Giấc mơ bảo tàng nghệ thuật (kỳ 2) Kỳ 2: Tiềm năng trước mặt, trách nhiệm trong tay
- Cập nhật: Thứ ba, 9/7/2024 | 1:51:24 PM
Thực tiễn đang gợi ý nhiều điều cho ngành văn hóa, các hội văn nghệ của đất nước, cho cả các tổ chức, cá nhân có điều kiện và tâm huyết giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử và hiện vật, di sản văn nghệ nước nhà. Trách nhiệm cao trong vấn đề bảo tàng cho các ngành nghệ thuật cũng nên thuộc về các nhà quản lý ngành văn hóa, lãnh đạo các hội văn nghệ, trên cơ sở những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về chú trọng đầu tư, phát huy giá trị văn hóa và các thành tựu văn học nghệ thuật của dân tộc.
|
Cần có bảo tàng để lưu trữ và giới thiệu những tư liệu ảnh quý giá. |
Tiềm năng cho bảo tàng nghệ thuật
Thời điểm hiện tại, khi đời sống văn hóa phát triển sôi động, cùng với sự xuất hiện của nhiều không gian bảo tồn, bảo tàng văn hóa truyền thống, nghề cổ… của cả Nhà nước lẫn tư nhân, thì sự thiếu vắng các bảo tàng cho một số ngành nghệ thuật của đất nước như phim, ảnh, ca-múa-nhạc, kiến trúc, văn nghệ dân gian…, thực sự đáng phải rung chuông cảnh báo!
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Văn học Việt Nam, như đã phản ánh, là hai thí dụ của một "cũ”, một "mới”, khi đã định hình về tổ chức, quy mô, cơ sở vật chất, nhân sự và đón những xu hướng mới của hoạt động bảo tàng, thì có sự nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong hoạt động nhằm phát huy các nguồn lực tiềm tàng của mình. Từ đây gợi ra kỳ vọng cho sự thăng hoa, tỏa sáng của các "bảo tàng nếu có” khác thuộc các lĩnh vực nghệ thuật còn thiếu thiết chế đặc thù này. Nếu được quan tâm đầu tư xây dựng và có nguồn nhân lực thiết yếu, thì trong bối cảnh nở rộ nhiều mô hình hợp tác giữa văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ với du lịch, giáo dục và chính quyền các địa phương… hiện nay, thì khả năng các bảo tàng tương lai đó sẽ sớm thiết lập và áp dụng được những phương thức hoạt động phù hợp, mang lại nguồn lợi về vật chất lẫn tinh thần cho công chúng và chính những người làm bảo tàng. Rộng hơn, là cho các thành phần văn nghệ sĩ, tác giả và các cơ quan, tổ chức chủ quan của các bảo tàng đó.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam liên hệ, những năm 1990-2000, chúng ta ghi nhận công lao của PGS, TS Nguyễn Văn Huy trong việc góp sức gây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Sinh viên kiến trúc đến đó, tìm hiểu nhà Thái, nhà trình tường… như thế nào. Bây giờ, nếu có một bảo tàng riêng cho kiến trúc thì tuyệt vời quá! Chúng ta sẽ đưa vào mô hình đình Tây Đằng, nhà sàn Việt Bắc, nhà sàn Bác Hồ… Người đến xem sẽ hiểu ngôi nhà Bắc Bộ hài hòa như thế nào với thiên nhiên; sẽ cùng suy tư về vấn đề phát triển đô thị thông minh… Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh, đừng nghĩ bảo tàng chỉ để… làm "bảo tàng”. Mà đó sẽ là không gian sáng tạo. Bảo tàng ngày nay không chỉ là nơi lưu giữ lịch sử mà còn là nơi truyền tải những bài học cho thế hệ trẻ, nơi để sáng tạo các giá trị mới, cũng như nơi lấy giá trị văn hóa để tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội.
Liên hệ đến một lĩnh vực rất đặc thù là văn nghệ dân gian, GS, TS Trịnh Sinh, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội kỳ vọng, nếu xây dựng được bảo tàng cho lĩnh vực văn nghệ dân gian thì rất hay! Bảo tàng sẽ đi sâu vào giới thiệu các sinh hoạt văn nghệ cổ truyền như lễ hội và các di sản truyền khẩu; trưng bày các hiện vật nghệ thuật như trống đồng và các tác phẩm mỹ thuật trong dân gian… Trên thế giới, như ở Mỹ, đã có các mô hình bảo tàng văn nghệ dân gian. Ở Nhật Bản, mô hình bảo tàng cổ vật rất hay, thu hút nhiều du khách; gặt hái nhiều thu hoạch về kinh phí và quảng bá văn hóa rất hiệu quả.
Những năm qua, nhiều điệu múa cổ đã được phục hồi. Cần có không gian bảo tàng phù hợp để trưng bày, trình chiếu rộng rãi hình ảnh, tư liệu về các di sản đặc sắc này. |
Những ai nên làm bảo tàng?
Mong chờ những bảo tàng nghệ thuật "kiểu mới” là suy nghĩ chung của nhiều nghệ sĩ, chuyên gia. Theo đó, với mục tiêu cao nhất là có được không gian bảo tàng với cơ chế vận hành linh hoạt, đa dạng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các hiện vật và câu chuyện nghệ thuật, thì trong bối cảnh hiện tại và nhìn trước tương lai, có thể nghiên cứu nhiều hình thức sở hữu, thiết kế nhiều phương thức phát huy các công năng khác nhau của các "kiểu” bảo tàng này.
Về quy mô, theo điều kiện đầu tư của ngân sách nhà nước và tiềm năng xã hội hóa, có thể tính đến bảo tàng riêng cho từng lĩnh vực. Thí dụ, đã có bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng văn học, thì tương lai có thể dần xây dựng các bảo tàng điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh, ca-múa-nhạc, kiến trúc… Hoặc có thể nghĩ đến một bảo tàng nghệ thuật lớn, một "bảo tàng quốc gia” bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có phân khu vực dành cho mỗi ngành.
Tuy nhiên, với xu thế chuyên môn, chuyên biệt hóa và nhất là để tương xứng với sự phát triển nhiều thành tựu của các ngành nghệ thuật trong một đất nước, nên gây dựng các bảo tàng nghệ thuật mang tính chất công lập, riêng cho từng lĩnh vực. Thí dụ với lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đề xuất, cần một bảo tàng âm nhạc mới của cách mạng Việt Nam. Ở đó có các hiện vật là nhạc cụ của các nghệ sĩ biểu diễn qua các giai đoạn, ở chiến trường, trên đường Trường Sơn, ngoài hải đảo, trong các hoạt động giao lưu hữu nghị với bạn bè xã hội chủ nghĩa… Rồi các phòng ảnh, các xuất bản phẩm, bản thảo, tượng các nhạc sĩ… Rộng hơn, có thể nghĩ đến một bảo tàng dân tộc nhạc học với nhiều thể loại, lĩnh vực trong truyền thống âm nhạc lâu đời, giáo dục tinh thần yêu nước cho giới trẻ, giúp bạn bè quốc tế hiểu về truyền thống Việt Nam, trong đó âm nhạc như một mũi xung kích góp phần vào chiến đấu và chiến thắng.
GS, TS Trịnh Sinh: Với lĩnh vực văn nghệ dân gian nói riêng, cũng như các lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, về trách nhiệm, vai trò, tôi nghĩ phải là Nhà nước đứng ra xây dựng các bảo tàng và tổ chức vận hành. Vì đơn cử, văn nghệ dân gian là lĩnh vực rất rộng lớn, vấn đề này liên quan đến nguồn kinh phí, điều kiện về mặt bằng... Các cá nhân thì hiện mới chỉ có thể đi vào chuyên ngành hẹp, nhìn chung chưa đủ "dũng cảm” và tiềm lực để thực hiện.
Với cơ chế đa dạng, linh hoạt và chủ trương xã hội hóa tích cực lâu nay, thì có thể thúc đẩy theo một số hướng sau: Hoặc định hướng, giao nhiệm vụ cho ngành văn hóa; hoặc khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân đủ điều kiện đứng ra thành lập bảo tàng nghệ thuật. Ngoài ra, việc xây dựng bảo tàng mang tính chất công lập có thể huy động nguồn xã hội hóa hoặc phối hợp công-tư và có hình thức ưu đãi doanh nghiệp trong việc khai thác bảo tàng khi vận hành để doanh nghiệp hoàn vốn.
Theo ý kiến người viết bài này, có hai đối tượng phù hợp hơn cả về chức năng hoạt động, quản lý. Thứ nhất, đó chính là các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như các cục điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm hoặc ở vai trò cao hơn, chính là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Như trường hợp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ. Thứ hai, đó là các hội nghề nghiệp như sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, hội nhạc sĩ, hội nghệ sĩ múa… Thí dụ cụ thể chính là Bảo tàng Văn học Việt Nam đang là cơ quan cấp hai trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Cả hai đối tượng trên, hoặc đơn vị quản lý nhà nước về ngành dọc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ; hoặc tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp có vai trò xây dựng, phát triển sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật của đất nước, đều có đặc thù hoạt động gắn liền với lịch sử ngành nghề văn học nghệ thuật, trong đội ngũ có nhiều tác giả tinh hoa với những tác phẩm tiêu biểu. Và cũng đều có trách nhiệm hoặc trực tiếp, hoặc liên quan trong việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị vật chất, tinh thần của một hay một số lĩnh vực văn học nghệ thuật. Do đó có thể, và đều nên gánh trách nhiệm gây dựng, quản lý, vận hành các bảo tàng.
(Còn nữa)
Các tin khác
Ngày 3/12, hãng tin BBC (Anh) đã công bố danh sách “100 phụ nữ truyền cảm hứng nhất năm 2024”, vinh danh những người phụ nữ xuất sắc, những cá nhân đã không ngừng vượt qua thử thách và cống hiến để làm thay đổi thế giới. Nữ đạo diễn Xuân Phượng, 95 tuổi, nằm trong số những gương mặt truyền cảm hứng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ ngày 23/12.
Sau sáu lần tổ chức, năm nay là lần đầu Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái vừa được tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) vào trung tuần tháng 11. Đây là dịp để nhân dân Thủ đô và khách du lịch có thể tìm hiểu về một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của then, đàn tính trong cuộc sống đương đại, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Với các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng, trình diễn đặc sắc, kết hợp các phóng sự linh kiện, Chương trình “Ánh sao người lính” mang lại cảm xúc hào hùng, tự hào và tôn vinh sức mạnh chính trị-tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam.