Để dân ca Quan họ mãi vang vọng, trường tồn
- Cập nhật: Thứ tư, 13/11/2024 | 5:16:47 PM
Nắm giữ, trao truyền và mong muốn Dân ca Quan họ mãi vang vọng, trường tồn, hơn 35 năm gắn bó với những làn điệu, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Hiệp đã có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể độc đáo này. Ông là một trong số 25 điển hình tiêu biểu toàn quốc trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương vào tháng 11/2024.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Hiệp biểu diễn làn điệu Quan họ. Ảnh: TTXVN phát
|
Giọng ca khiến nhiều người say đắm
Căn nhà của gia đình Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Hiệp nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở thôn Thổ Hà (xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Đã ngoài 60 tuổi, giọng ông có chút khàn nhưng khi cất tiếng ca, giọng hát lại trong vắt, mượt mà khiến người nghe đắm say.
Sinh ra và lớn lên ở bờ bắc sông Cầu - nơi có bề dày về sinh hoạt, giữ gìn và bảo tồn văn hóa Quan họ từ lâu đời nên tình yêu của liền anh Phú Hiệp đối với loại hình nghệ thuật này cứ thế lớn dần lên. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Hiệp chia sẻ, lúc nhỏ mỗi lần làng mở hội Xuân, ông lại ra đình làng xem hát Quan họ cổ. Hình ảnh những liền anh, liền chị duyên dáng trong trang phục Quan họ nô nức đi trảy hội và buông những câu hát đằm thắm nghĩa tình bên dòng sông Cầu khiến ông thích thú, mê đắm. Làn điệu này có sức hút đặc biệt khiến ông tự nghe, tự học, dần dần thuộc nhiều bài.
Khi nhập ngũ, với chất giọng đặc trưng và vốn liếng Quan họ sẵn có, ông được chọn vào đội văn nghệ xung kích của đơn vị. Xuất ngũ trở về quê hương, với đam mê Quan họ, ông tự mày mò, nghiên cứu, học hỏi qua nhiều kênh. Lúc đó, khắp vùng Kinh Bắc cứ nghe thấy ở đâu có các thầy hát Quan họ hay, có tiếng là ông lại tìm đến để học. "Thời đó, người trẻ như mình mà say mê và tìm mọi cách để học Quan họ là rất hiếm. Vì vậy khi đến xin học, các cụ lúc đầu còn từ chối. Sau đó bằng sự chân thành và kiên trì thuyết phục, các cụ cũng đồng ý dạy ông. Quá trình học cũng khó khăn bởi chỉ học qua truyền khẩu. Các cụ hát cho nghe, mình ghi chép, nhớ được đến đâu thì nhớ, sau đó về nhà phải tự rút ra câu này hát thế nào” - ông Hiệp cho hay.
Không ngừng góp nhặt, học hỏi, tình yêu và vốn liếng Quan họ của ông mỗi ngày lớn dần lên. Ông bắt đầu tham dự các cuộc thi, liên hoan Quan họ do địa phương, Trung ương tổ chức và đều giành giải cao. Tên tuổi, gương mặt, giọng hát của ông được công chúng đón nhận và dần quen thuộc trong các sân khấu, sự kiện Quan họ ở trong và ngoài nước. Ông nổi tiếng với nhiều bài Quan họ khó hát như: "Tuấn Khanh", "Giăng già"... Năm 2012 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Trung tâm UNESCO tại Pháp, liền anh Phú Hiệp là một đại diện cho di sản Quan họ Bắc sông Cầu của Việt Nam được mời đi biểu diễn. Tại đây, những tiết mục của ông được công chúng đón nhận nhiệt tình, góp phần quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè thế giới.
Đến nay, ông đã sưu tầm được trên 200 làn điệu, gần 600 lời ca Quan họ cổ. Ông được đánh giá là người có đầy đủ kiến thức về lề lối, luật chơi Quan họ; nắm vững kỹ thuật xử lý câu hát đạt được các yếu tố vang, rền, nền, nẩy; nhận biết tường tận, bài bản về một canh hát Quan họ; có kỹ năng sư phạm và tâm huyết truyền nghề. Đặc biệt, ông để lại ấn tượng với người nghe ở lối hát cổ không nhạc đệm cùng độ vang, rền, nền, nảy khó ai sánh bằng.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Hiệp cho biết, hát Quan họ là đam mê, niềm hạnh phúc của ông. Văn hóa Quan họ chứa đựng một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Muốn chơi được Quan họ phải hiểu cách ứng xử, giao tiếp rất đỗi chân tình và tế nhị của người quan họ. "Chỉ khi nào sức khỏe không cho phép, không nói được, đi được thì tôi mới không hát Quan họ”- ông Hiệp khẳng định.
Để Quan họ mãi vang vọng, trường tồn
Nhằm lan tỏa tình yêu Quan họ đến mọi người, năm 1987, ông đã nhen nhóm việc thành lập đội hát Quan họ Thổ Hà. Tuy nhiên, lúc đó Quan họ ở Thổ Hà còn chìm lắng nên ý tưởng đó không được mọi người ủng hộ. Không bỏ cuộc, ông tìm đến sự giúp đỡ của Hội Người cao tuổi trong thôn để mọi người tin tưởng. Với sự vận động, thuyết phục của ông, tháng 3/1989 Đội Quan họ Thổ Hà (tiền thân của Câu lạc bộ Quan họ Thổ Hà ngày nay) đã ra đời, gồm 32 thành viên.
Là chủ nhiệm câu lạc bộ, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Hiệp thường xuyên tổ chức buổi sinh hoạt truyền dạy cho các thành viên về cách chơi Quan họ của liền anh, liền chị xưa kia, cách tổ chức buổi hát canh theo lối cổ. Đến nay, câu lạc bộ đã thu hút nhiều thế hệ tham gia gồm người cao tuổi, trung tuổi và măng non. Câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên vào tối thứ Bảy tại đình làng Thổ Hà. Tại đây, mọi người cùng học hát, giao lưu, hướng dẫn nhau những lời khó trong Quan họ cổ. Người biết nhiều hướng dẫn cho người biết ít, người biết ít hướng dẫn cho người mới học. Cứ thế, câu lạc bộ phát triển nhanh chóng, thường xuyên tham gia các cuộc thi, liên hoan trong, ngoài tỉnh và giành nhiều giải cao.
Năm 2017, câu lạc bộ tham mưu tổ chức Liên hoan Quan họ tại Lễ hội Thổ Hà vào dịp đầu Xuân để phục vụ nhân dân và du khách. Đến nay cứ mỗi dịp Lễ hội Thổ Hà được tổ chức, canh hát "Đón bạn trên sông” và các canh hát đối đáp theo lối cổ truyền, không nhạc đệm đã trở thành thương hiệu độc đáo của Thổ Hà.
Anh Nguyễn Đăng Nam (thành viên Câu lạc bộ Quan họ Thổ Hà) cho biết, giữa rất nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí hiện đại, canh hát Quan họ tại Lễ hội Thổ Hà luôn thu hút đông đảo sự quan tâm của khán giả ở nhiều lứa tuổi. Đây là một tín hiệu tốt và vô cùng đáng quý, khẳng định sự yêu mến của cộng đồng với Quan họ Thổ Hà nói riêng và Dân ca Quan họ nói chung.
Ngoài việc duy trì và phát triển câu lạc bộ, những năm qua, bằng tình yêu và trách nhiệm, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Hiệp đã mở nhiều lớp truyền dạy Quan họ cho học sinh, sinh viên, thanh niên ở địa phương và các vùng lân cận. Thông qua Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Giang, từ năm 2015 đến nay, ông đã trực tiếp truyền dạy hát Quan họ cho 30 câu lạc bộ của 3 địa phương gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang với trên 200 lớp, hơn 3 nghìn lượt người. Cùng với đó, ông cũng là cộng tác viên giảng dạy Quan họ tích cực của Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang; đồng thời là cố vấn chuyên môn, thành viên Ban Giám khảo trong các cuộc thi Quan họ cấp huyện, cấp tỉnh.
Để góp phần vào việc truyền bá, lan tỏa dân ca Quan họ trong cộng đồng, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Hiệp đã phát hành 1 đĩa CD và 1 DVD Quan họ với tựa đề "Tôi là con giai sông Cầu” gồm 11 bài hát. Ông cũng đang sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn tập sách các bài hát Quan họ cổ với trên 400 bài. Ông luôn tâm niệm đem hết vốn liếng của mình truyền dạy cho các thế hệ để Quan họ mãi vang vọng, trường tồn.
Với những đóng góp cho di sản Quan họ, năm 2022, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân; năm 2023 được nhận danh hiệu Công dân Bắc Giang ưu tú.
Theo Báo Tin tức
Các tin khác
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ Khai mạc Tuần phim vào hồi 19 giờ ngày 2/12/2024 tại Điện ảnh Quân đội nhân dân và trình chiếu tám bộ phim khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.