Thúc đẩy nền điện ảnh bằng điều luật mới
- Cập nhật: Thứ ba, 8/3/2022 | 2:38:52 PM
Ðể hoàn thiện Dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sau hai hội nghị, Dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ hoàn thiện, khả thi hơn.
Ðoàn làm phim quay cảnh trong phim Dấu chân du mục tại Ninh Thuận.
|
Tại hội nghị ở Hà Nội, những nội dung được nghiên cứu sửa đổi bao gồm: Cấp phép thẩm định phân loại phim (Ðiều 27 đến 32); phổ biến phim, đặc biệt là vấn đề hậu kiểm trong việc phổ biến phim trên không gian mạng (Ðiều 21). Các ý kiến cho rằng, hiện nay, điều kiện về tổ chức bộ máy, năng lực, kỹ thuật... có thể đáp ứng yêu cầu, cho nên tất cả vấn đề này cần được quan tâm, sát sao hơn. Cụ thể, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ðiều 21 được chỉnh lý ở ba điểm như sau:
Một là, bổ sung điểm e, g khoản 1 quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng, thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để quản lý, giám hộ trẻ em xem phim phù hợp lứa tuổi; cung cấp công cụ để người sử dụng dịch vụ phản ánh nội dung phim vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước. Hai là, chỉnh sửa bổ sung khoản 2 quy định trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng trên không gian mạng về gỡ bỏ phim vi phạm. Ba là, chỉnh lý khoản 6 quy định trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông về kiểm tra nội dung phim, xử lý vi phạm phổ biến phim trên mạng cho phù hợp hơn.
Ðại diện Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Quỳnh Liên cho biết: Bộ Tư pháp đồng tình với việc hậu kiểm các phim phổ biến trên không gian mạng vì thực tế cho thấy chúng ta không đủ nhân lực và công cụ để có thể kiểm duyệt phim trên mạng trước khi chiếu. Với phim chiếu trên không gian mạng nên tiến hành theo hình thức hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị phát hành, phổ biến phim cũng như tác động vào ý thức của người xem, tránh đặt gánh nặng tiền kiểm lên các cơ quan quản lý nhà nước trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, phổ biến, phát hành phim trên mạng.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Trần Thị Phương Lan, Ðiều 31 của Dự thảo Luật với nội dung về Hội đồng thẩm định và phân loại phim, ở khoản 2 về nội dung, thành phần Hội đồng gồm nhà chuyên môn điện ảnh, chuyên gia, các nhà quản lý của các lĩnh vực liên quan tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên, việc quy định cứng hai phần ba hội đồng là các nhà chuyên môn, ở một số trường hợp sẽ khó khả thi, thí dụ Hội đồng Thẩm định phim quốc tế, tỷ lệ nêu trên không bao giờ đạt được. Về vấn đề bảo hộ phim Việt, luật cần quy định rõ tỷ lệ phổ biến, một cơ chế rất quan trọng để bảo vệ phim, phát triển công nghiệp điện ảnh; nhu cầu về nhân lực, kỹ thuật cho hậu kiểm; tính công bằng đối với các nhà sản xuất, đơn vị phát hành trong kiểm duyệt; phải khẳng định rõ thêm vấn đề chuyển đổi số trong công nghiệp điện ảnh.
Tại hội nghị ở thành phố Hồ Chí Minh, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD cho rằng: Trong luật nên có điều khoản khuyến khích sự đa dạng văn hóa trong điện ảnh, khuyến khích các thể loại khác nhau, các nghệ sĩ theo đuổi những dòng phim khác nhau và có chính sách hỗ trợ riêng để không ai thấy mình bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, đại diện BHD nêu ra những vấn đề bất cập trong sản xuất phim liên quan các thủ tục xin phép. Thí dụ, một địa điểm đơn vị làm phim muốn quay, thường phải xin ít nhất 4-5 giấy phép, qua nhiều cơ quan khác nhau.
Ðội ngũ làm phim nhiều khi thấy khó khăn đành chuyển vào phim trường trong nhà... vậy làm sao có thể quảng bá các địa điểm văn hóa? Hoặc ở các di tích quốc gia, nhiều thành phố hỗ trợ cho đoàn phim, nhưng cũng có không ít địa điểm tính giá "trên trời”. Ở nhiều quốc gia, trong luật rất rõ ràng, tất cả những điểm công cộng của Nhà nước thì đơn vị sản xuất phim không cần xin giấy phép, chỉ cần thông báo và có những cam kết theo quy định.
Ðạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: Hàn Quốc có những bộ phim đoạt giải Oscar như "Ký sinh trùng” hoặc "Trò chơi con mực” gây chú ý đặc biệt trên Netflix, một phần là bởi từ năm 1998, họ có thay đổi lớn trong việc làm luật: Từ quản lý sang ủng hộ. Trong khi chúng ta cũng có các quy định trong luật, nhưng khi đọc cảm giác phần kiểm soát, quản lý mạnh hơn, tạo cảm giác lo lắng cho người làm phim hơn là tự tin sáng tạo; trong khi cụ thể cần quảng bá hình ảnh văn hóa đất nước thế nào lại chưa đẩy mạnh.
Vấn đề Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng là nội dung gây chú ý trong hai hội nghị. Tại Ðiều 6, Luật Ðiện ảnh năm 2006 đã quy định về Quỹ, tuy nhiên chưa được thành lập do chưa xác định được nguồn thu ổn định để bảo đảm hoạt động. Không ít ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV chưa đồng tình việc thành lập Quỹ. Trong dự thảo đưa ra cũng chưa thấy xác định được nguồn thu nào ngoài nguồn ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ. Bộ Tài chính đề nghị không quy định thành lập Quỹ. Phó Chủ tịch Hội Ðiện ảnh Việt Nam Lê Hồng Chương cho rằng, hiện chúng ta hiểu chưa đúng về Quỹ.
Theo ông, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, Quỹ là công cụ của nhà nước để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh và nhiều nước đã tiến hành thu phí. Thí dụ, Pháp thu hơn 10% cho phim thị trường, 6% cho phim theo định hướng của Nhà nước. Từ đó Nhà nước mới đủ tiềm lực để can thiệp vào thị trường này. Vì thế, phải xác định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là công cụ của nhà nước để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh theo định hướng.
Dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) cần có những chính sách để ngành điện ảnh liên kết các ngành công nghiệp khác, khuyến khích tổ chức cá nhân tham gia sản xuất phim thực hiện được mục tiêu liên kết phát triển, để phát huy thế mạnh của điện ảnh. Vai trò, quy định cụ thể của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng cần điều chỉnh theo xu hướng này.
Về nhiệm vụ chính trị trong môi trường điện ảnh, đạo diễn Phan Ðăng Di nhấn mạnh, có một vấn đề lâu nay chúng ta không dám đối mặt, là việc nhìn lại hiệu quả đầu tư ngân sách cho tác phẩm điện ảnh. Ðã đến lúc nhiệm vụ chính trị cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn, tức là "dân tộc Việt Nam phải có tiếng nói trong điện ảnh” trên bình diện rộng hơn, phải có những tác phẩm đóng góp vào điện ảnh thế giới, phải đến được các Liên hoan phim hàng đầu của thế giới. Chừng nào phim Việt Nam chưa vào được Liên hoan phim quốc tế hạng A thì lúc đó nền điện ảnh chúng ta vẫn là vô danh. Theo đạo diễn Phan Ðăng Di, có nhiều yếu tố trong luật tuy được quy định, như phát triển nguồn nhân lực (Ðiều 6), nhưng rất chung chung mà không có cơ chế để hiện thực hóa.
Phát biểu tại Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) tại Hà Nội, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Ðông nhận định, Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) được xây dựng với mục đích hỗ trợ nền điện ảnh phát triển, do đó các quy định, điều khoản đều cần hướng tới việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho các nhà làm phim. Ðiện ảnh luôn là mũi nhọn trong ngành công nghiệp văn hóa và được dự đoán sẽ có sự phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Thúc đẩy phát triển điện ảnh cần đặt lên hàng đầu, sau đó mới là quản lý.
Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) ra đời phải thực thi được trong hiện tại, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tạo nên sức mạnh mềm về văn hóa. Ông Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ ra vấn đề quản lý đặt quá nặng trong luật. Cân bằng được việc vừa tạo hành lang pháp lý, vừa tạo môi trường để phát triển là rất khó.
Theo ông, điện ảnh là sân chơi "nguy hiểm” bởi nhiều khi có thể mất đến hàng chục tỷ đồng. Do đó, các chính sách của Nhà nước nên là "bà đỡ” của điện ảnh và cụ thể luật sửa đổi sẽ đáp ứng được phần nào. Nên tạo hành lang pháp lý để nhà làm phim tự tin thay vì lo ngại, là quan điểm của nhiều nhà làm phim được trình bày tại hai hội nghị.
So với Luật Ðiện ảnh 2006 (sửa đổi, bổ sung 2009), dự thảo trình Quốc hội vào tháng 10/2021, Dự thảo Luật chỉnh lý đến ngày 18/2 đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều chuyên gia, nhà làm phim cho rằng, các vấn đề trọng tâm, như: phát triển nguồn nhân lực điện ảnh, sản xuất và phổ biến phim, thẩm quyền cấp phép phân loại phim, lưu trữ và lưu chiểu phim… đã được điều chỉnh theo hướng chi tiết hơn, phù hợp thực tế thị trường và có tiến bộ. Ðây cũng là cơ sở để có niềm tin, luật mới ra đời sẽ thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà phát triển.
Các tin khác
Ngày 3/12, hãng tin BBC (Anh) đã công bố danh sách “100 phụ nữ truyền cảm hứng nhất năm 2024”, vinh danh những người phụ nữ xuất sắc, những cá nhân đã không ngừng vượt qua thử thách và cống hiến để làm thay đổi thế giới. Nữ đạo diễn Xuân Phượng, 95 tuổi, nằm trong số những gương mặt truyền cảm hứng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ ngày 23/12.
Sau sáu lần tổ chức, năm nay là lần đầu Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái vừa được tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) vào trung tuần tháng 11. Đây là dịp để nhân dân Thủ đô và khách du lịch có thể tìm hiểu về một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của then, đàn tính trong cuộc sống đương đại, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Với các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng, trình diễn đặc sắc, kết hợp các phóng sự linh kiện, Chương trình “Ánh sao người lính” mang lại cảm xúc hào hùng, tự hào và tôn vinh sức mạnh chính trị-tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam.