Xuyên bão
- Cập nhật: Thứ hai, 30/9/2024 | 1:58:34 PM
Trận bão về sớm hơn thường lệ. Gió ầm ào gào rít như muốn tàn phá tất cả. Ngoài kia, cây cối bị vặn ngả nghiêng, lá bị bứt xáo xác, bay chíu chít. Ai cũng hình dung về sự chết chóc, lở lói khi từ bốn phương tám hướng, màn đêm dội về những âm thanh ma quái, run rẩy. Minh sốt ruột, giục chiến sĩ mau chóng chuẩn bị để lên đường.
Minh họa: Hiền Nhân.
|
Gương mặt chiến sĩ thắp sáng màn đêm, đứng trước là trung tá Lân, dõng dạc hỏi: "Chúng ta phải lên bản Tưng hỗ trợ, cứu người dân bị mắc kẹt. Tôi xin nói trước, chuyến đi đợt này hiểm nguy vô kể. Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc người dân. Ai cảm thấy sợ, không đủ sức khỏe thì có thể ở lại. Tôi muốn những người có sức khỏe tốt nhất tham gia…”.
Đáp lời tiểu đoàn trưởng, tất cả giơ tay xung phong nhận nhiệm vụ vào bản Tưng. Lân mỉm cười, một nụ cười yên tâm. Anh chúc anh em chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ. Minh nhìn Lân bằng ánh mắt đầy tự tin. Điều đó như là sự khẳng định, một cam kết ngầm của anh trước lãnh đạo. Trung tá Lân nói với Minh: "Cậu đưa anh em lên đó, cố gắng càng nhanh càng tốt, nhưng phải an toàn. Chỉ có thế ta mới giúp được người dân kịp thời”.
Xe rẽ màn đêm ngược phía bản Tưng. Gió vẫn rít từng hồi. Phương án cứu hộ, quân trang, dụng cụ sẵn sàng. Nước dội ào ào từ trên cao như thể muốn chặn đứng dòng xe. Minh cảm giác mé bên phải - nhánh chính của ngòi Thia nước réo ùng ục. Vào đến trung tâm xã, cán bộ địa phương, dân quân đợi sẵn. Cuộc hội ý diễn ra trong ít phút rồi vào trận đánh. Minh vẫn gọi những cuộc cứu hộ, chống chọi thiên tai là "trận đánh” bởi nó khó lường như khi đối mặt đám bạo loạn, vây bắt tội phạm có vũ khí nóng. Anh em chiến sĩ được chia hai tổ tiếp cận bản Tưng. Những con người sức vóc, sẵn sàng lội qua mưa gió, rẽ màn đêm mà đi.
Minh trực tiếp dẫn một tổ, với hai dân quân xã dẫn đường đến phía Tây bản Tưng, tổ còn lại tiếp cận từ phía Đông. Đất dưới chân lởm chởm nguy hiểm. Mưa vẫn xối xả trút xuống. Nước lênh loáng, dâng cao. Dù đã trang bị đèn nhưng đoàn quân vẫn bị đêm đen bao trọn. Người già, trẻ nhỏ bám trên mái nhà như những con chim non yếu ớt, í ới kêu cứu. Họ chìa tay ra, chờ đợi. Sợ hãi, phạc phờ chăng trên tấm thân run lạnh đến khẳng khiu. Khi từng người được đưa lên thuyền, men theo đường về tập kết ở trụ sở ủy ban xã thì tất cả mới hoàn hồn. Gần sáng, mấy chục người được đưa về trụ sở an toàn. Có người cõng theo con chó, con gà hoặc vài thứ lặt vặt được bọc trong túi ni lông. Con chó kêu ăng ẳng vì đói rét.
Trận chiến này giống trận chống "giặc thủy” ở bản Veng năm trước. Nước lũ ngoan cố và thủ thế tàn độc, đánh bay con đường nhỏ dẫn vào bản, cuốn trôi mấy cái nhà tạm bợ được dựng bằng gỗ tạp. Hơn hai trăm chiến sĩ vào trận. Người giành chiến thắng là các anh. Không người dân nào bị thương. Tài sản trong nhà dân cũng cứu được gần hết. Trận này anh em cũng muốn chiến thắng giòn giã như thế. Mạnh mẽ lên anh em. Bỗng ai đó chạy về báo:
- Các anh ơi, ở cuối bản Tưng còn một nhà nữa. Qua kiểm đếm còn mẹ con chị Thoa.
Đôi mắt Minh lia lại một vòng trước các chiến sĩ cấp dưới vừa vượt qua cung đường vất vả, giờ vẫn hơi run vì mưa lạnh. Năm người đứng lên như lò xo với những cánh tay quyết tâm. Minh gật đầu. Tinh thần của anh em rất tốt, tuy nhiên lúc này anh cần ít người nhất nhưng phải làm sao hiệu quả cao nhất:
- Tôi chỉ cần hai người đi với tôi. Những anh em khác sẵn sàng khi tình huống xấu xảy ra.
Mấy chiến sĩ nhìn người trực tiếp chỉ huy trận này:
- Anh cứ để chúng em đi.
Minh lắc đầu:
- Bây giờ nước đã lên cao hơn, nguy hiểm hơn lúc trước rất nhiều. So với anh em, tôi có kinh nghiệm hơn. Nên tôi sẽ trực tiếp đi cứu mẹ con chị Thoa.
Ba con người, ba đôi chân lại lao vào mưa lũ. Khi đưa hai mẹ con chị Thoa lên chiếc thuyền nhỏ thì một thân gỗ mục bị nước xô tới, đẩy thuyền chở mẹ con chị Thoa và Tánh đi xa. Minh và Toàn bấu vào chiếc thuyền còn lại, nhưng nó bị nước đánh nên lật sấp. Minh và Toàn như chiếc lá, bị nước lũ đánh dạt về phía ngòi Thia. Cuống cuồng. Tức thở. Chập chờn. Vật lộn mãi trong dòng nước, Minh đã bám được vào một bụi cây. Muốn sống lúc này phải lựa dòng nước. Nương theo nước để đoán biết "miếng võ” của nó để không bị nó quật, nhấn chìm. Bao bài học kinh nghiệm để có những giây phút thật bình tĩnh. Có sinh tồn được hay không là lúc này đây. Có bảo vệ được mạng sống mình mới hòng cứu giúp người khác. Chuyện sinh tồn trong nước lũ vượt xa khỏi những bản giáo án. Nó được đúc rút có khi bằng cả mạng sống của nhiều người.
Định thần lại, anh không thấy Toàn đâu cả. Khản cổ gọi nhưng trả lời anh chỉ là tiếng nước ì oạp trộn lẫn tiếng gió vuột nhanh trong không gian. Anh cởi bớt áo quần cho nhẹ, lấy hết sức rẽ nước bơi về phía lùm cây… Gần trưa, Minh mới tìm được về trụ sở ủy ban, thương tích đầy mình, toàn thân mệt lả. Anh thở phào khi biết mẹ con chị Thoa được Sỹ đưa về an toàn. Nhưng còn Toàn, sao chưa thấy về? Minh bắt đầu lo lắng. Sát trùng sơ qua những vết thương do cành cây, gai góc và đá sỏi cào xé, ăn vội ít lương khô, anh cùng cả đoàn đi tìm Toàn.
Mưa ngớt. Nước chưa rút, giăng cái màu đục ngầu như muốn nuốt hết cả những ngọn cây đã ngập ngang thân. Ánh đèn pin lia láu. Giọng người cất gọi khẳn đặc, tan trong tiếng mưa gió. Tìm kiếm ròng rã mệt nhoài. Ngày thứ ba, Toàn được tìm thấy ở ngã ba ngòi Thia, đoạn tiếp giáp xã bên. Thân thể anh mắc vào lùm cây xơ xác. Sự hy sinh của Toàn khiến cả tiểu đoàn đau xót, nỗi ám ảnh tê tái bám riết Minh. Mắt Minh nhòa nhoạt. Những lùm cây ủ rũ vì buồn thương…
***
Đơn vị lo liệu chu đáo cho Toàn, đưa anh về quê hương. Minh lặng lẽ trở lại gặp vợ con Toàn để động viên. Lòng anh còn chưa nguôi tái tê và ám ảnh. Anh căm thù những cơn mưa lũ. Đó còn hơn quái thú, nuốt nhà cửa, cây cối, con người và cả tài sản. Đường quê vẫn còn chỗ lầy lội. Cánh đồng ủ rũ dưới những đám mây xam xám. Toàn là người năng nổ, dễ mến. Chục năm gắn bó, có những khi mệt mỏi Minh còn được truyền lan sự lạc quan bởi những phẩm chất mộc mạc ở nơi Toàn. Toàn như cây bưởi, cây khế bên hiên nhà, nơi ngõ quê. Lúc nào cũng dâng hương, dâng quả, cho bóng mát. Lúc nào cũng nghĩ cho người khác. Khi vào trận thì dũng cảm, cứng rắn như cây lim trên núi cao, sẵn sàng đương đầu gian khó. Ở đơn vị, nụ cười tỏa sáng và nghị lực của Toàn là tấm gương để chiến sĩ, đồng đội noi theo.
Về thăm nhà với tâm trạng nặng trĩu. Mắt mẹ đầy vết chân chim, lui cui bên mảnh vườn nhỏ đầy hoa. Hoa tỏa thơm mái nhà dịu hiền như đời mẹ thầm lặng đã nén bao nỗi đau vào trong. Mỗi khi có chuyện buồn, có dịp là anh về nhà. Lần này bà An đoán được con có tâm trạng nên bà toàn nói chuyện vui. Vợ con anh cười đó mà mắt anh rơm rớm. Bà An gặng hỏi: "Mẹ biết con có tâm sự. Chuyện gì thế Minh?”. Minh buộc lòng phải nói ra chuyện Toàn đã hy sinh. Bà An lặng đi trong vài giây, mặt biến sắc. Toàn đã có lần đến thăm bà. Gương mặt sáng của Toàn, bà vẫn nhớ. Bà dặn: "Minh à, vậy con càng phải cẩn thận. Còn thằng Quyết nữa. Ngộ nhỡ…”.
Quyết là cháu nội bà An, con trai của anh Sáng. Quyết đang học lớp 12. Nó định thi vào ngành công an. "Mẹ yên tâm. Thằng Quyết sẽ được phù hộ, bình an”. Minh chợt thấy cay cay nơi khóe mắt.
Năm Minh vừa tốt nghiệp đại học thì anh Sáng hy sinh trong một chuyên án đánh ma túy lớn ở bản Hát, sát cửa khẩu. Đó là vùng đất nhiều nắng và gió. Một vùng đất dữ, tồn tại vựa ma túy khổng lồ được ngụy trang bởi những nếp nhà lúp xúp. Lũ ác ôn mua bán chất cấm sử dụng súng chống trả trong trận vây ráp kinh hồn, đã cướp mất Sáng. Anh Sáng hy sinh để lại nỗi đau thắt lòng cho người ở lại. Bà An cứ ôm con dâu mà khóc.
Nhìn Minh, bà cũng không cầm lòng được. "Con có nghĩ lại không? Mẹ tên là An mà chẳng yên. Mẹ đã dâng chồng, giờ lại dâng con…”. Minh không biết nói gì thêm nữa. Nước mắt đọng lại, vón cục, trôi vào miền tâm tưởng. Xót xa cùng cực. Nhưng không đầu hàng, không chùn bước. Anh Sáng hy sinh cũng lâu rồi. Nhưng chị dâu vẫn ở vậy để nuôi thằng Quyết, con San. Chị còn đẹp lắm. Cả mẹ, hàng xóm đều giục chị đi bước nữa. Nhưng chị dâu lắc đầu, muốn ở vậy, thờ chồng, nuôi con.
Đêm trăng quê thênh thang như một vùng cổ tích. Anh trầm lắng trong đêm. Bao ngôi sao trên kia như mang tâm trạng u hoài cùng anh. Có ngôi sao nào phải chia lìa, như anh đã mất người thân. Anh mất những người đàn ông quan trọng với cuộc đời mình, bằng cách này hay cách khác. Mẹ anh, chị dâu, giờ là vợ Toàn. Rồi sẽ là ai nữa, lâm cảnh mẹ góa con côi?
***
Bão lại đổ về. Năm nay sao lắm mưa nhiều bão đến thế. Trực ở đơn vị, anh thư giãn bằng một chút nhạc du dương. Tiếng nhạc giảm đi phần nào sự thê lương của cơn mưa kéo dài. Minh mong mưa thôi rơi, bão dừng ở phía bên kia nền trời, đừng trút cái khốc liệt xuống mảnh đất thân yêu này nữa. Minh nhận được điện thoại của vợ, nghe tiếng hai con lí láu. Ba mẹ con hỏi thăm nơi anh đóng quân mưa lớn không, dù làm gì, đi đâu cũng phải cẩn thận, giữ gìn sức khỏe, ở nhà ba mẹ con lúc nào cũng ngóng đợi.
Trung tá Lân nói về việc chuẩn bị tâm thế. Nghe dự báo thời tiết thì trận bão này to hơn trận bão trước. Nó thủ những miếng đánh tàn độc, bất ngờ. Cấp trên đã có chỉ đạo phối hợp. Phía tỉnh, các đơn vị bộ đội, công an cũng đã có phương án từ khi mới có dự báo về cơn bão. Từ lúc nghe dự báo thời tiết, lực lượng của đơn vị đã phối hợp, đi gia cố, che chắn nhà cửa giúp dân, được dân yêu mến. Bây giờ, chẳng mong đợi, bão cứ đến. Lực lượng cũng phải chủ động chống trả bão tố. Minh đề xuất: "Báo cáo anh, anh em đã chuẩn bị tinh thần rồi. Em vẫn xin dẫn quân, trực chiến, sẵn sàng xông pha khi địa bàn nào bị bão càn quét”.
Mưa lũ nhằm khi trời tối đánh vào thôn Tông. Đó là điều tất cả đều không thể ngờ. Toàn bộ thôn Tông nằm ở vùng trũng, cách đơn vị chưa đầy ba mươi cây số về phía Tây. Quả đồi đất bị mưa làm nhão, dẫn đến sạt lở. Đất đá húc đổ trường học, nhà cửa. Ngay trong đêm, các đơn vị đã xung trận, nhập cuộc. Nước dâng lên nhanh. Minh dẫn anh em, phối hợp bộ đội, dùng thuyền đi vào thôn Tông. Nước đã dâng mấp mé nóc nhà. Nhiều người dân chọn cách trèo lên cây, lên nóc nhà để đợi khi không kịp chạy về trung tâm xã. Trong mưa, Minh nghe thấy tiếng một phụ nữ: "Các anh ơi, con em tám tuổi, lúc cháu đi vệ sinh cũng là lúc đồi sụp, em không biết cháu ở đâu. Mong các anh giúp”.
Minh cùng các chiến sĩ quay thuyền, dò từng nóc nhà, ngọn cây. Mưa vẫn trút xuống. Ánh đèn pin lia láu xuyên mưa, xuyên đêm. Sau cùng, thằng bé tám tuổi được tìm thấy trong một bụi gai, người lạnh ngắt, mệt lả, giọng khản đặc vì sợ hãi và vì khóc. Lúc tìm thấy, nó chỉ thều thào, run cầm cập. "Vậy là mừng rồi. Chúng ta mau chóng đưa cháu về với mẹ cháu”, Minh nói.
Các tin khác
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ Khai mạc Tuần phim vào hồi 19 giờ ngày 2/12/2024 tại Điện ảnh Quân đội nhân dân và trình chiếu tám bộ phim khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.