Bắc Giang: Trái cây tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/1/2025 | 9:11:06 PM

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung thu hoạch, tiêu thụ các loại trái cây như cam, bưởi, quýt, ổi, táo để phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ 2025. Sản lượng trái cây năm nay giảm song tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân.

Sản phẩm được bày bán tại Hội chợ cam, bưởi Lục Ngạn năm 2024.
Sản phẩm được bày bán tại Hội chợ cam, bưởi Lục Ngạn năm 2024.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm một số loại cây trồng bị thiệt hại. Năng suất, sản lượng của hầu hết các loại cây ăn quả đều giảm, trong đó cam, bưởi, táo giảm từ 17-40% so với vụ trước. Mặc dù vậy, với nhiều nhà vườn, vụ mùa này vẫn cho hiệu quả cao do tập trung chăm sóc nâng cao chất lượng sản phẩm, cộng thêm thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán ổn định.

Thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn là hai địa phương có diện tích cam, bưởi lớn nhất tỉnh với tổng số khoảng 4,1 nghìn ha, sản lượng vụ này ước đạt 33,7 nghìn tấn (bằng 78,7% so với vụ trước), trong đó riêng thị xã Chũ có hơn 2,3 nghìn ha, sản lượng ước đạt 23 nghìn tấn. Việc tiêu thụ sản phẩm diễn ra từ đầu tháng 10/2024 và dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết, một số ít sẽ được bán sau Tết. Các sản phẩm đã cơ bản thu hoạch xong như bưởi da xanh, cam lòng vàng, bưởi chín sớm... Đối với cam ngọt, bưởi sửu, bưởi đỏ tiến vua, bưởi đường, bưởi tạo hình... đang được khẩn trương thu hoạch. Nhiều thương nhân đã đặt mua theo vườn với giá cao ngay từ đầu vụ.

Ghi nhận tại các nhà vườn, thời điểm này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ dân đang khẩn trương thu hoạch để bán trong dịp Tết. Rất đông thương nhân ở các tỉnh, thành phố về nhập hàng đưa đi tiêu thụ. Tại vườn cam ngọt của gia đình chị Trần Thị Thủy, thôn Lai Hòa, xã Quý Sơn (thị xã Chũ), các thương nhân ở TP Bắc Giang, Hà Nội đang thu mua sản phẩm tại vườn giá 40 nghìn đồng/kg. Chị Thủy cho biết: "Gia đình tôi có 8 sào cam, vụ này dự kiến cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả (giảm 3 tấn so với vụ trước). Giá bán cam ngọt đầu vụ ở mức cao (60-70 nghìn đồng/kg). Gần đây, giá cam giảm đôi chút, dù vậy sau khi trừ chi phí, gia đình vẫn có lãi hơn 120 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số cây trồng khác”.

Thương nhân từ TP Bắc Giang đến mua cam ngọt tại vườn của gia đình chị Trần Thị Thủy, thôn Lai Hòa, xã Quý Sơn (thị xã Chũ).

Ngoài tiêu thụ sản phẩm trên kênh truyền thống, nhiều nhà vườn đã áp dụng phương thức bán hàng online. Một số HTX, hộ dân tích cực đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Ví như các sản phẩm cam, bưởi, táo, ổi của HTX Lục Ngạn xanh, xã Đồng Cốc (Lục Ngạn) được tiêu thụ chủ yếu qua các nền tảng thương mại điện tử. Khách ở xa chỉ cần gọi điện, nhắn tin chốt đơn, đặt cọc là hàng được giao đến tận nơi. HTX còn chú trọng đến bao bì sản phẩm, với hình thức đẹp, có tem truy xuất nguồn gốc, phù hợp để sử dụng hay dùng làm quà biếu, tặng.

Với phương châm "đưa chợ về vườn”, "đón khách về nhà”, các doanh nghiệp, HTX và nhà vườn tại thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn đã và đang đẩy mạnh kết nối đưa khách du lịch tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm trái cây ngay tại vườn. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, chỉ riêng trong Hội chợ cam, bưởi và Tuần du lịch Lục Ngạn (diễn ra vào cuối năm 2024) đã thu hút hơn 50 nghìn lượt khách du lịch, tiêu thụ được hơn 10 vạn quả bưởi và hơn 100 tấn cam.

Toàn tỉnh hiện đã thu hoạch được khoảng 27 nghìn tấn bưởi (đạt 72%); 18 nghìn tấn cam (đạt 74,7%) và 3,5 nghìn tấn táo (đạt 23,3%). So với cùng kỳ năm trước, giá cam, bưởi, táo đều tăng bình quân từ 10-15 nghìn đồng/kg. Trong đó, các loại quả độc lạ như bưởi đỏ tiến vua, bưởi tạo hình; bưởi, cam đạt tiêu chuẩn OCOP tiêu thụ càng thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao.

Trong bối cảnh diện tích cam, bưởi ngày càng bị thu hẹp thì tại Lục Ngạn diện tích táo lại có xu hướng tăng. Năm 2024, toàn huyện có hơn 1,1 nghìn ha táo (tăng gần 500 ha so với năm 2023), tập trung nhiều ở các xã, thị trấn: Giáp Sơn, Phú Nhuận, Phì Điền, Biển Động... Dù sản lượng chỉ đạt 57% so với vụ trước song giá táo đang tăng gấp đôi, thậm chí có thời điểm gấp ba nên nhiều hộ dân rất phấn khởi. Vườn táo 4 sào với khoảng 90 cây của gia đình ông Trương Văn Ân ở thôn Lim, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) năm nay cho khoảng 5 tấn. Mưa bão làm giảm 3 tấn so với dự kiến song do bán được giá nên trừ chi phí, gia đình lãi khoảng 150 triệu đồng.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện đã thu hoạch được khoảng 27 nghìn tấn bưởi (đạt 72%); khoảng 18 nghìn tấn cam (đạt 74,7%) và khoảng 3,5 nghìn tấn táo (đạt 23,3%). So với cùng kỳ năm ngoái, giá cam, bưởi và táo bình quân đều tăng 10-15 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, các loại quả độc lạ, chất lượng cao như bưởi đỏ tiến vua, bưởi tạo hình; bưởi, cam đạt tiêu chuẩn OCOP tiêu thụ càng thuận lợi.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang có một số trái cây khác được thu hoạch trong dịp này như: Chuối, na, ổi… cũng đều có giá bán cao hơn mọi năm.

Tết Nguyên đán đã cận kề, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, đối với những vườn cây ăn quả chưa thu hoạch, bà con cần tập trung thu hái để bán vào dịp trước Tết khi nhu cầu của thị trường tăng cao. Đối với vườn đã thu hái quả xong cần tiến hành tỉa cuống quả, cành sâu bệnh, cành vượt, dập gãy... tạo tán cho cây. Cùng đó, sử dụng biện pháp cuốc lật đất nhẹ xung quanh gốc dưới tán cây (đối với bưởi da xanh) tạo điều kiện cho cây phân hóa mầm hoa, sau đó tưới thúc phân lân để kích cây ra hoa. Chú ý phòng trừ các đối tượng sâu bệnh như: Bọ xít, nhện đỏ, rệp, bệnh phấn trắng, mốc sương... bằng các loại chế phẩm sinh học, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cây phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả cao trong vụ tới.

Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để bảo đảm sản phẩm cây ăn quả đạt chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Chú trọng tập huấn, chỉ đạo sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hướng hữu cơ; tập trung thâm canh tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm bảo vệ môi trường. Khuyến khích các mô hình nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường kết hợp với du lịch trải nghiệm và chủ động kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa dịch hại trên cây trồng.

Các tin khác
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng Bộ trưởng Việc làm, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen tại lễ ký kết. (Ảnh: Molisa)

Việt Nam-Phần Lan đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ đi làm việc tại Phần Lan. Bản ghi nhớ hợp tác này có giá trị trong vòng 5 năm, từ năm 2025 đến 2030.

Buổi livestream bán hàng trên Sàn TMĐT của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, Nan Định). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Đại diện Tổng cục Thuế tối 10/1 cho biết, thông tin lan truyền trên mạng xã hội “từ ngày 1/1/2025, cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế thương mại điện tử (TMĐT)” là không chính xác, không đúng theo quy định pháp luật thuế.

Khách hàng tham quan, mua sắm tại Siêu thị OCOP Bắc Giang.

Hiện nay, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đều quan tâm mở rộng hệ thống gian hàng, điểm giới thiệu, trưng bày và tiêu thụ sản phẩm. Điều này nhằm đáp ứng mục tiêu quảng bá, đưa mặt hàng chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng, qua đó kết nối phát triển du lịch, lan tỏa hình ảnh Bắc Giang.

Khu vực sản xuất quần, áo của Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong.

Từ vị trí đứng thứ 6 cả nước về giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm trước, đến năm 2024, Bắc Giang vươn lên đứng thứ 5 cả nước. Với quyết tâm tiếp tục giữ đà tăng trưởng, đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong tỉnh đã tăng tốc sản xuất kinh doanh, tích cực tìm kiếm thị trường và ký được nhiều đơn hàng mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự