Giấc mơ bảo tàng nghệ thuật Kỳ 4: Vun đắp hiện tại, phát triển tương lai

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/7/2024 | 3:19:31 PM

Trong quá trình đăng tải loạt bài “Giấc mơ bảo tàng nghệ thuật”, chúng tôi nhận được gợi ý hay từ những người đang trực tiếp hoạt động nghệ thuật và trong các dự án, chương trình có liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật. Qua đó nhận ra một nhu cầu nhiệt thành của nhiều nghệ sĩ, chuyên gia là được nhìn thấy, được đóng góp cho những “địa chỉ tinh thần” còn thiếu vắng này.

Nhiều thí dụ hay trên thế giới

"Chúng tôi đã đến bảo tàng Louvre hay bảo tàng về nghệ thuật âm thanh của Pháp. Ở đó, nếu muốn nghe một nhạc sĩ nổi tiếng, thì chúng ta có các bản nhạc để nghe. Muốn xem, lại có các vở diễn để xem”, PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nói. Đã tham quan qua nhiều nước, nhạc sĩ nhận xét: "Họ xây dựng và vận hành bảo tàng nghệ thuật rất linh hoạt. Đặc trưng nghệ thuật và hướng đi của bảo tàng sẽ quyết định ngôn ngữ thể hiện của bảo tàng đó”.

Giấc mơ bảo tàng nghệ thuật (kỳ 4)

Thủ đô Berlin của Đức có đến hơn 300 bảo tàng và gallery nghệ thuật, không kể các không gian độc lập, du khách đi xem không xuể - nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc nghệ thuật Không gian Heritage Space thông tin: Một chuyên ngành nghệ thuật có hàng chục bảo tàng theo các trường phái, phong cách khác nhau. Thí dụ như ở ta có danh họa Bùi Xuân Phái, có cả một chặng đường mỹ thuật kháng chiến, thì họ đều có bảo tàng riêng về nhân vật, thời kỳ như thế. "Hoặc như với lĩnh vực âm nhạc, thì theo dòng chảy lịch sử với các trường phái, dân tộc, vùng địa lý khác nhau, họ sẽ có những bảo tàng với các sắc thái khác nhau”, ông Tuấn cho biết.

Lấy thí dụ trong nhóm nước đồng văn với Việt Nam, PGS, TS Trần Trọng Dương - Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Trường Ngoại ngữ-Du lịch thuộc Trường đại học Công nghiệp Hà Nội kể về bảo tàng văn tự ở Nhật Bản. Tại đây, chữ viết được phóng chiếu lên nhờ nghệ thuật ánh sáng, tạo ra một "game nghệ thuật” cho mọi người tương tác với chữ cổ và nghệ thuật viết chữ của tiền nhân. "Trẻ em cứ lăn lê, chơi đùa trong không gian đó. Bảo tàng này luôn kín khách tham quan”, TS Dương nói.

Ở Việt Nam, dù còn hiếm nhưng với đối tượng phản ánh rất rộng, một trường hợp tiêu biểu là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều cuộc trưng bày, giới thiệu nghệ thuật truyền thống. Tại đây, nhóm Sen Heritage của TS Dương từng phối hợp thử nghiệm công nghệ "Trải nghiệm tương tác nhập vai” vào dịp Trung thu và 1/6. Trong không gian ảo, các em nhỏ rất hào hứng khi được "hóa thành” chiến binh tương lai, trở về chùa Diên Hựu ở kinh đô Thăng Long thời Lý, chiến đấu với bọn… âm binh, ma quái và rô-bốt xuyên không gian để bảo vệ chùa. Công trình kiến trúc bề thế và tinh xảo này đã được nhóm phục dựng thành công bằng công nghệ, kỹ xảo.

Số hóa để mở đường lớn

Số hóa, vận dụng tiến bộ công nghệ vào các bảo tàng nghệ thuật tương lai là cảm hứng sôi nổi khi các chuyên gia, nghệ sĩ chia sẻ với chúng tôi. Trong bối cảnh mới, đây sẽ là chìa khóa giải quyết được rất nhiều yêu cầu, giúp bảo tàng xây dựng hệ thống dữ liệu, thông tin, hình ảnh đến mức… khổng lồ; tiếp cận sâu rộng công chúng mọi lứa tuổi qua những hình thức tương tác đa dạng; và lan tỏa được xa hơn đến công chúng quốc tế trên môi trường mạng. TS Dương "ví von”: đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hay Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng, điều đầu tiên nhắc nhở ta chính là dòng chữ: "Không sờ vào hiện vật!”. Đây là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ di sản, tác phẩm. Nhưng làm sao để công chúng được chạm vào, được chơi, được đem về, được lưu giữ nữa! Có như thế bảo tàng mới trở nên cuốn hút và dành cho mọi đối tượng như trẻ em hay bất kỳ người lao động nào chứ không chỉ là các nhà nghiên cứu. Sự tiếp cận đa chiều, thậm chí nhiều loại hình nghệ thuật trong một bảo tàng thông qua cộng hưởng giữa hiện vật và công nghệ sẽ tạo ra điều này.

Theo đó, thì các chuyên gia có thể dùng công nghệ phục chế trọn vẹn các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật, công trình kiến trúc của cha ông vốn chỉ còn tồn tại ở dạng mảnh vỡ, phế tích hoặc không đầy đủ. Trong môi trường ảo, người xem có thể trở thành chính nhân vật của một bức tranh, nhóm tượng, tha hồ "lạc” trong cung điện, thành quách, chùa chiền các triều đại. Và khi chạm vào đâu thì ở đó sẽ hiện ra nội dung thuyết minh. "Chạm vào bức tượng A Di Đà chùa Phật Tích, chiếc áo giao lĩnh của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông hay những mảnh ngói chạm rồng, một bức tranh dân gian…, người xem sẽ được biết chất liệu, cách tạo tác, tập quán sử dụng của người xưa gắn liền với chúng” - TS Dương dẫn giải: "Thậm chí khi thưởng thức hội họa, nhờ công nghệ, ta có thể tham gia sáng tác tranh theo trường phái Monet, Picasso…, chụp sản phẩm đem về in ra, hoặc làm màn hình máy tính, điện thoại như những món quà lưu niệm. Công nghệ sẽ giúp chúng ta bước vào di sản, tác phẩm nghệ thuật, trở thành một phần của nó thay cho việc đứng ngoài quan sát”.

Rất thiết thực nữa khi giải pháp công nghệ sẽ giúp tiết kiệm được tối đa chi phí về mặt bằng, xây dựng, nhân sự vận hành… Như vậy có thể giảm được nỗi lo về tìm nguồn tài chính, con người để phát triển các bảo tàng bề thế, đồ sộ theo như mô hình nhiều năm trước.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân:

NƠI KHỞI NGUỒN CHO SÁNG TẠO MỚI

Theo Đề cương văn hóa năm 1943, chúng ta không chỉ phát triển mà còn phải biết lưu giữ văn hóa. Cần có bảo tàng lưu giữ lại những giá trị cốt lõi của nghệ thuật dân tộc. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước định hướng xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, chúng ta rất nên song song có dự kiến về xây dựng các bảo tàng sống và bảo tàng ảo. Đó còn là nơi kích hoạt sáng tạo của văn nghệ sĩ, nơi khởi nguồn cho sáng tạo mới. Một nhạc sĩ mà không biết cha ông ta viết gì thì đôi khi anh không biết bấu víu vào đâu để khởi nguồn sáng tác.

Về việc xây dựng thế nào, quy mô ra sao, ở đâu…, mấu chốt là vấn đề con người. Phải có những người chuyên sâu chứ không thể chỉ là những người làm công tác xây dựng, thiết kế mà thiếu sự am hiểu về các loại hình nghệ thuật của dân tộc. Như thế bảo tàng mới có hồn được. Vậy phải tranh thủ chất xám, tâm huyết của những con người đó, chứ không bảo tàng sẽ chỉ mang hình thức bên ngoài, thiếu đi hồn cốt và đặc thù riêng cho từng loại hình. Đó là cả một sự cấp bách.

Cơ chế dành cho tất cả

Nhiều thí dụ và những hiệu quả như vừa nêu, chính là nhằm giải quyết câu hỏi làm thế nào cho bảo tàng "sống”, đồng nghĩa với việc thu được các nguồn lợi về kinh tế, quảng bá văn nghệ, thúc đẩy du lịch, phát triển đời sống văn hóa, nâng cao thẩm mỹ cho quần chúng. Để tương lai đó đến gần hơn, một số ý kiến cho rằng, nên có cơ chế đa dạng hóa mô hình, theo các điều kiện của Nhà nước, địa phương. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân gợi ý: Ta đừng nghĩ cứ phải xây bảo tàng nghệ thuật ở các trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà cần gắn với các không gian văn hóa, lịch sử của từng khu vực. Thí dụ như vùng Việt Bắc có nhiều vùng di sản như hát then, đàn tính, múa trống sành, trống đồng… thì nên xây dựng bảo tàng ở Thái Nguyên chẳng hạn. Hay dân ca quan họ, chèo… mang nét đặc trưng đồng bằng Bắc Bộ thì có thể đặt bảo tàng ở Bắc Ninh. Như thế thì hệ thống bảo tàng văn học nghệ thuật của đất nước sẽ phát triển đồng đều, phục vụ rộng rãi công chúng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn cũng đề xuất, có thể xây dựng bảo tàng ở các địa phương theo khả năng từng nơi. Cũng không cần phải chính quyền, ngành văn hóa lo toàn bộ vật chất, con người theo kiểu cũ, mà Nhà nước, địa phương, ngành sẽ đầu tư ban đầu, việc đầu tư tiếp theo và vận hành thì giao cho tư nhân. Một ban giám đốc tinh gọn theo nhiệm kỳ khoảng 5 năm, gồm có nhà chuyên môn, đại diện doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, có hệ thống giám sát, sẽ xây dựng đề án phục vụ xã hội và thu lợi như thế nào. Họ phải chứng minh hiệu quả hằng năm để có thể tiếp tục được vận hành, phát triển bảo tàng đó. "Những đơn vị hoạt động độc lập như Heritage Space chúng tôi sẵn sàng đóng góp ý tưởng, trí tuệ cho những mô hình như thế, với mong muốn gây dựng ý thức trách nhiệm cho tất cả, từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hội văn nghệ đến các trung tâm nghệ thuật, các cá nhân hoạt động sáng tạo”, ông Tuấn nhấn mạnh, bởi sự thiếu hụt bảo tàng nghệ thuật được cho là đã ở mức nghiêm trọng. "Bảo tàng hóa” văn hóa, nghệ thuật là lưu giữ bản sắc, các giá trị tinh thần bên cạnh các điều kiện vật chất phục vụ đời sống như đường sá, sân bay, bệnh viện…

Quan tâm ngay vấn đề bảo tàng nghệ thuật. Đổi mới tư duy làm bảo tàng, linh hoạt phát triển và tận dụng những điều kiện, cơ hội của thời cuộc. Tối ưu hóa tiềm lực con người, cơ chế, chính sách. Xây dựng những cơ chế mới phù hợp và thuận lợi hơn cho sự phát triển bền vững thiết chế này trong đời sống đương đại. Đó là những nguyện vọng, kiến nghị của nhiều người quan tâm gửi đến các đơn vị chức năng và liên quan. Cần có bảo tàng nghệ thuật dành cho mọi người trong xã hội như một sự vun đắp cho hiện tại và phát triển cho tương lai.

Theo Thời Nay

Các tin khác
Nhà báo, nữ đạo diễn Xuân Phượng. Ảnh: bbc.co.uk

Ngày 3/12, hãng tin BBC (Anh) đã công bố danh sách “100 phụ nữ truyền cảm hứng nhất năm 2024”, vinh danh những người phụ nữ xuất sắc, những cá nhân đã không ngừng vượt qua thử thách và cống hiến để làm thay đổi thế giới. Nữ đạo diễn Xuân Phượng, 95 tuổi, nằm trong số những gương mặt truyền cảm hứng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.

Chương trình

Giải thưởng Ấn tượng VTV - VTV Awards 2024 của Đài Truyền hình Việt Nam chính thức bước vào vòng bình chọn với 8 hạng mục giải thưởng, 92 đề cử cùng nhiều tác phẩm, gương mặt tạo sức hút. Vòng 1 sẽ khép lại lúc 12 giờ ngày 23/12.

Sau sáu lần tổ chức, năm nay là lần đầu Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái vừa được tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) vào trung tuần tháng 11. Đây là dịp để nhân dân Thủ đô và khách du lịch có thể tìm hiểu về một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của then, đàn tính trong cuộc sống đương đại, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.

Ca khúc Lá cờ Đảng của nhạc sĩ Văn An do tốp nam và dàn hợp xướng trình bày. Ảnh: hanoimoi.vn

Với các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng, trình diễn đặc sắc, kết hợp các phóng sự linh kiện, Chương trình “Ánh sao người lính” mang lại cảm xúc hào hùng, tự hào và tôn vinh sức mạnh chính trị-tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự