Lục Nam: Khai thác tiềm năng, phát triển sản phẩm OCOP
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/12/2024 | 3:02:51 PM
Được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua huyện Lục Nam đã khơi dậy và phát huy thế mạnh để đưa sản phẩm của quê hương ngày càng vươn xa, nâng cao giá trị và thu nhập cho người sản xuất.
Sản phẩm na dai Lục Nam đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
|
Nâng tầm sản phẩm địa phương
Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông nghiệp, nông thôn của huyện Lục Nam, giúp khơi dậy nhu cầu sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và khai thác được những nội lực trong nhân dân. Toàn huyện hiện có 28 sản phẩm được công nhận OCOP (vượt 20 sản phẩm so với mục tiêu đề ra), trong đó có 25 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao (trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo khô, rượu nếp cái hoa vàng Bảo Sơn). Dự kiến hết năm, toàn huyện có thêm 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, khi triển khai Chương trình OCOP, Lục Nam có những thuận lợi là đã hình thành những vùng sản xuất tập trung với đa dạng nông sản, các làng nghề. Cụ thể, trên địa bàn huyện có vùng sản xuất vải thiều, nhãn, dứa, na đạt tiêu chuẩn VietGAP tại một số xã trọng điểm như: Bình Sơn, Nghĩa Phương, Vô Tranh, Đông Phú, Đông Hưng, Trường Giang, Huyền Sơn, Bảo Sơn, Tam Dị…
Đến nay, toàn huyện có 3 sản phẩm chủ lực (cá, lúa, lạc), 1 sản phẩm đặc trưng (na dai), 9 sản phẩm tiềm năng (trứng gà, nhãn, táo, dưa hấu, khoai lang, khoai sọ, củ đậu, dứa), 1 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (na dai); 13 sản phẩm có nhãn hiệu hàng hóa tập thể (na dai Lục Nam, na dai Nghĩa Phương, dứa Lục Nam, rượu Núi Huyền, trà hoa vàng, nhãn Lục Sơn, khoai lang, khoai sọ, hạt dẻ, bưởi Mai Sưu, chả giã tay, dê, chim bồ câu).
Toàn huyện hiện có 28 sản phẩm được công nhận OCOP (vượt 20 sản phẩm so với mục tiêu đề ra), trong đó có 25 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao (trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo khô, rượu nếp cái hoa vàng Bảo Sơn). Dự kiến hết năm, toàn huyện có thêm 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP. |
Trên cơ sở tiềm năng ấy, địa phương đã tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể đầu tư phát triển thành sản phẩm OCOP. Theo đó, ngành chuyên môn đã tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế về nguyên liệu, văn hóa địa phương. Định kỳ hằng năm tổ chức từ 1 đến 2 đợt đánh giá, phân hạng cấp huyện và lựa chọn các sản phẩm đủ điểm để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Đơn cử như tháng 10 vừa qua, hai sản phẩm đặc trưng của địa phương là khoai lang ở Yên Sơn và nem chua riềng ở xã Trường Sơn đã được công nhận OCOP 3 sao. Trong tuần này, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP huyện tiếp tục tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 5 sản phẩm khác gồm: Bánh mật Thanh Lâm, long nhãn Lục Sơn, trà hoa vàng đông trùng túi lọc, mật ong đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo.
Theo ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Na dai Đại Đồng, xã Đông Phú, từ nhiều năm nay, cây na đã trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. HTX hiện có 28 thành viên, diện tích trồng na khoảng 14,5 ha, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/sào/năm. Hiện nay, sản phẩm na dai của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao, nhờ đó mà việc tiêu thụ thuận lợi hơn tại nhiều thị trường, giá trị cũng tăng thêm.
Cũng ra đời trên cơ sở đặc sản quê hương, sản phẩm OCOP 3 sao hạt dẻ Lục Nam và bưởi Mai Sưu cùng của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mai Sưu, xã Trường Sơn được cơ quan chuyên môn đánh giá cao về chất lượng, cũng như hình thức. Ông Hoàng Đăng Bình, đại diện HTX cho biết: "Để được công nhận OCOP, HTX đã được cơ quan chuyên môn tích cực hỗ trợ thực hiện các khâu tư vấn thiết kế mẫu bao bì, đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn, nhất là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… Cùng đó là hỗ trợ quảng bá, tôn vinh, xúc tiến tiêu thụ tại nhiều sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh. Đến nay các sản phẩm của HTX được nhiều đối tác, bạn hàng biết đến và hợp tác tiêu thụ”.
Đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ chủ thể
Ông Lê Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam cho biết, việc đẩy mạnh Chương trình OCOP đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính đặc trưng của huyện, qua đó nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Sau khi được công nhận OCOP, việc sản xuất, tiêu thụ ngày càng thuận lợi hơn, kể cả các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch hay trên các sàn thương mại điện tử, do đó doanh thu và lợi nhuận của chủ thể tăng lên.
Bên cạnh những lợi thế, hằng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình OCOP và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn chủ thể đăng ký, hoàn thiện hồ sơ tham gia. Trên cơ sở đăng ký của các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn thành lập tổ công tác đi khảo sát, tư vấn cho các chủ thể để phát triển các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, lợi thế đạt tiêu chuẩn OCOP. Cùng đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hộ sản xuất, HTX, DN trên địa bàn về Chương trình OCOP.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số khó khăn như các sản phẩm sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết thấp. Tiềm lực vốn của đa phần chủ thể còn yếu nên rất khó khăn trong việc đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng nhà xưởng. Nhiều chủ thể chưa chủ động trong khâu phân phối và tiếp thị sản phẩm....
Thời gian tới, huyện Lục Nam tiếp tục tăng cường các hoạt động tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm về bao bì, tem nhãn mác, xây dựng thương hiệu, hồ sơ để phát triển thành sản phẩm OCOP. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chủ thể về chuyển đổi số, kỹ năng về quản trị, marketing, bán hàng. Cùng với đó là tích cực hỗ trợ duy trì, tiêu chuẩn hóa, nâng hạng sản phẩm, tích cực đăng ký tham gia đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP, bảo đảm sản phẩm tham gia có chất lượng, an toàn; đồng thời, sử dụng nhãn mác, logo, biểu trưng theo quy định.
Hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua hội chợ, triển lãm. Song hành với đó là tăng cường giám sát, hỗ trợ chủ thể xây dựng hệ truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các tin khác
Số liệu khảo sát cho thấy, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng.
Trong năm 2024, Bộ Công thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành công thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.
Với mục đích đưa Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, những năm qua, huyện Lục Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, cũng như quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2024, 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2025, triển vọng xuất khẩu sang các quốc gia này vẫn rất lớn.