Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản hướng tới giai đoạn phát triển mới

  • Cập nhật: Thứ bảy, 30/4/2022 | 8:56:59 PM

Trải qua gần 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu hợp tác nổi bật trên các lĩnh vực. Trong thời gian tới, hai bên đang đẩy mạnh hợp tác nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, sâu sắc, thực chất và hiệu quả hơn.

Việt Nam và Nhật Bản duy trì trao đổi đoàn các cấp. (Ảnh Bộ Ngoại Giao)
Việt Nam và Nhật Bản duy trì trao đổi đoàn các cấp. (Ảnh Bộ Ngoại Giao)

Đều là đối tác quan trọng của nhau và chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển tốt đẹp, nhất là sau khi hai bên nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á năm 2014. Những chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, các cấp hai nước được duy trì thường xuyên, góp phần tăng cường quan hệ chính trị và tạo đà hợp tác trên các lĩnh vực. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư năng động, góp phần tăng cường gắn kết giữa hai nền kinh tế.

Là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Nhật Bản hiện là nước tài trợ viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ ba, đối tác thương mại lớn thứ tư của nước ta. Trong ba tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 11,2 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2021. Lũy kế đến ngày 20/3/2022, Nhật Bản có 4.828 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 64,41 tỷ USD. Bên cạnh đó, hợp tác trong các lĩnh vực như quốc phòng-an ninh, y tế, nông nghiệp, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo... cũng đạt được nhiều tiến triển tích cực.

Nhằm tạo động lực đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng 11/2021, hai bên thông qua Tuyên bố chung "Hướng tới việc mở ra một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Trong Tuyên bố chung, hai bên thống nhất các phương hướng lớn nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng-an ninh, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng…

Theo đó, Việt Nam và Nhật Bản sẽ nỗ lực đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bước vào giai đoạn phát triển mới hiệu quả và thực chất hơn. Hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước cùng quan tâm và Nhật Bản có thế mạnh như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nông nghiệp sạch, công nghệ cao... Hai bên cũng khẳng định tiếp tục thúc đẩy các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Như Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Nhật Bản là bạn, là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu của Việt Nam và có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Phía Nhật Bản cũng nhiều lần nhấn mạnh vị thế của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của nước này tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trên cơ sở đó, hai bên cam kết tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)... nhằm đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới. Đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam và Nhật Bản phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai và tận dụng hiệu quả những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.

Năm 2023 sẽ đánh dấu tròn 50 năm kể từ khi Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao; đồng thời cũng là thời điểm quan hệ hai nước chuẩn bị bước sang một trang mới. Nhằm kỷ niệm dấu mốc quan trọng này, hai bên đều khẳng định tiếp tục củng cố niềm tin, thắt chặt tình hữu nghị và nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Việt Nam và Nhật Bản sẽ nỗ lực khai thác hiệu quả những tiềm năng hợp tác, xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

 
BD- Theo TTXVN

Các tin khác
Một cô gái đang phát sóng trực tiếp để bán vải thiều qua mạng ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc mới đây công bố thông tin thú vị về số lượng khổng lồ người đang làm nghề phát sóng trực tiếp (livestream) trên mạng ở đất nước 1,4 tỷ dân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 15/10/2024. Ảnh: Website Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Ngày 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh đã bày tỏ quan tâm đến sự phát triển của tình hình bán đảo Triều Tiên và xu hướng quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc.

Nữ nhà văn người Hàn Quốc Han Kang tại cuộc họp báo ở Seoul ngày 14/11/2023. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Chiều tối 10/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố giải Nobel Văn học 2024 thuộc về nữ nhà văn người Hàn Quốc Han Kang.

Người dân Hàn Quốc xếp hàng mua thịt tại chợ truyền thống.

Chợ truyền thống vẫn là mô hình rất phát triển ở Hàn Quốc và đặc biệt người Hàn Quốc cũng rất ưa chuộng đến mua sắm ở các chợ truyền thống trong những dịp lễ tết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự