Đề xuất đầu tư hơn 122 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030
- Cập nhật: Thứ hai, 3/6/2024 | 4:38:00 PM
Đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Chính phủ đề xuất huy động nguồn lực thực hiện khoảng 122.250 tỷ đồng cho giai đoạn 2025-2030, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu khoảng 77 nghìn tỷ đồng (chiếm 63%).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
|
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 3/6, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp văn hóa có năng lực cạnh tranh cao
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần với các chỉ tiêu chi tiết, nhiệm vụ, hoạt động cụ thể theo đúng nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.
Theo đó, 10 nội dung thành phần gồm: phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; xây dựng môi trường văn hoá từ cơ sở; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa…
Chương trình cũng sẽ hướng đến phát triển nguồn nhân lực văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghiệp văn hóa và thị trường sản phẩm công nghiệp văn hóa có năng lực cạnh tranh cao.
Về nguồn lực thực hiện Chương trình, Chính phủ đề xuất huy động 122.250 tỷ đồng cho giai đoạn 2025-2030, gồm: vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp tối thiểu khoảng 77 nghìn tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15 nghìn tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Đối tượng, phạm vi của chương trình dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia. "Đề xuất này nhằm triển khai các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Tuy nhiên, Chính phủ đề xuất xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Về thời gian thực hiện Chương trình, Chính phủ đề xuất thực hiện trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035, chia làm các giai đoạn:
Năm 2025: tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.
Kỳ trung hạn 2026-2030: Tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua.
Giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031-2035: Tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.
Cơ bản nhất trí với dự kiến nguồn lực thực hiện như đề xuất của Chính phủ
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Chính phủ và cho rằng, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Đồng thời, tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.
Về phân chia các dự án thành phần và phạm vi thực hiện Chương trình, có hai loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất, thống nhất với ý kiến của Chính phủ xây dựng Chương trình theo các nhóm nội dung thành phần.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị Chương trình cần được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, xây dựng thành các dự án thành phần, trong đó quy định cụ thể mục tiêu, đối tượng, nội dung, cơ quan thực hiện, vốn và nguồn vốn, cơ quan chịu trách nhiệm, sản phẩm đầu ra của dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đối với một số nhiệm vụ, giải pháp khó có thể thiết kế thành dự án thành phần, đề nghị nghiên cứu, đề xuất báo cáo Quốc hội cho phép thiết kế theo nhóm nội dung thành phần. Đây cũng là phương án nhận được sự đồng thuận của đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.
Khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công quy định chương trình mục tiêu quốc gia có phạm vi đầu tư ở trong nước. Tuy nhiên, Chương trình có nội dung đầu tư, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Ủy ban cho rằng việc nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đa số thành viên Ủy ban thống nhất với kiến nghị của Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công. Đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và nguồn lực bảo đảm thực hiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài trong điều kiện hiện nay. Trong trường hợp thật cần thiết, đề nghị sử dụng nguồn vốn khác ngoài chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án này theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Về dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư cũng như mức bố trí vốn ngân sách trung ương cho Chương trình. Hội đồng thẩm định quốc gia xác nhận đây là mức có thể chấp nhận được, nằm trong khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
Về thời gian thực hiện, đa số thành viên Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, thời gian thực hiện Chương trình là 11 năm, phân chia thành 3 giai đoạn là hợp lý; có thời gian để các cơ quan chuẩn bị thực hiện Chương trình.
Ủy ban nhất trí với 10 nội dung thành phần của Chương trình, tuy nhiên đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, nghiên cứu điều chỉnh, sắp xếp các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ một cách cụ thể, hệ thống, phù hợp hơn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.
Các tin khác
Ngày 3/12, hãng tin BBC (Anh) đã công bố danh sách “100 phụ nữ truyền cảm hứng nhất năm 2024”, vinh danh những người phụ nữ xuất sắc, những cá nhân đã không ngừng vượt qua thử thách và cống hiến để làm thay đổi thế giới. Nữ đạo diễn Xuân Phượng, 95 tuổi, nằm trong số những gương mặt truyền cảm hứng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ ngày 23/12.
Sau sáu lần tổ chức, năm nay là lần đầu Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái vừa được tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) vào trung tuần tháng 11. Đây là dịp để nhân dân Thủ đô và khách du lịch có thể tìm hiểu về một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của then, đàn tính trong cuộc sống đương đại, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Với các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng, trình diễn đặc sắc, kết hợp các phóng sự linh kiện, Chương trình “Ánh sao người lính” mang lại cảm xúc hào hùng, tự hào và tôn vinh sức mạnh chính trị-tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam.