Hội nghị thượng đỉnh G7 ra tuyên bố về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine
- Cập nhật: Thứ hai, 27/6/2022 | 9:48:23 PM
Ngày 27/6, tại ngày họp thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Đức, lãnh đạo các nước thành viên G7 đã ra tuyên bố chung về căng thẳng Nga-Ukraine, đồng thời xem xét 1 gói hành động mới nhằm gia tăng sức ép đối với Moskva liên quan vấn đề Ukraine.
![]() |
Các lãnh đạo G7 và EU tham dự cuộc làm việc trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở lâu đài Schloss Elmau, Bavaria, Đức, ngày 27/6/2022. (Ảnh: REUTERS)
|
Với cương vị Chủ tịch G7, chủ trì hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố G7 sẽ tiếp tục đứng về phía Ukraine và tiếp tục "gia tăng sức ép” với Nga.
Sau phát biểu trực tuyến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với hội nghị, lãnh đạo các nước G7 đã cam kết duy trì và tăng cường áp lực kinh tế cũng như chính trị đối với Nga.
Bên cạnh đó, G7 khẳng định "sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và sát cánh với Ukraine trong thời gian cần thiết”.
Tuyên bố nêu rõ các nền kinh tế hàng đầu sẽ tìm cách tạo ra "hành lang an toàn” cho những người tị nạn, bằng cách hợp lý hóa các thủ tục nhập cư và các yêu cầu về thị thực.
G7 khẳng định sẽ cố gắng đáp ứng các nhu cầu nhân đạo của Ukraine, bao gồm phục hồi và tái thiết, trong đó có thể bao gồm cả việc sử dụng các tài sản của Nga bị phong tỏa theo luật quốc gia.
Bên cạnh tuyên bố chung về tình hình Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 cũng đạt được tiến bộ trong việc đặt ra mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, nhằm hạn chế nguồn thu năng lượng của Moskva.
Ngoài năng lượng, lãnh đạo các nước G7 khẳng định sẽ mở rộng các lệnh trừng phạt, nhằm hạn chế hơn nữa việc Nga tiếp cận các nguyên liệu công nghiệp, dịch vụ và công nghệ then chốt cho công nghiệp quốc phòng.
Hãng tin Reuters dẫn lời 1 quan chức phát biểu bên lề hội nghị cho biết: "Mục tiêu kép của các nhà lãnh đạo G7 không chỉ nhằm trực tiếp vào nguồn thu của Nga, đặc biệt là thông qua năng lượng, mà còn giảm thiểu tác động lan rộng đối với các nền kinh tế G7 nói riêng và phần còn lại của thế giới nói chung”.
Những thông tin về kế hoạch gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ và bộ máy quân sự của Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến với Hội nghị thượng đỉnh G7, kêu gọi sự giúp đỡ nhiều hơn.
Ông Zelensky đã đề nghị G7 cung cấp các hệ thống phòng không, bảo đảm an ninh, trợ giúp về xuất khẩu ngũ cốc và viện trợ tái thiết, đặc biệt là gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.
Các tin khác

Sự đổi mới của Trung Quốc đang "bay cao", từ xe điện phủ kín công nghệ, điện thoại thông minh gập đầu tiên trên thế giới, đến taxi bay cá nhân, máy xây nhà...
Ngày 3/3, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra giữa xe tải và xe buýt ở miền Nam Bolivia, khiến ít nhất 15 người tử vong.

Năm 2025 hứa hẹn sẽ có bước tiến lớn trong lĩnh vực không gian vũ trụ, khi nhiều quốc gia và công ty tư nhân chuẩn bị cho hàng loạt sứ mệnh khám phá Mặt Trăng và xa hơn nữa.

Chi phí khám chấn thương của Nguyễn Xuân Son trước khi về Việt Nam do Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan Nualphan Lamsam (Madam Pang) chi trả.