Giấc mơ bảo tàng nghệ thuật Kỳ 3: Mở đường cho các mô hình mới
- Cập nhật: Thứ hai, 15/7/2024 | 4:28:49 PM
Suy ngẫm về các bảo tàng nghệ thuật tương lai trong đời sống đương đại, có thể thấy chính bối cảnh hiện nay đang phác ra những cơ hội đổi mới, sáng tạo cho hoạt động bảo tàng. Theo đó, với nhu cầu đa dạng của công chúng, với xu thế phát triển đa chức năng của bảo tàng, các bảo tàng nghệ thuật cả mô hình công lập lẫn tư nhân đều có thể phát huy được nhiều hơn cách làm truyền thống.
|
Cổ vũ trăm hoa đua nở
Ở kỳ trước, chúng tôi đã đặt vấn đề về trách nhiệm, vai trò chính xây dựng các bảo tàng nghệ thuật thuộc về Nhà nước, ngành văn hóa, hội nghề nghiệp… Đề xuất này dựa trên cơ sở cơ cấu tổ chức, hoạt động hiện nay của các đơn vị thuộc bộ, ngành hay các tổ chức hội trên.
Còn trong thực tiễn hiện nay, dựa trên sự linh hoạt của cơ chế, chính sách, các tổ chức, cá nhân có thể đứng ra thành lập bảo tàng nghệ thuật. Và điều này nếu thực hiện được, bên cạnh sự hình thành các bảo tàng quy mô của quốc gia, ngành nghề nghệ thuật, sẽ càng tăng thêm các địa chỉ bảo tồn, bảo tàng nghệ thuật phục vụ công chúng, làm cho đời sống tinh thần người dân, đời sống văn hóa đất nước thêm phát triển đa dạng, phong phú, càng đi vào chiều sâu.
Nhiều kiến trúc sư mong có bảo tàng kiến trúc để trưng bày hiện vật và các đồ án, tác phẩm giành giải cao qua các thời kỳ, các cuộc thi. |
Có điều, với tiềm năng xã hội hóa này, cần có thêm những tiếng nói định hướng, cổ vũ của Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa bên cạnh hành lang chính sách đã cởi mở trong việc thành lập bảo tàng tư nhân. Ngoài ra, cần tăng cường những hình thức hỗ trợ, ưu đãi nếu một mai các bảo tàng với tính chất nhóm, tư nhân hay trực thuộc các doanh nghiệp ra đời. Dĩ nhiên, phải bảo đảm các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, và trong mục đích hoạt động có yếu tố công ích. Thí dụ như những ưu đãi về quỹ đất, về thuế, ưu tiên chọn lựa làm đối tác, làm điểm đến trong việc phát triển du lịch, giáo dục nghệ thuật…
Có thể nhắc đến một vài trường hợp bảo tàng tư nhân từng nuôi giấc mơ mở rộng về quy mô và nội dung trưng bày nghệ thuật nhưng việc chuẩn bị phải qua thời gian lâu dài, do các điều kiện tự thân không thể đầy đủ, mà ưu đãi của địa phương, Nhà nước còn hạn chế. Như tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, Giám đốc - họa sĩ Vũ Đức Hiếu từng mong sẽ gây dựng được một bảo tàng nghệ thuật đương đại hay ít ra một không gian trưng bày, lưu giữ tác phẩm đương đại thuộc bảo tàng văn hóa, nhưng công việc này phải dành nhiều năm và đến nay, được biết mới sắp sửa thành hình.
Hoặc với Bảo tàng họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ ở thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, ngoài nơi này là chỗ trưng bày hiện vật đời sống dân gian và tác phẩm, hiện vật của nhiều văn nghệ sĩ, nữ họa sĩ chủ nhân cũng đã tạo dựng thêm khuôn viên nhà sàn ở khu vực chân núi Thầy và mong thiết lập thêm địa chỉ ở khu vực đầu xã, gần đường vào khu thắng tích chùa Thầy để thêm điểm trưng bày, tổ chức hoạt động nghệ thuật. Nhưng cho đến nay công việc này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Nhìn rộng ra, có thể thấy những năm qua, nhờ cơ chế mở rộng nên đã xuất hiện thêm các bảo tàng tư nhân, không gian trưng bày tư nhân. Nhìn chung nội dung, hiện vật thiên về văn hóa, di sản, chiến tranh cách mạng, về thời bao cấp… Còn chuyên chú riêng cho nghệ thuật thì gần như không có, ngoài một số không gian trưng bày nhỏ gọn mang tính tưởng niệm của tự thân các gia đình văn nghệ sĩ nổi tiếng. Cùng với đó, ở tư cách cơ quan, đơn vị nghệ thuật, cũng chỉ có thể dừng lại ở hình thức trưng bày trong phòng truyền thống, ở sảnh cơ quan. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long thí dụ, như phòng lưu niệm nhạc sĩ Đỗ Nhuận của gia đình, phòng trưng bày của Viện Âm nhạc, không gian trưng bày tại sảnh Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam…
Đang thiếu không gian trang trọng để giới thiệu đến công chúng những hiện vật, hình ảnh đáng nhớ trong lịch sử điện ảnh đất nước. |
Làm sao cho hấp dẫn
Thực tế này lại càng như một gợi mở đối với các cơ quan chức năng, các hội nghề nghiệp trong việc đẩy mạnh sưu tầm hiện vật có giá trị gắn với cuộc đời, sự nghiệp các văn nghệ sĩ uy tín, gắn với lịch sử hoạt động và thành tựu của các đơn vị nghệ thuật uy tín, đầu ngành. Từ đó để có nguồn hiện vật, tư liệu dồi dào dành cho việc xây dựng các bảo tàng nghệ thuật của đất nước, cả công lập lẫn tư nhân. Tiếp đó là nghiên cứu những phương thức hoạt động hiệu quả.
Với các đối tượng tư nhân, theo GS, TS Trịnh Sinh, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, hai đòi hỏi cơ bản và gắn kết với nhau là: Phải nuôi được và phải hấp dẫn! GS cho biết, tại Hội An (Quảng Nam) sắp mở một bảo tàng cổ vật tư nhân. Ông có đi khảo sát ở TP Hồ Chí Minh thì thấy nhiều bộ sưu tập tư nhân rất quý và có tiềm năng mở bảo tàng. Quan trọng là có nguồn kinh phí và sự đồng hành của các chuyên gia về khoa học, nghiệp vụ bảo tàng.
Nhìn ở tầm bao quát, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đặt vấn đề thay đổi tư duy trong hoạt động bảo tàng, kể cả công lập lẫn tư nhân khi lưu giữ, trưng bày cũng như tổ chức các hoạt động liên quan đến nghệ thuật. Theo đó, trong bối cảnh đời sống đương đại không ngừng biến đổi, mô hình bảo tàng cần có những tư duy mới và ứng dụng sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của công chúng, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghệ thuật.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Thật sự đây là vấn đề rất đáng suy ngẫm. Văn học nghệ thuật ở Việt Nam có bề dày lịch sử và phong phú, vì vậy nhu cầu cần có nhiều bảo tàng để lưu giữ và tôn vinh các di sản này là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc thiếu hụt các bảo tàng do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là nhận thức, quan điểm của chúng ta về xây dựng và quản lý bảo tàng khi cho rằng đây là những thiết chế văn hóa của Nhà nước. Vì thế, khi thành lập một bảo tàng nào đó luôn cần phải trả lời được những câu hỏi liên quan đến bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để duy trì. Đây là những vấn đề không phải dễ dàng có được, nhất là khi đất nước còn nhiều khó khăn và còn nhiều mối quan tâm ưu tiên hơn. Trong khi đó, việc xây dựng và duy trì bảo tàng yêu cầu một nguồn kinh phí lớn, không chỉ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn để bảo quản, trưng bày và quản lý hiện vật.
Tuy vậy, tôi tin rằng, sự phát triển của hệ thống bảo tàng về các chuyên ngành văn học nghệ thuật không chỉ bảo vệ di sản mà còn truyền cảm hứng và giáo dục cho các thế hệ tương lai, từ đó góp phần tích cực vào sự phát triển văn hóa của đất nước.
Chia sẻ với Thời Nay, PGS, TS Bùi Hoài Sơn gợi mở: Bên cạnh việc thay đổi nhận thức, tạo điều kiện nhiều hơn cho xã hội tham gia vào hoạt động bảo tàng, đầu tiên, chúng ta cần nghĩ nhiều hơn đến việc sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để tạo ra các trải nghiệm tương tác; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ công tác phân loại, quản lý hiện vật và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Thứ hai là tích hợp các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, và văn học, và tạo ra các không gian liên ngành, nơi các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu có thể gặp gỡ và trao đổi. Thứ ba là thúc đẩy tương tác cộng đồng bằng cách tổ chức các sự kiện nghệ thuật và hội thảo để thu hút sự tham gia của công chúng, cũng như khuyến khích sự tham gia của các tổ chức giáo dục và xã hội để tăng cường giáo dục nghệ thuật trong cộng đồng.
"Thứ tư, tôi nghĩ, chúng ta cần đưa vào bảo tàng những triển lãm lưu động, giúp tiếp cận với nhiều đối tượng công chúng hơn, cũng như cập nhật và làm mới nội dung triển lãm thường xuyên để duy trì sự hứng thú và sự quan tâm của khách tham quan”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nói.
Mô hình bảo tàng nghệ thuật mang tính công lập hay của tư nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị với các quy mô khác nhau đều có cơ hội phát triển. Đó là nhận định của nhiều người khi nhìn vào sự tăng lên nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng, cũng như mong muốn của xã hội về việc học tập, nghiên cứu, du lịch gắn với văn hóa, nghệ thuật mà các bảo tàng hiện đại có thể trở thành một địa chỉ đáp ứng tin cậy. Điều cần làm, đó là xác định mối quan tâm có tính chiến lược của ngành văn hóa, các hội nghề nghiệp cũng như việc bắt tay vào bổ khuyết cho những gì còn thiếu khi nói đến một thiết chế rất cụ thể: Bảo tàng cho các ngành nghệ thuật!
(Còn nữa)
Các tin khác
Ngày 3/12, hãng tin BBC (Anh) đã công bố danh sách “100 phụ nữ truyền cảm hứng nhất năm 2024”, vinh danh những người phụ nữ xuất sắc, những cá nhân đã không ngừng vượt qua thử thách và cống hiến để làm thay đổi thế giới. Nữ đạo diễn Xuân Phượng, 95 tuổi, nằm trong số những gương mặt truyền cảm hứng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ ngày 23/12.
Sau sáu lần tổ chức, năm nay là lần đầu Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái vừa được tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) vào trung tuần tháng 11. Đây là dịp để nhân dân Thủ đô và khách du lịch có thể tìm hiểu về một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của then, đàn tính trong cuộc sống đương đại, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Với các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng, trình diễn đặc sắc, kết hợp các phóng sự linh kiện, Chương trình “Ánh sao người lính” mang lại cảm xúc hào hùng, tự hào và tôn vinh sức mạnh chính trị-tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam.