Nhớ những ngày thu đã qua

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/8/2024 | 1:59:47 PM

Có những bài thơ, câu thơ từ thuở học trò mãi đi cùng ta trong cuộc đời này. Thu sang. Mỗi sớm mai thức dậy nghe chút hơi may man mác thoảng về lòng bỗng rưng rưng nhớ… "Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa…"

Cửa ngõ vào trung tâm TP Bắc Giang. Ảnh: Việt Hưng.
Cửa ngõ vào trung tâm TP Bắc Giang. Ảnh: Việt Hưng.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết về đất nước có những câu rất lay động lòng người. Mùa thu mới hiện lên lồng lộng và dịu mát qua những thi ảnh lung linh: "Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha! Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa…". Đấy là mùa thu cách mạng, được gắn liền với chuyển động lịch sử vĩ đại của dân tộc có tên gọi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Với tôi, người sinh sau Cách mạng Tháng Tám 11 năm, hồi ức tuổi thơ lại được gắn với ngày Quốc khánh mùng 2 tháng 9. Đó là kỷ niệm đẹp không dễ gì quên được. Khi chiến tranh chưa lan ra miền Bắc, những đứa trẻ như chúng tôi rất mong chờ ngày Quốc khánh. Tôi nhớ, đó là những ngày nhộn nhịp tưng bừng. Mọi nhà, mọi người nao nức chuẩn bị đón "Tết Độc lập”. Đường sá, nhà cửa được quét dọn sạch sẽ, những chiếc cổng chào bằng tre và lá dừa được dựng lên ở các lối xóm. Cờ đỏ sao vàng phấp phới trong gió thu. Trẻ con được mang áo mới và đúng ngày mùng 2 tháng 9 ríu rít rủ nhau đi xem người lớn chơi đu, đấu vật, đua thuyền… Tối đến xem văn nghệ xóm, các anh chị thanh niên hát hò, diễn kịch sôi nổi, cái vui hồn nhiên nối liền nhau không dứt.

Mùa thu năm 1964, bom Mỹ dội xuống quê tôi, tháng ngày hòa bình êm ả chấm dứt, cuộc sống không còn yên ổn nữa. Bom đạn giết hại thường dân, rơi cả vào trường học, bạn tôi ra đi khi trong túi áo vẫn còn ri rích tiếng dế kêu… Mỗi khi nhìn lên bầu trời, tôi mong ước đừng bao giờ có những chiếc máy bay Con ma, Thần Sấm lao ngang lao dọc và gầm rú đe dọa nữa. Bầu trời chan hòa ánh sáng ban ngày và chi chít sao đêm tôi nhìn thấy từ góc sân nhà mình.

Trong tầm bom đạn giặc, bài học lịch sử đã cho tôi hiểu mùa thu Cách mạng và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc Cách mạng Tháng Tám bùng nổ năm 1945, "Bắc Trung Nam khắp ba miền/ Đứng lên khởi nghĩa chính quyền về tay" (Tố Hữu). Thời ấy, tất nhiên là tôi chưa sinh ra và ngay cả bố mẹ tôi cũng chưa bước vào tuổi thanh xuân. Tôi nhớ bà nội chấm nước mắt nhắc lại nạn đói kinh hoàng mùa xuân Ất Dậu 1945. Đến cám và rau dại cũng chẳng đủ để lót lòng. Ông nội tôi mất vào năm đó. Mất vì đói. Năm ấy, hai triệu rưỡi người dân Việt Nam chết vì đói. Chết vì đói là cái chết rất khủng khiếp. Hàng chục triệu người dân Việt sống ngoi ngóp trong đen tối. Từ những "Tắt đèn", "Bước đường cùng" … được học ở nhà trường, tôi hình dung ra đất nước thời lầm than trong xích xiềng thực dân tàn bạo và phong kiến hèn nhát. Cũng vì thế mà chúng tôi đã hào hứng với những ngày vui bất tuyệt của non sông khi mình chưa tượng hình trong vũ trụ. "Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời" (Tố Hữu).

Sản xuất công nghiệp đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: Danh Lam.

Không thể không tự hào nhắc tới Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào vào sáng mùa thu mùng 2 tháng 9 năm 1945 như sự tiếp nối những áng hùng văn khẳng định chủ quyền và khai quốc độc lập như "Nam quốc sơn hà" thời Lý, "Bình Ngô đại cáo" thời Lê… Chẳng ngẫu nhiên chút nào khi mở đầu bản Tuyên ngôn lịch sử và bất hủ mùa thu năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn của hai cường quốc Mỹ, Pháp. Dân tộc Việt Nam xứng đáng được bình đẳng với mọi dân tộc khác trên thế giới. Người dân Việt Nam xứng đáng được sống hạnh phúc như mọi người khác trên hành tinh. Độc lập tự do đất nước gắn với no ấm hạnh phúc nhân dân. Yêu nước thương dân canh cánh không vơi trong cuộc đời Bác. Đấy chính là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi "Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh" trong lao ngục tối tăm, lúc "Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà" ở chiến khu Việt Bắc… Bác của chúng ta là thế đó, nỗi thao thức nào cũng sâu nặng lòng yêu nước, thương dân.

Cũng cần nhắc lại, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào chống Pháp xâm lược. Khởi đầu là phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi khởi xướng, kết thúc là cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy nhưng tất cả đều thất bại. Sự khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc chỉ chấm dứt khi Đảng ta ra đời và Cách mạng Tháng Tám thành công. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là minh chứng hùng hồn đầu tiên cho điều thiêng liêng đó. Đấy chính là mốc son lịch sử cho một sứ mệnh, là thời điểm đánh dấu kỷ nguyên mới của đất nước: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tôi yêu những dự cảm mới mẻ, tốt lành có trong mùa thu. Dẫu rằng hôm nay, đất nước vẫn còn bộn bề bao việc phải làm, cần làm, vẫn còn đó những lo toan, day dứt không nhỏ. Dẫu rằng nước ta chưa mạnh, dân ta chưa giàu nhưng vị thế Việt Nam hôm nay thật đáng để tự hào và hy vọng. Ta đủ niềm tin vào Đảng vào Dân. Bao giờ cũng vậy, vẫn phải trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau, để thấm thía hơn phẩm chất, bản lĩnh con người Việt Nam. Lúc giông bão, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Trong cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau. Lòng dân Việt, thương người như thể thương thân… Chẳng nói đâu xa xôi, qua những đận thiên tai dữ dội và trong những ngày chống dịch mấy năm trước đây, cái cách đồng bào ta chia sẻ, đùm bọc nhau thật cảm động. Chưa bao giờ câu "Một miếng khi đói bằng một gói khi no” lại được làm nhiều như thế.

Gần đây nhất, ngay trước thềm mùa thu này, cả đất nước Việt Nam rưng rưng tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng. Niềm tin vào những điều tốt đẹp, trong sáng cứ thế được nhân lên từ tình cảm sâu lắng, bao la của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc dành cho một Con Người viết hoa mang tên Nguyễn Phú Trọng. Tôi tin dân tộc này sẽ vượt qua được mọi gian nguy thử thách để đi về phía trước. Phía trước tươi sáng bắt nguồn từ mấy nghìn năm lịch sử, từ mùa thu Cách mạng có Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa… Phía trước bắt đầu từ những thế hệ "Ngực dám đón những phong ba dữ dội" (Tố Hữu) để làm nên các chiến công, kỳ tích lẫy lừng gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Phú Trọng… Những Con Người huyền thoại nhưng vô cùng bình dị. Sự huyền thoại bình dị mang trong đó bản lĩnh, khí phách, phẩm chất, tâm hồn Việt Nam. Cứng cáp, can trường nhưng uyển chuyển, mềm mại như cây tre Tổ quốc.

Mùa thu ơi, cơn gió chuyển thông điệp gì trong xôn xao đất trời thế. Nỗi nhớ đi cùng mùa thu xanh biếc gương trời, đất nước càng trở nên gần gũi và thân thiết vô cùng. Muốn nói thật nhiều với sông núi gần xa, lại muốn lặng im để nghe được rõ hơn tiếng thu thầm thì trong từng làn gió mới. Đón nhận một khởi đầu, một kế tục, một kết nối tinh khôi như cái đã có, như cái đang về trên đất nước thân yêu…


Theo Báo BGĐT

Các tin khác

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ Khai mạc Tuần phim vào hồi 19 giờ ngày 2/12/2024 tại Điện ảnh Quân đội nhân dân và trình chiếu tám bộ phim khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự