63 tỉnh thành sẽ có 1.260 công trình điêu khắc, 1.980 công trình nghệ thuật: Có cần thiết?
- Cập nhật: Thứ năm, 20/6/2024 | 8:40:42 AM
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng có tiền chúng ta xây dựng được một con đường, có tiền làm được bệnh viện, trường học, nhưng có tiền chưa chắc đã có được giá trị văn hóa.
Quang cảnh kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Ảnh: TTXVN
|
Sáng 19-6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Ảnh: GIA HÂN
Cần rà soát, thu hẹp mục tiêu
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) dẫn tờ trình của Chính phủ có đề xuất tổng nguồn lực cho cả giai đoạn là 256.250 tỉ đồng và cho rằng đây là con số rất lớn so với thực lực ngân sách.
Theo đó, lớn hơn gấp 14 lần so với số thực hiện trong giai đoạn 2011-2020 và về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn là chưa đầy đủ.
Theo bà Mai, hiện chúng ta chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa có kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, chưa có tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn. Vì vậy, việc đề xuất con số như trên, theo bà Mai là chưa phù hợp với Luật Đầu tư công.
"Tờ trình nêu dựa vào báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước. Tuy nhiên, tại báo cáo số 2016, Hội đồng thẩm định nhà nước đã khẳng định là "chưa đủ cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho chương trình trong giai đoạn 2026-2030.
Tiếp đó, tại báo cáo số 624, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rất rõ là "chưa rõ cơ sở, chưa rõ khả năng cân đối nguồn vốn khi đề xuất nguồn lực quá lớn", bà Mai nêu.
Về huy động nguồn cho ngân sách trung ương, bà Mai nói theo báo cáo của Chính phủ thì dự kiến huy động từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2022. Tuy nhiên, điều này không khả thi, vì đây là nguồn đã được phân bổ hết từ năm 2023.
Báo cáo của Chính phủ có nêu sẽ lấy từ số thu xổ số kiến thiết và từ tiền chuyển quyền sử dụng đất. Nhưng điều này trái với Luật Ngân sách nhà nước, bởi đây là số thu để lại cho ngân sách địa phương 100%.
Vì vậy, bà cho rằng cần rà soát thận trọng, thu hẹp mục tiêu và trên cơ sở đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn thì đưa ra một con số phù hợp, đảm bảo hài hòa và công bằng với các mục tiêu bức thiết khác.
Liên quan đến tính khả thi, hợp lý của các mục tiêu, sau khi rà soát, bà cho rằng cần thu hẹp mục tiêu, vì quá dàn trải, nhiều mục tiêu cần cân nhắc tính khả thi.
Như việc quy định 100% các lĩnh vực có bộ quy tắc ứng xử; 100% các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cần ban hành quy chế, nội quy giao tiếp.
Bà Mai chỉ rõ việc ban hành quy chế trong nhiều trường hợp là cần thiết. Tuy nhiên, Hiến pháp quy định người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Do vậy, rất cần cân nhắc để có mức độ hợp lý, tránh lạm dụng.
Bên cạnh đó, bà dẫn chỉ tiêu hằng năm 100% các tỉnh, thành phố phải có 2 công trình điêu khắc, 3 công trình mỹ thuật. Như vậy, 10 năm mỗi tỉnh sẽ có 20 công trình điêu khắc, 30 công trình nghệ thuật.
"Chúng ta có 63 tỉnh, thành sẽ có 1.260 công trình điêu khắc, 1.980 công trình nghệ thuật. Liệu có nhất thiết phải như vậy không, trong khi còn rất nhiều mục tiêu khác cần ưu tiên.
Chúng ta quy định 100% thành phố trực thuộc trung ương phải xây dựng tối thiểu 1 công trình văn hóa cấp châu lục, quốc tế.
Nếu vậy, cả đất nước sẽ là một công trình và kinh phí rất lớn. Hay quy định phải có 70 đề tài khoa học cấp bộ và hằng năm 80% các tỉnh phải có ít nhất một đề tài khoa học về văn hóa...", bà Mai nêu thêm.
Từ đó, bà đề nghị cần rà soát, thu hẹp mục tiêu theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả và không vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
"Có tiền chúng ta xây dựng được một con đường, có tiền làm được bệnh viện, trường học, nhưng có tiền chưa chắc đã có được giá trị văn hóa.
Tôi cho rằng cùng với đầu tư nguồn lực, rất cần những giải pháp đặc thù phù hợp, có cách làm đúng đắn, hiệu quả để đạt được mong muốn như đề ra", bà Mai nhấn mạnh thêm.
Quan trọng là cách cho
Phát biểu giải trình về nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói ông đã dẫn chứng "tiền nhiều hay ít không quan trọng bằng cách cho như cha ông mình hay nói, cách nhìn của chúng ta như thế".
Ông cho hay khi làm phải dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính toán trong lộ trình.
Như các nguồn thu, bội thu ngân sách của Nhà nước trong những năm gần đây và tính toán về tổng nguồn để dự kiến có thể phù hợp, tương thích với các chương trình khác ở trong này.
"Chúng tôi nghĩ vấn đề không quá lớn nếu đại biểu có sự cảm thông, chia sẻ", ông Hùng nói.
Theo BGTV
Các tin khác
Ngày 3/12, hãng tin BBC (Anh) đã công bố danh sách “100 phụ nữ truyền cảm hứng nhất năm 2024”, vinh danh những người phụ nữ xuất sắc, những cá nhân đã không ngừng vượt qua thử thách và cống hiến để làm thay đổi thế giới. Nữ đạo diễn Xuân Phượng, 95 tuổi, nằm trong số những gương mặt truyền cảm hứng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ ngày 23/12.
Sau sáu lần tổ chức, năm nay là lần đầu Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái vừa được tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) vào trung tuần tháng 11. Đây là dịp để nhân dân Thủ đô và khách du lịch có thể tìm hiểu về một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của then, đàn tính trong cuộc sống đương đại, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Với các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng, trình diễn đặc sắc, kết hợp các phóng sự linh kiện, Chương trình “Ánh sao người lính” mang lại cảm xúc hào hùng, tự hào và tôn vinh sức mạnh chính trị-tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam.