón hiệu quả, giảm thất thoát chất dinh dưỡng trên các loại đất trồng, bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh vật có ích cho đất.

Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang đề nghị Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và PTNT) hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón mới, thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm hữu cơ trong công nghiệp chế biến và rác thải sinh hoạt để nâng cao tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2030, lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Báo Bắc Giang

Các tin khác
Bà Lại Việt Anh-Phó Cục trưởng cụ Thương Mại điện tử và kinh tế số ( Bộ Công thương)

Số liệu khảo sát cho thấy, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành công thương năm 2024.

Trong năm 2024, Bộ Công thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành công thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn.

Với mục đích đưa Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, những năm qua, huyện Lục Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, cũng như quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thủy sản là một trong những mặt hàng còn nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Năm 2024, 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2025, triển vọng xuất khẩu sang các quốc gia này vẫn rất lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự