Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ: Thêm niềm vui, gắn kết hội viên
- Cập nhật: Thứ ba, 1/10/2024 | 2:16:26 PM
Phong trào văn hóa, văn nghệ (VHVN) của người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của bậc cao niên, gắn kết tình cảm, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Người cao tuổi phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023.
|
Vui tiếng thơ, ca
Huyện Tân Yên là một trong những địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng NCT phát triển mạnh. Hiện nay, 22/22 xã, thị trấn của huyện đều đã thành lập câu lạc bộ (CLB) văn nghệ NCT với tổng số khoảng 2 nghìn thành viên. Nhiều năm liền, huyện đạt thành tích cao trong các hội diễn, liên hoan văn nghệ NCT cấp tỉnh.
NCT thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) trao đổi về tập thơ của Hội NCT thị trấn. |
Những ngày qua, các thành viên CLB văn nghệ - dưỡng sinh - vũ điệu - khiêu vũ thể thao tổ dân phố Phố Mới, thị trấn Cao Thượng tích cực luyện tập chương trình văn nghệ nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế NCT (1/10). Khoảng 8 giờ tối hằng ngày, tại nhà văn hóa tổ dân phố luôn rộn ràng tiếng nhạc, các thành viên CLB đều có mặt đông đủ. Tuy tuổi cao, lời ca, tiếng hát không còn trong trẻo, điệu múa không mềm mại, uyển chuyển như xưa nhưng ai nấy đều say sưa luyện tập, chỉnh sửa cho nhau từng động tác, nhịp điệu.
Ông Nguyễn Ngọc Viên, thành viên CLB chia sẻ: "Tham gia văn nghệ, tôi được thỏa sức vui với những lời ca, tiếng hát; được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người, tinh thần sảng khoái, nhờ đó sức khỏe được cải thiện”. Được biết, CLB văn nghệ tổ dân phố Phố Mới có 23 thành viên, độ tuổi từ 60-75 tuổi, trong đó có những gia đình cả vợ và chồng cùng tham gia.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội NCT thị trấn Cao Thượng, thị trấn hiện có 29 CLB văn nghệ của NCT với hơn 500 thành viên. Với mục đích giúp các hội viên rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, hằng năm, Hội NCT thị trấn Cao Thượng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ vào các dịp lễ, Tết, Ngày truyền thống NCT Việt Nam, Ngày Quốc tế NCT...
Được thành lập năm 2018, CLB Thơ ca phố Núi luôn là điểm hẹn sinh hoạt văn hóa, tinh thần của NCT thị trấn Chũ (Lục Ngạn). CLB gồm 17 thành viên, trong đó có 5 cụ ngoài 80 tuổi, cụ nhiều tuổi nhất năm nay đã 92. Dù điều kiện, hoàn cảnh sống mỗi người khác nhau song tất cả đều có điểm chung là yêu thơ, biết làm thơ. Do ở cách xa nhau, đi lại khó khăn, tuổi cao, các hội viên thành lập nhóm Zalo để thường xuyên cập nhật thông tin, trò chuyện, chia sẻ những bài thơ "cây nhà lá vườn”, tự sáng tác để mọi người cùng thưởng thức. Nội dung các bài thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, gia đình, tình cảm thầy trò, phong trào xây dựng nông thôn mới…
Bà Nguyễn Thị Căn, Chủ nhiệm CLB Thơ ca phố Núi thị trấn Chũ cho biết: "Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, điều kiện của hội viên, chúng tôi tổ chức các đợt sinh hoạt sao cho phù hợp. CLB thường mời khách mời có chuyên môn về thơ của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh giao lưu bình thơ, thảo luận, rút kinh nghiệm. Các nội dung được trao đổi như: Quy tắc xây dựng, sắp xếp các yếu tố trong một bài thơ, số câu, số tiếng, cách hiệp vần, ngắt nhịp”.
Nhờ tích cực học hỏi, nghiên cứu, các thành viên đã cho ra đời nhiều bài thơ hay. Tiêu biểu như các tác phẩm của các tác giả: Xin cho tôi (Lê Thị Phúc), Hương vườn nỗi nhớ (Nguyễn Thị Hoàn), Khúc hát về viên phấn (Nguyễn Thị Căn), Con sông quê tôi (Vương Thúy Ngài)… 6 năm kể từ khi thành lập, CLB đã xuất bản 5 tập Tình thơ phố Núi được chọn lọc từ gần 600 tác phẩm của nhiều thế hệ tác giả. Trong tháng tới, CLB sẽ xuất bản tuyển tập thơ mang tên "Một chặng đường Xuân” đánh dấu quá trình phát triển của CLB. Bên cạnh hoạt động giao lưu thơ, các thành viên còn đoàn kết, quan tâm, tích cực hỗ trợ nhau khi gia đình có việc hiếu, hỷ, gặp rủi ro đột xuất.
Phát triển phong trào
Hoạt động VHVN của NCT ở cơ sở đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, nâng cao đời sống tinh thần, giúp NCT sống vui, khỏe, hạnh phúc. Đồng thời góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Theo định kỳ, Hội NCT tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các liên hoan, hội thi để các đơn vị cùng giao lưu như: Tiếng hát NCT, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng NCT. Theo ông Nguyễn Bá Thục, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT tỉnh, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, phong trào VHVN của NCT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2,4 nghìn CLB VHVN NCT với gần 80 nghìn hội viên.
Toàn tỉnh hiện có hơn 2,4 nghìn CLB VHVN NCT với gần 80 nghìn hội viên. Các CLB hoạt động dưới nhiều hình thức như: Văn nghệ, thơ, khiêu vũ, dân vũ... Các CLB đều có quy chế hoạt động, duy trì sinh hoạt định kỳ, đều đặn. Một số địa phương có phong trào VHVN NCT phát mạnh như: Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Ngạn, thị xã Việt Yên và TP Bắc Giang… |
Các CLB hoạt động dưới nhiều hình thức như: Văn nghệ, thơ, khiêu vũ, dân vũ... và có quy chế hoạt động, duy trì sinh hoạt định kỳ đều đặn. Một số địa phương có phong trào VHVN NCT phát triển mạnh như: Thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), xã Đoan Bái (Hiệp Hòa), xã Tân Hưng (Lạng Giang), xã Phì Điền (Lục Ngạn), phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang)...
Nhiều CLB, tổ, đội văn nghệ của NCT thường xuyên tham gia giao lưu, biểu diễn ở trong và ngoài tỉnh. Không ít các loại hình di sản văn hóa như hát chèo, quan họ, then... được NCT gìn giữ, phát huy và lan tỏa. Điển hình như CLB Chèo Tiên Lục (Lạng Giang) nhiều năm nay duy trì sinh hoạt đều đặn hằng tháng. Các thành viên dù tuổi cao nhưng không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng bằng cách tìm hiểu qua mạng Internet để học thuộc lời những đoạn chèo cổ, điệu múa trong chèo.
Ngoài ra, CLB còn sáng tác những đoạn chèo mới như: Vẫn còn may, Đồng quê đổi mới… nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe NCT; vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; cổ vũ các phong trào thi đua... Hằng năm, CLB kết nạp nhiều thành viên có năng khiếu văn nghệ. Vào dịp mừng thọ, lễ Tết, gia đình sum họp, các hội viên vẫn giữ thói quen hát chèo, giúp con cháu hiểu hơn về loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Để phong trào VHNN của NCT ngày càng phát triển, có chất lượng, hiệu quả, thời gian tới, Hội NCT tỉnh chỉ đạo các cấp hội trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, duy trì sinh hoạt đều đặn của các CLB. Tăng cường tổ chức hoạt động giao lưu, liên hoan nghệ thuật quần chúng NCT. Tiếp tục nhân rộng các CLB, đội văn nghệ giúp hội viên rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Qua đó gắn kết các thành viên, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Các tin khác
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ Khai mạc Tuần phim vào hồi 19 giờ ngày 2/12/2024 tại Điện ảnh Quân đội nhân dân và trình chiếu tám bộ phim khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.